Thước phim đầy nước mắt về những người con từng đứng hai bờ chiến tuyến

Thứ Sáu, 30/11/2018, 08:36
“Tôi đã rất sợ rằng những người Việt Nam tôi gặp sẽ nổi giận, thậm chí tôi cũng sợ bản thân mình nổi giận khi nhìn về quá khứ, nhưng những gì tôi nhận được là sự hiếu khách và tình cảm chân thành”, Margot Carson Delogne, con gái một cựu binh Mỹ và cũng là một nhân vật trong bộ phim tài liệu “The 2 Sides Project” (Dự án hai phía), chia sẻ về những ngày đầu đoàn làm phim đến Việt Nam.


Bộ phim tài liệu “Dự án hai phía” đi theo bước chân của sáu người con quân nhân Mỹ tử trận trên hành trình khám phá một đất nước, một dân tộc có lịch sử gắn liền với cuộc đời họ. Trong 11 ngày cuối năm 2015, những người Mỹ và Việt Nam có cha hy sinh ở hai đầu chiến tuyến đã lần đầu tiên gặp mặt. 

Bộ phim hoàn thành vào năm 2017 đã thu lại trọn vẹn hình ảnh về những cuộc gặp gỡ có sức mạnh chuyển hóa; những rung động sâu sắc của những người Mỹ thăm viếng nơi cha mình qua đời; những trải nghiệm giàu cảm xúc của họ với đất nước Việt Nam cũng như chuyến thăm Mỹ đầu tiên trong lịch sử của ba người con liệt sỹ Việt Nam để hoàn thiện hành trình hòa giải từ hai phía.

Những nhân vật trong bộ phim đến từ những nơi khác nhau, hoàn cảnh khác nhau nhưng chung mục đích: đối diện với quá khứ, tìm câu trả lời cho những câu hỏi đã đeo đuổi họ suốt cuộc đời, và chữa lành những vết thương chiến tranh của chính mình. Đó là Mike Burkett, có cha là Hạ sỹ nghiệp vụ Curtis Earl Burkett, rơi xuống sông chết đuối khi chuẩn bị cho một trận đánh.

Ký ức sớm nhất trong cuộc đời của Mike là đám tang cha. Khi Mike chia sẻ với bạn về chuyến đi Việt Nam, họ băn khoăn cớ gì ông lại muốn gặp con của kẻ thù. Margot Carlson Delogne, nhà sáng lập tổ chức “Dự án hai phía”.

Susan nhìn về phía dòng sông được coi là nơi cha cô đã thiệt mạng.

Cha của Margot, John W. Carlson, cho đến hôm nay vẫn được xếp loại “mất tích trong chiến tranh”. Mẹ của bà, khi phải đối mặt với việc phải một mình nuôi hai người con gái Margot và Kim. Patty Young Loew, người lần đầu tiên đi nước ngoài và tình cờ thay, chuyến đi đó là đến Việt Nam.

Gia đình Patty vẫn luôn ngờ rằng cha của bà, một quân y tên Jack Young, đã bị giết trong hoàn cảnh ngoài chiến tranh. Susan Mitchell-Mattera, có cha là James C. Mitchell Jr, người đã tử trận khi mới qua sinh nhật hai ngày, và còn hai ngày nữa là được về nhà.

Mọi người nói với Susan ông đã chết đuối ở Việt Nam khi máy bay trực thăng của ông bị bắn rơi trên sông Mekong. Bà đã ép mẹ nói ra sự thật sau khi bà phát hiện không có giấy báo tử nào trong chiếc rương di vật của cha vì 45 năm trước mẹ bà đã hủy nó đi.

Ron Reyes, có cha là Binh Nhất Ronald Reyes (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 9 Thủy quân Lục chiến Mỹ), tử trận trên một ngọn đồi gần Khe Sanh trong Tổng Tiến công Tết Mậu Thân. Tại thời điểm đó Ron mới lên hai. Ông đã trở thành một thành viên quan trọng của đoàn; là một chuyên gia về hệ thống định vị toàn cầu (GPS) chuyên tham gia các điệp vụ tìm kiếm và giải cứu người bị nạn, ông đôi khi đã phải tranh luận với cán bộ nhà nước, nhưng ông đã dẫn mọi người đến đúng địa điểm họ tìm.

