Những người giữ gìn di sản

Thứ Ba, 05/11/2019, 15:51
Di sản văn hóa phi vật thể có đặc thù là luôn luôn thay đổi, biến đổi. Những biến tướng tiêu cực sẽ bị dư luận cũng như môi trường diễn xướng tự nó sẽ đào thải, thậm chí là biến mất. Sự thích nghi trong môi sinh mới chính là "lửa thử vàng" cho các nghệ nhân cũng như chính sức sống của di sản đó.


Vừa qua, trong đợt phong tặng Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú lần thứ 2 trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã có nhiều tổ chức, cá nhân được tặng bằng khen vì đã có công giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 

Đặc biệt, trong lần này, nhiều thanh đồng và cung văn đã được tôn vinh là Nghệ nhân ưu tú. Họ đều là những người có nhiều thành tích trong hoạt động giữ gìn và phát huy tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. 

Tuy nhiên, để hoạt động văn hóa này không bị biến dạng, lợi dụng trở thành công cụ cho những hoạt động mê tín dị đoan... thì cần sự vào cuộc của những người yêu văn hóa dân tộc cũng như đông đảo những người có trách nhiệm trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa phi vật thể.

Nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Anh trong một giá Hầu.

Tháng 12-2016, "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trong đó, hầu đồng hay còn được gọi là hầu bóng, là một nét văn hóa mang đậm tính nghệ thuật dân gian của tín ngưỡng tâm linh người Việt, ca ngợi những ông hoàng bà chúa, những người có công với dân tộc Việt Nam.

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, đồng thời là sự tôn vinh thiết thực, xứng đáng đối với nghệ nhân có cống hiến tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc. Định kỳ 3 năm một lần sẽ tổ chức xét tặng danh hiệu nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. 

Trong năm 2015 đã có hơn 600 nghệ nhân tiêu biểu vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú... Năm 2019 có 62 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, 561 cá nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đặc biệt, đã có những nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực hầu đồng.

Nghệ nhân ưu tú Lương Trọng Quỳnh.

Nghệ nhân Đặng Ngọc Anh, sinh năm 1972 (Cầu Giấy, Hà Nội) là người được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú đợt 2 (năm 2019). Chị là nghệ nhân tham gia thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu từ khi mới 12 tuổi. Nghệ nhân Đặng Ngọc Anh đã tiếp thu những giá trị truyền thống của nghi lễ thờ Mẫu, thực hành thuần thục với trình độ nghệ thuật cao 36 giá đồng, thể hiện 50-60 vị thánh với phong cách đặc thù riêng, đổi diện qua từng nhân vật. 

Là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, chị đã luôn tâm huyết cùng Trung tâm tích cực quảng bá, giới thiệu những giá trị của đạo Mẫu thông qua các cuộc hội thảo khoa học và liên hoan tín ngưỡng thờ Mẫu do Trung tâm tổ chức, tích cực tham gia nhiều công tác từ thiện, công tác tu bổ, tôn tạo các đền, phủ ở địa phương và các tỉnh trên cả nước.

Nghệ nhân Lê Thị Ngọ trong một giá hầu.

Cũng trong đợt trao tặng vừa qua, một số cung văn hát chầu văn trong hoạt động tín ngưỡng thờ  Mẫu cũng đã được trao tặng bằng khen. Cung văn, Nghệ nhân ưu tú Lương Trọng Quỳnh (Hà Nội) chia sẻ, anh vốn là diễn viên của Nhà hát Cải lương Trung ương, tham gia vào vai chính, vai phụ trong nhiều vở của Nhà hát, tuy nhiên, anh bén duyên hát văn rồi rời khỏi Nhà hát Cải lương và hoạt động trong lĩnh vực hát văn nhiều năm nay. 

Nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh cho rằng, người hát văn trong các giá hầu là một nhân tố quan trọng góp phần làm nên thành công cho các thanh đồng. Người hát văn giỏi sẽ bắt được tín hiệu của cá tính riêng từng thanh đồng để họ thăng hoa hơn trong các giá chầu. 

