Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều:

Thơ ca có sức mạnh cảm hóa con người

Thứ Hai, 13/02/2017, 11:20
Một bài thơ hay và mang tính nhân văn là thơ làm cho một người khi đọc xong biết yêu thương một con người khác nhiều hơn, yêu thương thiên nhiên nhiều hơn và trong lòng họ nảy sinh khát vọng nhiều hơn…


Nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15 và hướng tới Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017), phóng viên (PV) Báo CAND đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội Nhà văn Á – Phi về sự kiện này, cũng như lắng nghe những chia sẻ của ông về đời sống của thơ ca Việt Nam thời kỳ kháng chiến và hậu chiến.

PV: Đã thành thông lệ, Rằm tháng Giêng hằng năm, giới văn chương lại được quây quần ở Ngày Thơ Việt Nam. Cảm xúc của ông lúc này như thế nào?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có thể nói, Ngày thơ Việt Nam đã trở thành một lễ hội của chúng ta. Đến ngày đó, không chỉ những nhà thơ, mà những người yêu thơ ca và công chúng đều đến dự. Đặc biệt, nhiều người có thể không đến Văn Miếu nhưng họ vẫn nghĩ về nó. Đó là điều tôi rất vui sướng, bởi có người đã nghĩ về thơ ca, đồng nghĩa với việc thơ ca đã mang đến cho họ những cảm nghĩ về những điều tốt đẹp, đẹp đẽ và tốt lành.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trả lời phỏng vấn báo chí tại Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 15.

PV: Chủ đề Ngày Thơ năm nay là “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước”, nhằm gắn kết thơ ca kháng chiến và hậu chiến. Vậy, đứng trên lập trường là một nhà thơ, ông đánh giá thế nào về sự khác biệt thơ ca giữa các thời kỳ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ, thơ ca ở mỗi thời đại đều có giọng nói riêng, thông điệp riêng biệt. Trong những năm tháng chiến tranh, tất cả tập trung cho cuộc kháng chiến vĩ đại để giải phóng dân tộc, trước hết dân tộc phải được độc lập, con người phải được tự do. Thơ ca kháng chiến tập trung nhiều vào điều đó. 

Còn khi hòa bình lập lại, tức là sau năm 1975, người ta lại hay viết về nỗi đau chiến tranh, nói về sự hàn gắn vết thương chiến tranh, về sự xóa bỏ hận thù với những kẻ đã xâm lược đất nước. 

Và bây giờ, con người dân chủ đã từng bước dài hơn, rộng hơn, người dân đang được hưởng nền dân chủ, mỗi con người lại đi vào cá nhân của mình. Mỗi thời đại, tôi nghĩ, thơ ca đều có một sứ mệnh khác nhau và cách thức khác nhau. 

Cho nên, tôi nghĩ rằng, thơ Việt Nam trong lịch sử của nó đã đều phản ánh đúng, cất lên đúng giọng của thời đại đó. Và, mỗi một thời đại, một nhà thơ đều đã để lại những di sản, những bài thơ có giá trị.

PV: Cá nhân nhà thơ làm thế nào để dung hòa sáng tác giữa các giai đoạn?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ rằng, không chỉ riêng tôi, mà mỗi nhà thơ sẽ đều chọn cách kết hợp của mình. Họ chọn lựa những vẻ đẹp của thơ ca truyền thống kết hợp với cách nói của hiện đại để hòa hợp lại. Giống như một dòng sông, nếu dòng sông không chảy sẽ trở nên tù hãm và có thể chết. 

Nếu chúng ta xem lại cả quá trình dài, sẽ thấy ngôn ngữ Việt trong mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao, khoa học, triết học, tôn giáo hay cả nghệ thuật đều được mở rộng. Người nghệ sĩ không nên “copy” nguyên vẹn cách làm thơ của quá khứ, nhưng cái gì mang vẻ đẹp Việt và tạo nên vẻ đẹp Việt thì thơ ca cần xử lý nó bằng cách viết của hiện đại.

