Thơ Hồ Chí Minh trong lòng độc giả nước ngoài

Thứ Ba, 13/03/2018, 15:54
Không chỉ là người mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là danh nhân văn hóa thế giới. Riêng trong sự nghiệp thơ ca, Người có đóng góp đặc biệt trong việc truyền cảm hứng cho không chỉ người dân trong nước mà cả nhân dân thế giới, nhất là các chiến sĩ cách mạng và những người yêu chuộng hòa bình.


Nói về thơ Hồ Chí Minh, PGS.TS Đoàn Trọng Huy từng nhấn mạnh: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có tuyên ngôn nghệ thuật chính đáng, nhất là về quan niệm thơ. Cảm tưởng đọc "Thiên gia thi" là một công bố:

Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong 

Nhà thơ chính là chiến sĩ, thơ ca chiến đấu là thơ ca mang lý tưởng cao cả. Đây là loại thơ nói chí cách mạng nhất, chân chính nhất. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện chí và đạo mới mẻ và hoàn chỉnh qua quan niệm: văn nghệ là vũ khí chiến đấu sắc bén. Tóm lại, chí là chí khí đấu tranh cách mạng, vì lý tưởng độc lập, tự do. Còn đạo là đạo lý “làm người”, “ở đời” – kết hợp được đạo lý truyền thống và đạo đức cách mạng mới".

Trong thời gian bị giam tại nhà ngục Quảng Châu, Trung Quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết hơn trăm bài thơ với sức tố cáo tội ác và khát vọng mãnh liệt. "Nhật ký trong tù" (Ngục trung nhật ký: 1942-1943) là tập thơ đặc sắc, tiêu biểu nhất, thể hiện rõ thế giới địa ngục và bộc lộ ý chí đấu tranh bất khuất.

Quan niệm “thép” cũng bao hàm “tình” trong thơ đã giúp đưa thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh lại gần hơn với những chiến sĩ cách mạng thời ấy và cả nhân loại sau này. Chất "thép" trong thơ ấy đã trở thành kim chỉ nam để 5 vị anh hùng Cuba vượt lên nỗi sợ hãi và cô đơn trong 16 năm bị giam cầm tại nhà tù của Mỹ.

Gặp chúng tôi trong một chiều thu Hà Nội sau ngày được trả tự do, Antonio Guerrero Rodriguez - một trong 5 anh hùng Cuba kể: "Trước năm 2015, chúng tôi vẫn bị khóa trong xà lim của nhà tù Liên bang Mỹ. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã bị giam giữ 16 năm.

Vụ việc bắt đầu vào một ngày cuối năm 1998, khi chúng tôi bị bắt giữ tại Miami, bị vu cáo về tội giết người. Họ đã giam giữ chúng tôi 17 tháng liền ở những nơi xa xôi cách biệt và chủ định làm sao bẻ gẫy sự thống nhất, đoàn kết về mặt tinh thần của chúng tôi.

Thế nhưng họ không bao giờ đạt được điều này. Trong những năm tháng bị tù đày, chúng tôi luôn nhìn về các tấm gương sáng ngời của nhiều anh hùng vĩ đại, trong đó có Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cũng đã phải trải qua hoàn cảnh tù đày trong nhà tù Tưởng Giới Thạch. Tôi và những đồng chí khác đã dùng bút chì để vẽ hình ảnh không thể nào quên của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn hiện hữu trong trái tim và trong cuộc đấu tranh của chúng tôi”.

Cũng theo lời kể của anh hùng Antonio Guerrero Rodriguez, mỗi khi đêm xuống, trong bốn bức tường lạnh lẽo của xà lim, trong tiếng gió rít của mùa đông và không khí tê tái của tuyết về, 5 anh hùng Cuba vẫn thường đọc to các bài thơ trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Antonio Guerrero Rodriguez nhấn mạnh: "Những vần thơ đanh thép của Bác đã giúp chúng tôi có thêm sức mạnh và ý chí. Cá nhân tôi luôn tự răn mình bằng 4 câu thơ:

Thân thể ở trong lao
   Tinh thần ở ngoài lao
        Muốn nên sự nghiệp lớn
        Tinh thần càng phải cao.

Và đến hôm nay, với tinh thần càng phải cao ấy, 5 người chúng tôi đã được trả tự do”.

Thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Theo tin từ Viện sách Cuba, tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được cố nhà thơ nổi tiếng của Cuba là Felix Pita Rodriguez dịch sang tiếng Tây Ban Nha và lần đầu tiên được xuất bản tại Cuba năm 1960. Năm 2013, tập thơ đã được tái bản và được nhà xuất bản Coleccion del Sur phát hành.

Rất nhiều độc giả Cuba đã nhận định rằng, các tác phẩm trong tập thơ cho thấy sự giản dị, tính nhân văn và đặc biệt là khát vọng vì độc lập dân tộc trong con người vĩ đại - Chủ tịch Hồ Chí Minh, cho dù Người lúc đó đang phải trải qua thời gian giam cầm cô đơn, chống chọi với bệnh tật, sự thiếu thốn và khó khăn trong ngục tù.

