Tôn lên vẻ đẹp cao quý của một nhà thơ tài năng

Thứ Ba, 22/12/2015, 08:17
Ngày 21-12, tại Hà Nội, nhân ngày giỗ đầu của Đại tá, nhà thơ Quân đội Phạm Ngọc Cảnh, Câu lạc bộ Văn chương, Hội Nhà văn Việt Nam cùng gia đình ông đã tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu cuốn sách: “Phạm Ngọc Cảnh - Tác phẩm tuyển chọn”.

Đến dự có đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ, bạn bè văn chương đã gắn bó và yêu mến con người cũng như thơ văn của ông.

Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh còn có bút danh là Vũ Ngàn Chi, sinh năm 1934 tại Hà Tĩnh. Ông tham gia Vệ quốc đoàn từ khi 13 tuổi (năm 1947), trở thành tuyên truyền viên văn nghệ rồi diễn viên văn công, diễn viên của Đoàn Kịch nói Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Về công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, ông làm biên tập thơ trong 20 năm. Ông được giới văn chương đánh giá là người đa tài trên nhiều lĩnh vực. Ngoài làm thơ, ông còn viết kịch bản phim, làm diễn viên, tham gia giảng dạy… 

Ông đã xuất bản 12 tập thơ, ba tập bút ký, khoảng 600 kịch bản phim và lời bình cho các lễ hội. Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (năm 2007) cho các tập thơ: Đêm Quảng Trị, Lối vào phía Bắc, Trăng sau rằm, Nhặt lá…

Phát biểu trong buổi tọa đàm, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: “Đây là cuốn sách đã chắt lọc tinh hoa trong cuộc đời sự nghiệp của nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Và tất cả tôn lên vẻ đẹp cao quý của một nhà thơ tài năng”.

Nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đến tham dự buổi tọa đàm, giới thiệu cuốn sách “Phạm Ngọc Cảnh – Tác phẩm tuyển chọn”.

Nhắc lại kỉ niệm xưa, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết, năm 1990, cụ Nguyễn Tuân về bên kia núi, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh khi ấy đã cắt tấm ảnh của cụ đăng trên báo rồi treo trước bàn viết và khóc cụ bằng bài thơ rất cảm động với cái tên “Bài thơ ngắn tặng con sông dài”: “Ngày đi làm ăn đêm về không có điện/ Mắt không thấu nên tai rất thính/ Nghe như ba trăm ghềnh thác chực ào qua/ Quanh chân dung Nguyễn với sông Đà”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng đánh giá, nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cùng các nhà thơ khác như Thái Giang, Trần Nguyên Đào, Quang Huy, Nguyễn Xuân Thâm, Ngô Văn Phú, Triều Ân… là lớp đầu của thế hệ thơ chống Mỹ. Giữa những năm 60 của thế kỷ trước, bài “Sư đoàn” của Phạm Ngọc Cảnh được coi là một tiếng nói mới.

Nói về Phạm Ngọc Cảnh, nhà thơ Vũ Quần Phương, nguyên Chủ tịch Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ: “Khi chúng tôi rụt rè in bài thơ đầu, thì anh Cảnh đã là một cây bút chững chạc. Năm 1965, miền Bắc bước vào cuộc chiến chống oanh kích phá hoại của không lực Hoa Kỳ, miền Nam đã nổi dậy, diệt bốt san đồn, lập vùng giải phóng nên thơ của Phạm Ngọc Cảnh khi ấy là thơ vào trận, thơ cổ vũ chiến đấu, thơ biểu dương sức mạnh của quân đội cách mạng”.

Nói về bài thơ “Sư đoàn” của Phạm Ngọc Cảnh, nhà thơ Vũ Quần Phương nhận định: “Bài thơ như một tiếng reo ca nhiều điệp khúc. Nó như một báo cáo gọn, chắc về thế và lực của quân đội ta. Phiên hiệu các sư đoàn vang lên với tên đất đai, sông núi hòa với nhịp điệu câu thơ khi ngắn khi dài, khi bằng khi trắc như những mũi quân xuất hiện đột ngột, di chuyển thần tốc tiến về giải phóng Sài Gòn. Điều thú vị là mười năm sau, tháng 4-1975, cảm hứng thơ lãng mạn này đã thành niềm vui trong đời thực: “Doi cát Cửu Long giang/ Sư đoàn Châu thổ/ Giữa bãi sú rừng tràm/ Vụt đứng dậy sư đoàn Nam Bộ/ Sư đoàn Tây Nguyên/ Từ hầm chông, bẫy đá, cung tên/ Này đây, Cực Nam, Phan Rang, Phan Thiết/ Này đây Quảng Ngãi, Phú Yên…/ Trên nguồn xa Ô Lâu, Thạch Hãn/ Sẽ tiến về/ Sư đoàn Trị Thiên”.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cũng chia sẻ thêm, gần như sinh đôi với bài “Sư đoàn” là bài “Mẹ”. Tình mẹ con ở đây được nâng lên thành tình dân nước. Bà mẹ tình cảm muôn đời thành bà mẹ của lý tưởng yêu nước, của ý chí chiến đấu quả cảm. Tác giả viết như trong một cơn say, quên cả ranh giới phát ngôn của mình và của bà mẹ. Chất trữ tình, cả giọng và cả hồn của dạng đề tài tình mẫu tử đã nhường chỗ cho hơi chính luận anh hùng ca. Phạm Ngọc Cảnh lay động bạn đọc bằng những tình cảm lớn. Cảm hứng của một thời đại đang lên cộng hưởng với tầm xúc động cao cả của nhà thơ mới tạo được sức lay động ấy: “Ô! Con mẹ ngày mai làm chiến sĩ/ giọt máu đỏ của cha con – đồng chí/ Mấy hôm rày rạo rực quá con ơi/ Nghe không con! Tổ quốc gọi con rồi”.

Đại tá, nhà văn Quân đội Ngô Vĩnh Bình, người có may mắn làm việc cùng một đơn vị với nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh trong nhiều năm, cho biết, trong thời gian “trấn giữ” cửa thơ nơi “nhà số 4” (trụ sở của Tạp chí Văn nghệ Quân đội), Phạm Ngọc Cảnh đặc biệt chú ý đến những mầm non văn nghệ trẻ, các cây bút thơ chiến sĩ đang rèn luyện, học tập và chiến đấu ở các đơn vị cơ sở. Anh vừa chỉ cho họ về nghề, vừa động viên họ trên tình bạn bè, đồng chí. Bây giờ nhiều cây bút trẻ dù đã thành danh, vẫn còn giữ nguyên những kỉ niệm đẹp về anh.

Nói về người chồng của mình, bác Cao Giáng Hương viết: “Anh Cảnh là người giàu có, ai ai cũng biết, nhất là ngày anh từ biệt chúng ta để về cõi vĩnh hằng thì sự giàu có của anh đã kết thành khối, thành dòng chảy tràn ngập nước mắt yêu thương với lòng tiếc nhớ của đồng nghiệp, bạn bè, người thân và công chúng yêu thơ anh. Trong tâm trạng hẫng hụt phải chấp nhận xa anh, tôi thầm cảm ơn các bạn của anh đã chia sẻ bù đắp cho tôi sự giàu có của anh. Nếu cuộc đời được làm lại, chắc tôi cũng không có sự lựa chọn nào khác”.

Cuốn sách “Phạm Ngọc Cảnh – Tác phẩm tuyển chọn” gồm 5 phần: Thơ; Bút ký; Lời bình phim – Lễ hội; Tình cảm đồng nghiệp, người thân và Ảnh theo dòng thời gian.

Cảnh Vũ
.
.
.