Margaret Von Lienen, có cha là Robert Saavedra, đã tử trận khi máy bay bị bắn rơi ở tỉnh Hà Tĩnh. Khi chuyến bay đưa bà đến Việt Nam cất cánh, nơi tử trận của cha bà vẫn đang được xác minh và đoàn không chắc là họ sẽ tìm được đúng địa điểm. Trong các địa điểm họ tìm thì địa điểm đó đặt ra nhiều thử thách nhất. 20 người con liệt sỹ Việt Nam cũng tham dự các cuộc gặp gỡ, trong đó có bà Đặng Thị Lệ Phi, ông Vũ Ngọc Xiêm, và bà Nguyễn Thị Hồng Diễm, ba người Việt Nam đi thăm Mỹ.

Đạo diễn Anthony Istrico và Đạo diễn hình ảnh Jared Groneman là hai nhà quay phim đi cùng đoàn trong chuyến thăm Việt Nam. Anthony Istrico là nhà sáng lập Istrico Productions. Là đạo diễn phim “Dự án hai phía”, ông đã đổ tâm huyết vào việc kể lại một câu chuyện có thể truyền cảm hứng và sức mạnh đến bất ngờ.

Jared Groneman, Đạo diễn hình ảnh, đóng góp cho “Dự án hai phía” bằng cái nhìn sáng tạo, khả năng thích nghi với bất cứ tình huống nào, và khát khao mang lại sức mạnh cho chủ thể. Một nhân vật khác đứng đằng sau bộ phim cũng cần được nhắc tên, đó là Nora Kubach, người đã viết kịch bản và biên tập phim.

Trong chuyến đi đến Việt Nam từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12, Nora đã chia sẻ về những khó khăn mà cô cũng như những người trong đoàn làm phim đã gặp phải trong quá trình dựng bộ phim. “Chiến tranh có thể đã đi qua nhưng đối với những người con của thời kỳ đó, họ vẫn đang phải chịu đựng và có một nỗi niềm mất mát rất to lớn”, Nora chia sẻ.

Theo Nora, dự án này đem cả hai phía lại gần nhau hơn, cùng nhau vượt qua và chia sẻ những câu chuyện để họ cùng cảm thấy mình không hề cô đơn, cùng tiến về tương lai trong hòa bình. “Chúng tôi muốn gửi gắm những thông điệp về hy vọng, kể những câu chuyện không chỉ là về những gì đã xảy đến với những người cha của họ mà còn là cơ hội để lắng nghe những câu chuyện của phía đối diện”.

Nora cũng bộc bạch rằng đây là lần đầu tiên cô đến Việt Nam. Hai đạo diễn cùng đoàn làm phim và các nhân vật đã đến thực hiện các cảnh quay tại Việt Nam và sau đó những thước phim ấy được đưa về Mỹ để biên tập. “Tôi phải kể lại những câu chuyện về những đứa con thời chiến mà chưa hề được gặp mặt hay tiếp xúc với họ.

Tuy nhiên, ngay khi tôi được xem những thước phim và nghe những câu chuyện của họ, tôi có một sự cảm thông sâu sắc và đã cố gắng xâu chuỗi tất cả. Những câu chuyện mà tôi nghe thực sự có ấn tượng mạnh mẽ và rất cảm động”.

Thay mặt cho đoàn làm phim, cô chia sẻ rằng họ muốn kể một câu chuyện khác về cuộc Chiến tranh Việt Nam, không quá chính trị, không phải là về những cuộc chiến khốc liệt hay những chiến sĩ thời đó, mà là về những người con thời chiến, một chủ đề mà trước nay vẫn hiếm người đề cập.

