Những trang viết trong lòng đất

Thứ Sáu, 01/11/2019, 15:37
Trừ những cây viết được bố trí ở căn cứ chiến khu, nơi gọi là “Tổng hành dinh” của tòa soạn, được ngồi trên bàn viết, dẫu rằng bàn ghế được ghép bằng cây rừng, còn số đi thực tế ở chiến trường thì hầu như phải viết dưới hầm sâu địa đạo, dưới hầm bí mật, giao thông hào, hầm tránh phi pháo... trước ngọn đèn dầu tù mù.


Ngồi viết trong phòng làm việc với đầy đủ tiện nghi - bàn ghế bóng lộn, đèn điện sáng trưng... đó là chuyện bình thường của các nhà báo thời nay - thời điện tử, thời Internet, thời bốn chấm không (4.0)... nó tương phản với chuyện nghề báo một phần hai thế kỷ trước ở chiến trường miền Nam (thời kháng chiến chống Mỹ). 

Trừ những cây viết được bố trí ở căn cứ chiến khu, nơi gọi là “Tổng hành dinh” của tòa soạn, được ngồi trên bàn viết, dẫu rằng bàn ghế được ghép bằng cây rừng, còn số đi thực tế ở chiến trường thì hầu như phải viết dưới hầm sâu địa đạo, dưới hầm bí mật, giao thông hào, hầm tránh phi pháo... trước ngọn đèn dầu tù mù.

Đôi điều phi lộ trên, để các nhà báo thời nay cảm thông cho những người cầm bút thời đó - thời cảm xúc dâng đầy, thời viết theo bản năng, thời viết rồi không biết gửi đi đâu, bởi thời đó báo chí ở chiến trường hiếm lắm. Lính ở vùng sâu vùng xa dễ gì tiếp cận! Gặp được một nhà báo cấp tỉnh thôi đã là niềm vinh dự, còn hơn cả gặp được nghệ sĩ tài danh ngày nay. Huống chi nói tới chuyện được đặt chân tới tòa soạn, một mong ước viển vông, không tưởng!

Tôi vào bộ đội tháng 2 năm 1961, thuộc Tiểu đoàn 10 pháo binh, Lữ đoàn 335 Quân khu Tây Bắc, đóng quân tại cao nguyên Mộc Châu. Có chút “máu mê” viết lách nên được Lữ đoàn cử đi “trại viết” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức tại thị xã Sơn La. Lại cũng không ngờ, cái lớp học làm báo ấy bỗng trở thành nguồn động viên khích lệ tôi cầm bút.

Họp mặt truyền thống cựu chiến binh đoàn tình báo j22. hàng đầu, từ phải qua: ông năm tuyến - cụm phó h67, tác giả và ông tư cang - cụm trưởng h63 (bến tre, tháng 10-2018).

Năm 1965, tôi được Cục Nghiên cứu Bộ Tổng tham mưu (nay là Tổng cục II, Bộ Quốc phòng) tuyển chọn, đưa về Hà Nội huấn luyện cấp tốc để chi viện cho chiến trường miền Nam, được bổ sung về Cụm tình báo chiến lược B48, căn cứ bám trụ tại Bình Dương. 

Ở chiến trường có đầy thứ để viết, để đăng báo, tuyên truyền về tinh thần chiến đấu, công tác của đồng đội tôi, của quân và dân ta trên đất Bình Dương, đặc biệt là tình nghĩa quân - dân nơi địa bàn bám trụ. Tiếc rằng đó không phải là nhiệm vụ của mình. Song, “bệnh nghề nghiệp” thôi thúc tôi cầm bút.

Bài đầu tiên tôi viết dưới hầm làm việc tại căn cứ bám trụ dự bị ở cánh rừng Bào Chữa, cách căn cứ Bến Cát của địch chừng 3 cây số. Bài viết có tựa đề “Mưu trí của cu Tèo”. 

Tèo là thiếu nhi 13 tuổi. Cha và anh của Tèo bị bom Mỹ giết. Căm thù giặc, Tèo quyết chí trả thù. Lần ấy, quân Mỹ mở cuộc càn dài ngày ở khu vực Chánh Lưu. Trạm gác vòng ngoài tại đầu sở cao su với một tên lính Mỹ túc trực ở đó. Chiều chiều, Tèo tha thẩn ra chỗ tên lính Mỹ chơi, với chiếc dàn thun (súng cao su) đeo trên cổ, một “bảo bối” làm quen. 