Anh cũng cho rằng, sự quan tâm của Nhà nước tới hoạt động tín ngưỡng và ghi nhận những đóng góp của cung văn là điều khiến anh vui mừng vì suốt một đời theo đuổi nghệ thuật, tiếng hát tiếng đàn của anh và các đồng môn, đồng nghiệp đã có một tiếng nói quan trọng trong lĩnh vực bảo tồn văn hóa di sản phi vật thể của nhân loại.

Hiện nay, Nghệ nhân ưu tú Lương Trọng Quỳnh cũng đang truyền dạy lại cho các thế hệ sau trong lớp học hát văn của anh. Nhiều người với các lứa tuổi khác nhau đã tụ họp dưới một căn phòng, truyền dạy cho nhau những kiến thức về hát văn, cũng như kiến thức anh đã được học từ các thầy của mình. 

Nghệ nhân Lương Trọng Quỳnh cho rằng, nếu không có sự kế tục thì tự thân nghề sẽ mất đi. Cho nên dù nghề hát văn không phải là nghề kiếm được nhiều tiền, không phải để tiến thân nhưng vì đam mê, vì bảo tồn văn hóa dân tộc, anh sẵn sàng dốc toàn tâm, toàn lực để cống hiến cho nghề.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long cho biết, theo nghiên cứu của anh về đạo Mẫu, trên nền tảng của tín ngưỡng thờ nữ thần, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một hình thức thờ cúng người mẹ hóa thân ở các miền trời, sông nước, rừng núi, hình thành và phát triển mạnh mẽ. 

Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân. Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo. 

Các Thánh Mẫu, các vị thần trong điện thần Tam phủ có nguồn gốc không chỉ của người Kinh, mà còn của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam như người Mường, Tày, Nùng, Dao, v.v... thể hiện sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các dân tộc ở Việt Nam.

Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và thành phố Hồ Chí Minh mà Nam Định được coi là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một "bảo tàng sống" lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt.

Nghệ sĩ ưu tú Xuân Hinh hát văn.

Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe. 

Tuy nhiên hiện nay, cho dù đã được UNESCO vinh danh, song không ít người lợi dụng đạo Mẫu, các hình thức diễn xướng như hầu đồng để hành nghề mê tín dị đoan, việc lên đồng, hầu đồng là để cho con người ta cầu ban về sức khỏe và tài lộc, hướng đến cuộc sống an lành, khi con người quá mong muốn cầu xin ''lộc'' thì sẽ bị lợi dụng, nhất là trong tín ngưỡng dễ bị lừa phỉnh đốt tiền bạc và việc vô nghĩa, buôn thần, bán thánh...

Nghệ nhân dân gian Lê Thị Ngọ, người cũng đã có nhiều năm hoạt động hầu đồng, chia sẻ, bản thân chị muốn đóng góp một phần nhỏ bé để giới thiệu đến khán giả trong và ngoài nước những gì tinh tế, lộng lẫy và nguyên bản nhất của đạo Mẫu. Chắc chắn hầu đồng là một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng cần bảo tồn và phát huy. Qua những vấn hầu, mọi người, mọi nhà đều cầu mong có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nhà báo, người có những công trình nghiên cứu về lĩnh vực văn hóa phi vật thể Nguyễn Phúc Anh: "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là sự khẳng định giá trị của di sản này trên toàn thế giới. Theo các văn bản quy phạm pháp luật về xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thì những người đang nắm giữ, truyền dạy và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể thuộc 6 loại hình khác nhau nếu đủ tiêu chuẩn thì được xét tặng danh hiệu. Vì thế mà các thanh đồng và các cung văn... cũng thuộc đối tượng được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú công bằng như nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác.

Quy trình, thủ tục để xét tặng danh hiệu này cũng khá chặt chẽ, trải qua nhiều bước, nhiều cấp khác nhau. Đừng quá lo ngại về những biến tướng hay những bất cập trong các hoạt động, phát ngôn... Di sản văn hóa phi vật thể có đặc thù là luôn luôn thay đổi, biến đổi. Những biến tướng tiêu cực sẽ bị dư luận cũng như môi trường diễn xướng tự nó sẽ đào thải, thậm chí là biến mất. Sự thích nghi trong môi sinh mới chính là "lửa thử vàng" cho các nghệ nhân cũng như chính sức sống của di sản đó.

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.