Riêng với cố nhà thơ Felix Pita Rodriguez, ngay từ khi đọc các bài thơ của Bác rồi dịch sang tiếng Tây Ban Nha, ông đã viết "Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ" - một tác phẩm khắc họa rõ nét cuộc đời của Bác, từ thuở còn niên thiếu cho đến khi trút hơi thở cuối cùng với mục tiêu duy nhất "tìm đường cứu nước, cứu dân".

Chưa hết, con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, thơ Hồ Chí Minh, về công cuộc chèo lái con thuyền cách mạng bền bỉ còn được thể hiện một cách trìu mến qua những vần thơ của nhà thơ người Anh Eoan Maccon:

“Hồ Chí Minh - Ông già thuyền trưởng
Đã từng qua bốn biển năm châu
Sinh cảnh đói nghèo, lớn bước gian lao
Lòng sạch, chí cao đã thành thép qua nghìn lửa đạn
Hồ Chí Minh dong buồm về nước
Vung cánh tay ngang trời Tổ quốc
Kêu gọi nhân dân lớp lớp theo Người
Để thoát kiếp ngựa trâu xây lại cuộc đời".

(Hồ Chí Minh, Eoan Macccon -  Anh, Đào Anh Kha dịch)

Trong khi đó, đối với người Nga, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là những ký ức đẹp, khó phai. Bà Natalia Shafinskaya- Giám đốc Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, năm 2017, nhân ngày sinh của Hồ Chí Minh, Trung tâm đã tổ chức một cuộc triển lãm ảnh “Hồ Chí Minh – Người chiến thắng”.

Ngoài triển lãm ảnh, Trung tâm Khoa học và Văn hoá Nga còn trình chiếu một bộ phim ngắn có sử dụng các cảnh điện ảnh, phim tài liệu do nhà quay phim Liên Xô nổi tiếng Roman Karmen quay tại Việt Nam và đang dự định triển lãm cả thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những bài viết về Người ở Nga.

Còn đạo diễn người Nga Roman Karmen khi nhớ về lần sang Việt Nam để quay phim về những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh chống Pháp năm 1954 cho biết, trước khi đi, ông đã đọc nhiều bài thơ của Bác và đến khi gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông vẫn "ngạc nhiên trước nghị lực mãnh liệt và sức chịu đựng của con người mảnh khảnh với nét mặt thanh thản ấy, trước tính tình đơn giản của Người, niềm vui sống tỏa lôi cuốn cả mọi người xung quanh".

Riêng với nhà thơ Paven Antokoxki, người đã dịch tập thơ "Nhật ký trong tù" sang tiếng Nga thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là "một pho tư liệu duy nhất chân thực và quý hiếm theo đủ các thể loại. Cuộc đời đã trao cho Người trọng trách và đồng thời cả một pho tiểu thuyết của tương lai, tạo nên cốt truyện và là một cốt truyện cực kỳ hấp dẫn...". Trong bài thơ "Bức tượng đồng trong rừng sâu", nhà thơ Paven Antokoxki đã sử dụng hình ảnh Phật Thích Ca để gợi nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh:

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa bao giờ nhận mình là nhà thơ. Nhưng với gia tài là những áng thơ vô cùng đa dạng và phong phú về thể loại, nội dung và ngôn ngữ, Người đã trở thành một nhà thơ lớn của thời đại và là nguồn cảm hứng sáng tạo không bao giờ cạn của rất nhiều thi sĩ.

Anh hùng Cuba Antonio Guerrero Rodriguez - người luôn đọc những vần thơ đanh thép của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian bị giam tại nhà tù của Mỹ. Ảnh: Getty

Ngoài hàng trăm bài thơ bất hủ của các nhà thơ tên tuổi trong nước và hàng ngàn bài thơ hò, vè do quần chúng nhân dân sáng tác để bày tỏ lòng kính yêu vị Cha già dân tộc..., còn có hơn 200 tác phẩm và các công trình nghiên cứu cùng hàng trăm tạp chí, hàng ngàn bài báo của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, triết học, tâm lí học, nhân chủng học, văn hóa học, các nhà thơ nước ngoài; các phóng viên của các tờ báo lớn trên thế giới... viết về Người.

Và dù chính kiến của họ có cùng chiều hay khác chiều thì vẫn có một sự khâm phục, ngưỡng mộ, kính trọng về một con người “Đại nhân, Đại trí, Đại dũng” như những gì mà tờ World Daily viết trong bài báo dưới tiêu đề “Di sản của Hồ Chí Minh" ra ngày 20-9-1969 (tức sau ngày Bác mất): "Hồ Chí Minh không những tìm ra con đường đi tới tự do mà còn sáng lập và xây dựng công cụ lãnh đạo là chính đảng Mác-Lênin...

Người đã trở thành biểu tượng Anh hùng và cách mạng trên toàn thế giới. Hồ Chí Minh là một trong những nhân vật vĩ đại nhất trong thời đại. Cuộc đời và các tác phẩm của Người sống mãi để thôi thúc những thế hệ tiếp nối và những thế hệ chưa chào đời. Nhà lãnh đạo Việt Nam vĩ đại này đã để lại một di sản tinh thần thôi thúc ý chí mọi người và thúc đẩy những hành động lớn lao trong sự nghiệp tự do và chủ nghĩa cộng sản trong các nhà cách mạng trên toàn thế giới !".

Sông Thương
.
.
.