Thấy 2 con bù chao (chào mào) đậu trên đọt cao su chỗ gần tên lính Mỹ, Tèo trổ tài “thiện xạ”, tức thì một con bù chao rơi xuống. Quá ngạc nhiên, tên lính Mỹ liền tháo chiếc đồng hồ đưa cho Tèo và chỉ vào chiếc dàn thun, ý muốn Tèo đổi cho hắn. Tèo xua tay - “No... No”. Tuy nhiên, Tèo vẫn đưa dàn thun cho hắn và kèm theo mấy viên đạn (viên sỏi), còn chỉ cho cách thao tác. Tên lính cười mãn nguyện. 

Tèo chỉ cho hắn hàng cao su phía xa có mấy con sáo đen đậu trên ngọn cây. Tên lính Mỹ vội dựng khẩu súng AR-15 vào gốc cao su, chạy lên phía trước. Thời cơ đã đến, Tèo chộp cây súng, chạy như bay về phía rừng chồi trong tiếng kêu thất thanh của tên lính Mỹ: “Bi Sa... bé Bi Sa! Bi Sa...”. Tèo cười thầm “phen này có “chiến lợi phẩm” tặng các chú du kích rồi”.

Dứt cuộc càn của địch, chúng tôi trở về căn cứ cũ ở rừng Vĩnh Lợi thì bom Mỹ đã phá tan tành. Tôi được cử đi tìm và xây dựng căn cứ tại địa bàn Châu Thành. Trước mắt, tá túc tại Trạm dân y huyện, được anh chị em nhiệt tình giúp đỡ. 

Trạm có một bác sĩ mới ra trường là Ba Trí cùng tuổi tôi nên dễ thân thiện. Một tối, cánh đàn ông tổ chức nhậu dưới hầm, nhờ tổ trinh sát của tôi kiếm được một bịch rượu đế và mấy gói đậu phộng rang. Áo mưa trải xuống làm chiếu. Rượu rót vào bát sắt cá nhân. 

Thời đó tôi chưa biết uống rượu. Chỉ một chút thôi là mặt tưng bừng. Ba Trí động viên: “Ráng đi Ba Dương (tên ở chiến trường của tôi) hết nửa chén (bát) cũng được”. Rượu vào, Ba Trí lên giọng đàn anh: “Ngoan đi, hết nửa chén này rồi anh Ba gả em gái cho”. “Anh Ba có em gái?”. “Chớ sao! đẹp mê hồn. Nó thứ tư, tên Nhung. Lính pháo binh của tỉnh đó. Nhớ nè, từ rày, anh Ba kêu dượng Tư là phải dạ thiệt lớn nghen!”. Pháo tay nổi lên như muốn rung chuyển cả căn hầm.

Đời đôi khi có sự trùng hợp ngẫu nhiên đến kỳ lạ. Hai ngày sau cuộc nhậu, khoảng 11 giờ đêm hôm ấy, một mình ngủ dưới “hầm ưu tiên”, tôi bỗng nghe tiếng Ba Trí: “Dượng Tư! Dượng Tư ngủ chưa đó?”. “Dạ chưa! Có chi vậy anh Ba?”. “Lên ngay! Có việc gấp”. Tôi vục dậy, đang xỏ chân vào dép, bỗng nghe giọng con gái phía trên: “Anh Ba! Ai dưới đó? Mà sao anh kêu kỳ dzậy!”.

Tôi nhanh chóng chui khỏi hầm, vờ như không nghe được gì. Trăng hạ tuần chênh chếch phía Tây, trong ánh sáng lung linh huyền ảo tạo sự nhận biết cho tôi để thầm thốt lên: “Trời ơi! Bạt ngàn con gái”. Sự bất chợt có phần cường điệu, bởi thực tế cũng chỉ trên hai chục cô.

Giọng Ba Trí oang oang: “Tất cả chú ý, các tổ đã bố trí, yêu cầu “trưởng hầm” dẫn quân về nghỉ. Cuối cùng là tổ Tư Nhung sẽ do “hầm trưởng” Ba Dương sắp xếp!”.

Tôi nhanh chóng xuống hầm đốt đèn, rồi vội lên phụ giúp các cô chuyển vũ khí xuống. Hai cô xuống trước, một là pháo thủ đeo chiếc bòng đạn pháo cối 62 ly. Một cô đeo chiếc túi bạt hình tròn nặng trịch, nhấc lên tôi mới biết đó là bệ cối.

Cô gái xuống sau cùng, chắc là chỉ huy nên bồng nhẹ tênh, chỉ có tư trang và võng. Hai cô xuống trước nhanh nhảu sắp xếp luôn: “Hai đứa tụi em “chiếm” cột võng phía trong. Cột ngoài là chỗ anh Ba và chị Tư”. Đến lúc đó tôi mới dám ngước nhìn cô gái. Dong dỏng cao, mũi dọc dừa, mái tóc đen dài búi tròn sau gáy. 

