Thương nhớ anh Nguyễn Trọng Tạo, một nghệ sỹ tài hoa, tận lực dâng hiến

Thứ Tư, 09/01/2019, 08:03
Bây giờ thì tôi buồn và hoang mang thật sự trước sự ra đi của anh. Vừa hôm qua thôi, khi đang công việc ở Nha Trang, thấy trên mạng của một nhà thơ gần gũi với anh Tạo và tôi viết rằng, anh đã ra đi”.


Hoảng quá, tôi gọi điện cho cháu Hương Ly, người con gái cả của anh lúc nào cũng bên cạnh bố. Ly không thưa máy. Tôi gọi cho nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, máy anh bận. Máy bay hạ cánh Nội Bài, tôi gọi cho cháu Ly mừng khôn xiết khi nghe cháu nói điềm tĩnh: “Chú ạ. Ba vẫn đang thở máy. Chú Ngô Đức Hành và cô Tuyết Nga đang ở đây”.

Tôi về cơ quan rồi vào Bệnh viện Bạch Mai. Tầng 6 nơi anh thở máy đang đông nghịt người xếp hàng vào thăm anh. Bà con ruột thịt ở quê hương Diễn Hoa, Diễn Châu ra rất đông, vết nứt hanh khô còn đọng trên những ngón chân và môi khô nứt nẻ, nặng nhọc đi vào nhìn bác Tạo. Nhiều nhà văn, nhà thơ, con cháu bạn của các con anh đến ngồi lặng lẽ thở dài. Họ biết anh sẽ ra đi trong nay mai, nhưng tất cả đều bất chấp trời mưa lưa thưa, rét mướt ngồi nán lại. 

Nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo.

Hàng trăm người cứ thủ thỉ, âm thầm đợi và nhường chiếc áo xanh duy nhất cho người khác được vào phòng nhìn nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo lần cuối đang chiến đấu với số phận.Tôi gần như là người cuối cùng mặc áo blu xanh vào phòng anh. 

Hôm cấp cứu anh ở A9, Bạch Mai, cháu gọi khẩn cấp cho tôi và Nguyễn Đình Toán, Ngô Đức Hành - những người bất chấp hoàn cảnh để bao giờ cũng có mặt sớm nhất. Nay tôi vào, anh nằm đó, thở khó nhọc, làm sao còn nhận biết tôi là ai. Cực nhọc quá anh ơi, tôi ghé tai anh nói nhỏ: “ Anh ơi, anh bình tâm đi nhé, công việc còn lại có các cháu và chúng em cùng lo”.

Tôi quay sang bàn công chuyện với cháu Hương Ly, con gái cả anh Tạo về kế hoạch hậu sự khi anh Tạo nằm xuống. Ly cho tôi biết: Chú Kỷ (Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương) bảo cháu là lúc nào ba mất thì báo sớm cho chú, chú đã nhờ Văn phòng Đài Tiếng nói Việt Nam liên hệ với Nhà tang lễ Quốc gia 5 Trần Thánh Tông để lo liệu tổ chức tang lễ ở đấy. Còn về tổ chức thì cháu nhờ bác Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn, bạn thân thiết với ba đứng ra lo liệu. Chú Kỷ nói ba cháu là cựu chiến binh, từng được giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật có nhiều đóng góp cho văn học nghệ thuật nước nhà nên có thể xin làm tang lễ tại đây được”.

Tôi và anh Nguyễn Trọng Tạo cùng quê huyện Diễn Châu, Nghệ An, làng tôi cách làng Phượng Lịch, Diễn Hoa quê anh chừng 7 cây số qua con sông Bùng và đường sắt Bắc Nam. Con sông Bùng quanh năm nước trong xanh như mây trời uốn lượn như một dải lụa vắt qua làng anh, con sông mà bao nhiêu người tin rằng câu hát “quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê” là úp mặt vào sông Bùng này đây.

Tôi biết anh Tạo vào khoảng năm 1980, khi tôi đang là sinh viên khoa Văn, Đại học Tổng hợp, Hà Nội, một đêm thơ Khoa Ngữ văn có mời nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo vào nói chuyện. Tôi ngồi nghe, anh Tạo đọc hai bài thơ rất lạ với không khí thơ lúc ấy “Thành phố của đời thường” và “Tản mạn thời tôi sống”, tôi phát hiện ra giọng của anh đích thị là giọng Diễn Châu quê mình, “đồng hương xứ Nghệ” đây rồi. 

Vậy mà phải sau khi về làm việc tại Bộ Công an, nhất là khi về làm phóng viên Báo CAND thì tôi mới được anh Tạo coi là “thằng em dại”. Anh Tạo có điều này thì nhiều anh em trẻ rất ngượng mộ, đó là yêu, tin và bảo vệ lớp trẻ, nhất là những nhà văn trẻ đang sáng tác những bước đầu tiên. Ngồi ở đám đông, ở quán nhậu hay ở quán bia hơi vỉa hè, bao giờ anh cũng tìm được một điều hay nào đấy, một điều tốt nào đấy khi giới thiệu một ai đó mới làm quen. 