Một buổi công chiếu của bộ phim đã được diễn ra một cách giản dị tại Hà Nội ngày 27-11-2018, với tham gia của sáu thành viên trong “Dự án hai phía” cũng như con của những liệt sĩ Việt Nam, nhiều bạn sinh viên trẻ tuổi quan tâm khác. Trước đó, những người con của cả hai phía đã có một cuộc gặp gỡ ngắn ngủi, dù có rào cản về ngôn ngữ, nhưng họ bỗng hiểu nhau đến lạ qua những câu chuyện được sẻ chia lần đầu.

Ron Reyes, chỉ về phía mà cha của anh đã thiệt mạng, tại Khe Sanh.

Tuy là một bộ phim tài liệu, nhưng “Dự án hai phía” lại không quá khô khan với những số liệu hay quá hoa mỹ trong câu từ nhân vật. Mỗi cảnh phim, mỗi lời thoại và mỗi phản ứng của nhân vật trong phim đều là những cảm xúc thật, không chút dàn dựng. Mỗi nhân vật lại có một câu chuyện và hành trình riêng, có người tìm được nơi cha mình đã ngã xuống, còn có những người lại buồn bã khi vẫn còn mang nặng trong lòng những dấu hỏi chấm. Khán giả của bộ phim không phải là đang “thưởng thức” một tác phẩm nghệ thuật, mà là đang hòa mình vào câu chuyện được kể qua những thước phim, hồi hộp cùng nhân vật và cũng khóc cùng nhân vật.

Trong một phân cảnh ấn tượng của bộ phim, Margot tìm đến được khu vực được cho là nơi mà cha bà đã mất. Khoảnh đất ấy theo thời gian, giờ đã um tùm cây cỏ.

Margot gục xuống đất, không ngăn được dòng nước mắt, trên tay cầm một chiếc vòng, có lẽ là một kỷ vật nào đó của gia đình, thì thầm: “Cha ơi, con tìm được cha rồi. Sau từng ấy năm. Con chẳng biết cha nằm đâu nữa. Có thể là ở đây, có thể là ở quanh đây. Nhưng cha ơi, sau từng ấy năm và cha nằm lại cách nửa vòng trái đất, con biết rằng cha luôn ở bên con”. Cô khẽ đặt chiếc vòng xuống và để nó lại trong lòng đất của Việt Nam.

Cả khán phòng tĩnh lặng, nhiều khán giả cũng không giấu được giọt nước mắt xúc động. Bộ phim không chỉ có những hình ảnh về những vị khách người Mỹ, mà những con người Việt Nam trong phim cũng hiện lên một cách rất chân thành, giản dị, mến khách, và đặc biệt là vị tha.

“Tôi đã rất sợ rằng những người Việt Nam tôi gặp sẽ nổi giận, thậm chí tôi cũng sợ bản thân mình nổi giận khi nhìn về quá khứ, nhưng những gì tôi nhân được là sự hiếu khách và tình cảm chân thành”, Margot Carson Delogne chia sẻ về những ngày đầu làm phim.

Trang nhất của mọi phiên bản của New York Times trên toàn thế giới phát hàng ngày Giáng Sinh năm 2015 đã đăng một bài báo ca ngợi chuyến đi và mục đích của tổ chức “Dự án hai phía”. Sau đó một bài về trải nghiệm của ba người Việt Nam đến thăm Mỹ lần đầu nhân dịp Ngày Tưởng Niệm năm 2017 đã được đăng trên tờ The Washington Post.

Bộ phim được quay trong năm mà Mỹ và Việt Nam kỷ niệm hai dấu mốc quan trọng: 40 năm kết thúc chiến tranh, và 20 năm bình thường hóa quan hệ hai nước. Bộ phim được trình chiếu một năm sau khi Tổng thống Obama có chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam. Khi sự quan tâm và hiếu kỳ về Việt Nam lên một tầm cao mới, “Dự án hai phía” nổi lên như bộ phim tài liệu đầu tiên làm nổi bật hậu quả chiến tranh âm ỉ trên đôi vai những đứa trẻ Mỹ và Việt Nam bị bỏ lại phía sau.

Duy Tiến
.
.
.