Thù lao cho Bi Rain, phát ngôn của Mỹ Linh hay sự mù mờ về thương hiệu

Thứ Hai, 29/08/2016, 20:30
Ngay sau phát ngôn ca sĩ Mỹ Linh, sự xuất hiện của nam ca sĩ xứ Hàn – Bi Rain trên sân khấu đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 đang khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Một người gây tranh cãi vì phát ngôn về giá nông sản. Một người thành tâm điểm chú ý bởi mức thù lao cao ngất ngưởng...

Ngay sau phát ngôn ca sĩ Mỹ Linh, sự xuất hiện của nam ca sĩ xứ Hàn – Bi Rain trên sân khấu đêm chung kết Hoa hậu Việt Nam 2016 đang khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”. Một người gây tranh cãi vì phát ngôn về giá nông sản. Một người thành tâm điểm chú ý bởi mức thù lao cao ngất ngưởng. Hai sự kiện liên tiếp của giới giải trí tưởng chừng ít liên quan đến nhau nhất nhưng thực chất đều gắn liền với một nội dung: Giá cả và câu chuyện về thương hiệu.

Chỉ ít giờ trước thềm chung kết và trao giải Hoa hậu Việt Nam 2016, thông tin tiết lộ từ phía  ban tổ chức về mức thù lao vài tỷ đồng cho 15 phút biểu diễn của nam ca sĩ Bi Rain khiến cuộc thi “nóng” trên các diễn đàn. 

Người bênh, bênh hết mức, người chê, chê hết lời. Trong đó, phần lớn các ý kiến phê phán đều cho rằng, thật vô lý khi phải chi trả một số tiền lớn đến như thế chỉ để mời cho được Bi Rain đến Việt Nam biểu diễn chỉ trong thời gian ngắn ngủi như thế. 

Thậm chí, rất nhiều ý kiến phản đối còn cho rằng chi trả như thế là quá lãng phí và đặt vấn đề nên dùng số tiền đó để giúp người nghèo thì hơn.

Bi Rain được trả thù lao cao ngất ngưởng dù các tiết mục biểu diễn của anh không thực sự như số đông kỳ vọng (ảnh: Tiền Phong)

Chưa biết những ý kiến phê phán tác động được đến các thành viên trong ban tổ chức cuộc thi tới mức nào nhưng rõ ràng, chỉ câu chuyện về mức thù lao của chàng ca sĩ xứ sở Kim Chi này đã tạo nên hiệu ứng truyền thông cho cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 mạnh hơn bao giờ hết. 

Ngay cả các vụ việc tố cáo thí sinh gian dối và đột ngột loại thí sinh giữa chừng vòng chung kết trước đó cũng chưa từng khiến dư luận quan tâm tranh cãi đến thế. 

Đêm chung kết của cuộc thi, chắc chắn có thêm không ít người theo dõi chỉ để thỏa mãn sự tò mò: Bi Rain biểu diễn “siêu đẳng” đến như thế nào và có xứng đáng để ban tổ chức phải bỏ đến ngần ấy tiền để kéo anh đến Việt Nam?

Bi Rain biểu diễn trên sân khấu.

Chờ đợi mãi, cuối cùng Bi cũng xuất hiện trên sân khấu. Có lẽ trừ các fan của anh, với số đông chỉ quan tâm đến sản phẩm âm nhạc nói riêng, nghệ thuật biểu diễn nói chung, phần lớn là sự thất vọng. 

Nhưng, không nhiều người trông chờ được xem một phần biểu diễn thật xuất sắc của Bi để xứng với số tiền phía chủ nhà trả cho anh thực sự hiểu rõ ràng rằng Bi nổi tiếng đến như thế không phải chỉ nhờ riêng nghiệp làm ca sĩ. 

Chỉ riêng với người hâm mộ Việt Nam, Bi Rain được yêu mến, biết đến rộng rãi, trở thành thần tượng của nhiều bạn trẻ còn bởi những bộ phim Hàn Quốc ăn khách và là một trong số không nhiều diễn viên Châu Á được mời tham gia những dự án lớn tại kinh độ điện ảnh thế giới – Hollywood. Những đòi hỏi của Bi Rain là đòi hỏi của một ngôi sao mang thương hiệu đẳng cấp quốc tế.

Ngay trước “cơn sốt” Bi Rain, ca sĩ Mỹ Linh cũng phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích của cộng đồng vì phát ngôn liên quan đến giá của nông sản sạch. 

Nữ ca sĩ “Tóc ngắn” cho rằng nông sản sạch không thể có giá rẻ. Mặc dù sau đó chị có trần tình, phát ngôn của mình là vô tư, khách quan nhưng vẫn tạo rất nhiều phản ứng trái chiều vì cho rằng chị đang “tiếp tay” cho thương nhân làm giá. Và rằng, người nông dân làm ra sản phẩm nông nghiệp với giá không hề cao.

Ca sĩ Mỹ Linh từng chia sẻ chị mệt mỏi khi bị cộng đồng mạng chỉ trích vì phát biểu về giá nông sản sạch

Xét về một mặt nào đó, quan điểm của Mỹ Linh không hề sai, nếu không muốn nói là chính xác trong những hoàn cảnh nhất định, mặc dù, ví dụ của chị có thể hơi khập khiễng. 

Mỹ Linh chứng minh giá nông sản sạch không hề rẻ bằng việc chị và gia đình tự tổ chức sản xuất. Đây là một thực tế. Rất nhiều gia đình không tin tưởng chất lượng nông sản trên thị trường đã tìm cách sản xuất theo mô hình tự cung tự cấp. 

Với mô hình nhỏ lẻ, đặc biệt là cách gieo trồng ở đô thị, nơi mọi thứ, từ đất đai, dụng cụ cho gieo trồng đều phải cần chi phí khá cao thì giá cả cho các thành phẩm đều bị “đội” lên gấp nhiều lần so với sản xuất đại trà ở các vùng nông thôn là tất yếu. 

Trong khi đó, người nông dân sản xuất ngay trên ruộng đồng của mình, sản xuất trên diện rộng, chắc chắn giá thành sản phẩm phải rẻ hơn. Chỉ có điều, nông sản của người nông dân, dù là nông sản sạch hiện nay không dễ giúp người sản xuất ra chúng làm giàu. Một trong các lý do quan trọng nhất là những thương hiệu đủ tin cậy để đưa sản phẩm đến được tay người tiêu dùng. Cái giá của thương hiệu, chắc chắn không thể chỉ phụ thuộc vào nguyên liệu hay nhân công sản xuất.  

Xét về một phương diện nào đó, nông sản cũng như sản phẩm văn hóa nghệ thuật,cái giá người tiêu dùng phải trả cho sản phẩm họ sử dụng còn là cái giá của chính thương hiệu mang trên sản phẩm ấy. 

Cũng như việc ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam 2016 chấp nhận chi mức thù lao cao ngất ngưởng cho 15 phút trên sân khấu của Bi Rain, thước đo để đánh giá họ có đang phí phạm quá hay không, không hẳn phụ thuộc vào mức độ biểu diễn thành công của Bi trong đêm chung kết. 

Thước đo chính xác nhất nằm ở mục đích của ban tổ chức khi quyết định mời Bi đến Việt Nam, trong đó, chỉ riêng mục đích tạo hiệu ứng truyền thông đã được hoàn tất và hoàn toàn xứng đáng.


N.H
.
.
.