Một tập thơ chưa hay, anh tìm một bài khá nhất; một bài thơ chưa hay, anh tìm được một câu đắc địa nhất để khen, để nâng tác giả lên. Anh bảo, đó là chăm bẵm những mầm cây vừa mới nhú! Nhưng đối với những điều ngang tai chướng mắt, anh thẳng thắn, bộc trực đến phát sợ, nghênh chiến ngay lập tức với những thói xấu, sự hợm hĩnh, trưởng giả học làm sang, “dạy đời” của một vài kẻ sớm nhiễm thói xấu. Anh giao du rộng, thân thiết, bia rượu và tâm giao với nhiều văn nghệ sỹ chế độ cũ đang định cư nước ngoài. Sáng tác của họ ngày xưa mà hay, có giá trị dân tộc thì anh ủng hộ, giới thiệu, ngay cả số văn nghệ sỹ tạm gọi là “cực đoan”  trong nước thì anh vẫn quan hệ thân tình. 

Có lần anh bảo “mình chơi với cái hay, cái được của họ thì có gì là xấu. Chơi là một cuộc ảnh hưởng lẫn nhau, không chơi mới là xa nhau mãi mãi…”. Đó là quan niệm của anh mà không phải ai làm công tác quản lý văn nghệ thời đó cũng đồng tình. 

Còn nhớ, năm 2012, khi Hội đồng cấp quốc gia họp xét trao giải thưởng về văn học nghệ thuật cho các văn nghệ sỹ, đến trường hợp của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, một số ý kiến còn lăn tăn. Vì như dạo này, “mạng”, blog Nguyễn Trọng Tạo “đá rắn” quá, đăng cả những chuyện chưa chính xác về vụ án “nhân văn giai phẩm”, phê phán nặng những chuyện quốc gia đại sự giọng thái quá, thiếu điềm tĩnh. 

Sau này, theo một nhà văn trong Hội đồng tường thuật lại thì lúc đó, anh Nguyễn Thế Kỷ, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng xét giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về VHNT không ngại đứng ra bảo vệ, đại ý: “Tôi cũng chơi với anh Tạo đã lâu. Đấy là một người có nhiều đóng góp về văn học và âm nhạc cho đời sống văn hóa nước nhà, sống bộc trực, hết lòng vì mọi người. Nhưng phải nhìn anh Tạo ở góc độ sáng tạo, phải có một tâm thế yêu nước đến tận cùng, phải có sự tri ân  sâu sắc đến mức nào mới viết những câu thơ xúc động như trường ca “Con đường của các vì sao” tức Trường ca về Đồng Lộc, hay chiêm nghiệm về cuộc đời nhân văn như thế nào mới viết được “Đồng dao cho người lớn”. Đó là chưa kể những tác phẩm âm nhạc khác ngợi ca đất nước, con người Việt Nam.

Đúng là như thế, phải yêu và trân trọng với sự hi sinh như thế nào Nguyễn Trọng Tạo mới viết được câu thơ nao lòng về 10 cô gái Đồng Lộc “Nhớ một thời kháng chiến/ Con đường trên tay em…”. Và đây nữa những lúc đất nước khó khăn nhất của thời bao cấp, lại bị kẻ xấu cấm vận giữa bộn bề tâm thế, anh viết như một lời khuyên giải: “Những bông hoa vẫn cứ nở đúng mùa/ Như thời đã qua đi, như thời sẽ đến...”.

Đối với Báo CAND, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo là một cộng tác viên thân thiết, cộng tác viên “ruột”. Anh chơi thân với nhà văn Tổng Biên tập Hữu Ước, với Tổng Biên tập Phạm Văn Miên và các nhà văn, nhà báo đàn em khác như Hồng Thanh Quang, Hồng Thái, Như Bình, Phạm Khải, Bình Nguyên Trang, Thiên Kim… mỗi khi tòa soạn cần bài “đinh”  về văn hóa, văn học, anh viết tắp lự, lời văn đẹp và hay như thơ. Gần đây nhất, khi biết anh vừa sáng tác bài hát “Cổng làng”, Ban Biên tập Báo CAND đã đặt anh viết 2 trang cho báo Tết “Từ Làng quan họ quê tôi đến Cổng làng”. 

Anh khen Báo CAND có tít bài đặt anh viết rất giỏi, như là tổng kết con đường sáng tác âm nhạc của anh. Dường như họp cộng tác viên của Báo CAND năm nào anh cũng tới dự, uống rượu với bạn văn, bạn báo và các em, các cháu một cách ấm áp, thân tình và dường như bao giờ cũng về cuối cùng hoặc đi vui cuộc khác đến tận khuya. Tính anh là vậy, luôn sống cho mọi người, đưa niềm vui đến cho mọi người.

Nhà văn Nguyễn Hồng Thái
.
.
.