PV: Sống ở hai thời kỳ kháng chiến và hậu chiến, nhà thơ có thấy điểm khác biệt khi viết về lực lượng vũ trang bằng thơ giữa hai thời kỳ?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Có một điều kỳ diệu là khi tôi nói chuyện với người nước ngoài, họ hầu hết đều ngạc nhiên vì các tờ báo của nước ta gần như đều có những trang về văn nghệ, đặc biệt là thơ ca. Báo Công an có thơ, Báo Quân đội có thơ, ngay cả đến báo của Viện Kiểm sát cũng có thơ. Thơ ca chiếm một phần quan trọng, ở đó nó lưu giữ những vẻ đẹp về tâm hồn Việt. 

Lực lượng vũ trang là lực lượng bảo vệ chính quyền, bảo vệ sự bình yên cuộc sống. Bảo vệ bình yên cuộc sống có 2 hình thức là trấn áp tội phạm nhưng đồng thời phải mang lại vẻ đẹp. Cái vẻ đẹp về tâm hồn, về văn hóa chính là thành trì đầu tiên giúp họ trấn áp tội phạm. Không chỉ là lực lượng chuyên chính, lực lượng vũ trang đã làm rất nhiều điều trong công tác giáo dục con người, mang đậm giá trị nhân văn. Hay nói cách khác, thơ ca của lực lượng vũ trang có sức mạnh cải tạo con người.

PV: Nhà văn vừa nhắc đến tính “nhân văn” trong thơ ca của lực lượng vũ trang. Thế nào là một bài thơ mang tính nhân văn, thưa ông?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Một bài thơ hay và đặc biệt mang tính nhân văn có nhiều định nghĩa. Nhưng theo quan niệm của tôi, một bài thơ hay và mang tính nhân văn là thơ làm cho một người khi đọc xong biết yêu thương một con người khác nhiều hơn, yêu thương thiên nhiên nhiều hơn và trong lòng họ nảy sinh khát vọng nhiều hơn… 

Bài thơ đó cần mang đến một vẻ đẹp trong đời sống, một khát vọng về sự thay đổi và để nhận ra rằng thế giới quanh họ không hề vô cảm, không phải bóng tối, mà nó ngập tràn ánh sáng, đức tin và lòng yêu con người. 

Tính nhân văn trong thơ ca của lực lượng vũ trang thì lại càng cần thiết hơn. Đó chính là giáo dục, cảm hóa và cải tạo con người, giúp những con người lầm đường lạc bước quay về hướng thiện và hòa nhập với cộng đồng.

PV: Có người nói: “Hiện nay, thơ đang bị các thể loại như truyện ngắn, tản văn hay tiểu thuyết lấn lướt trên nhiều phương diện”, ông suy nghĩ gì về nhận định trên?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ không hẳn. Lâu nay, người đọc văn xuôi vẫn là người đọc có cách tiếp nhận dễ dàng hơn thơ, bởi trong văn xuôi, tác giả kể một câu truyện, còn thơ ca nó nhạy cảm và tinh tế hơn. Nói lấn lướt thì không lấn lướt vì thực tế số lượng người làm thơ nhiều hơn số người viết văn, “cứ 1 người viết truyện thì có 10 người viết thơ”. 

Hơn thế, như chúng ta đều biết, là người Việt Nam ít nhất đã từng đọc một bài thơ, đã từng thuộc bài thơ hay câu thơ và có thể đã từng viết một bài thơ tặng cha mẹ mình, ông bà mình, tặng người yêu mình. Cho nên, đời sống thơ, nhất là với ngôn ngữ Việt và tiếng nói Việt, nó gần gũi. 

Thơ ca cũng được sử dụng rất nhiều trong các hoạt động thường nhật của con người, trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, trong lễ cưới, ma chay, trong một niềm vui hay nỗi buồn nào của con người thì thơ ca luôn hiện diện để giãi bày, chia sẻ.

PV: Bước sang năm Đinh Dậu 2017, nhà thơ đã có dự định gì cho riêng mình?

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Năm nay, tôi dự định sẽ xuất bản một tập thơ “Dâng trà” viết về người làng Chùa quê hương tôi bằng thể thơ lục bát và một tập thơ ngắn khác mang tên “Nhật ký người xem đồng hồ” để ghi chép lại như một dạng nhật ký thơ về những sự kiện đã và đang xảy ra trong đời sống.

PV: Cảm ơn nhà thơ về cuộc trò chuyện ngày hôm nay!

Mai Chi (thực hiện)
.
.
.