Biết tỏng cái nguyên nhân khiến cô gái mất tự nhiên, tôi pha vui: “Trưởng hầm tuân lệnh hai cô nương. Cô Tư, đưa võng cho tôi, nguyên tắc ở đây võng 2 tầng, nam tầng dưới để cơ động chiến đấu”. Cô gái cầm chiếc võng, liếc nhìn tôi, mỉm cười: “Bộ con gái tụi này kém cơ động sao?”.

Khi ba vị khách ổn định chỗ nằm, tôi tắt đèn, về vị trí của mình. Nằm một lúc, đã nghe tiếng ngáy nhè nhẹ của cột võng phía trong. Còn vị khách tầng trên, thi thoảng lại trở mình. Phần tôi, thú thiệt, chẳng ngủ được, bởi xưa nay quen “một mình một cõi”. Giờ nằm trong căn hầm tràn ngập hơi con gái. 

Rồi nữa, nghe ca ngợi nhiều về lực lượng vũ trang Bình Dương có 2 đơn vị điển hình là Tiểu đoàn Phú Lợi và Trung đội nữ pháo binh, “máu” viết nổi lên, nảy sinh 2 tiêu đề đầy chất phóng sự: “Quả đấm thép - Tiểu đoàn Phú Lợi” và “Nữ pháo binh Bình Dương”. 

Không ngủ được mà không dám cựa mình. Phải lâu lắm mới mơ màng chợp mắt. Cảm giác trên mặt nhồn nhột, vội đưa tay lên, bỗng giật mình: Trời ơi, tóc! Mái tóc Tư Nhung xõa xuống mặt tôi, dội vào khứu giác hương lá bưởi dìu dịu bởi ở căn cứ thời đó làm gì có dầu gội như bây giờ. Tôi hít hà hương tóc. Mong cho trời đừng vội sáng! Sáng sớm hôm sau đoàn nữ pháo binh lên đường. Buổi tối, tôi ngồi dưới hầm phác thảo hai bài viết của mình viết rồi lại cất vào bòng.

Cuối tuần đó đơn vị chúng tôi nhận được chỉ thị của cấp trên sáp nhập Cụm B48 vào B49, căm cứ bám trụ tại Bến Chùa - Thanh An. Hai tháng sau tôi nhận quyết định của Đoàn trưởng J22 chuyển về Cụm tình báo H67. Căn cứ bám trụ tại mật khu Bời Lời thuộc Trảng Bàng, Tây Ninh (vùng trọng điểm hủy diệt của địch). Con người muốn tồn tại ở đó, chỉ có một cách duy nhất là “độn thổ” - ăn, ngủ, làm việc, hội họp, kết nạp đảng... tất tật đều dưới hầm.

Bởi Bời Lời là căn cứ bám trụ quan trọng để duy trì liên lạc với các lưới điệp báo Sài Gòn. Hơn 7 năm bám trụ mật khu, đơn vị tôi đã phải đương đầu với hàng chục trận càn của địch, tiêu diệt 147 tên lính Mỹ, phá hủy 24 xe tăng và xe bọc thép, bắn rơi 2 máy bay trực thăng. Chiến công lẫy lừng, vậy mà chưa có một nhà báo nào biết tới. 

Thôi đành “cây nhà lá vườn”, ngày nào cũng vậy, khi giải quyết xong công việc chuyên môn, từ dưới hầm sâu, tôi cặm cụi ngồi viết. Viết rồi lại để đó. Hết chuyện đơn vị lại giở những bài cũ trên đất Bình Dương chỉnh sửa lại. Bởi không còn tính thời sự nên chuyển thành truyện ngắn. “Mưu trí cu Tèo” thành “Cu Tèo và cái dàn thun”, “Nữ pháo binh Bình Dương” thành “Hương tóc”...

Riêng chuyện cu Tèo, đầu năm 1970 “đánh liều” gửi Văn nghệ Quân Giải phóng, nhờ đoàn cán bộ đi thực tế chiến trường chuyển giúp. Tới đầu năm 1971 mới được in. Tất cả “mớ bòng bong văn chương” còn lại, kết thúc chiến tranh tôi ôm về Hà Nội, tu chỉnh lại và được Báo Công an nhân dân sử dụng gần hết. Vậy là những trang viết trong lòng đất của tôi được đến với bạn đọc, không những thế, còn được xếp vào diện cộng tác viên tích cực của Báo. 

Tôi coi Báo Công an nhân dân là “bà đỡ” cho các tác phẩm văn học của mình để tôi trở thành nhà văn. Bài viết thay cho lời cảm ơn chân thành của một cộng tác viên nhân kỷ niệm truyền thống 73 năm xây dựng và trưởng thành của quý báo.

Hồi ức của Thiếu tướng Khổng Minh Dụ
.
.
.