Chuyện đón năm mới của một gia đình trí thức

Thứ Năm, 15/02/2018, 13:22
Vừa qua, cuốn sách "Hội hè lễ tết của người Việt" tập hợp những tiểu luận nghiên cứu của Nguyễn Văn Huyên về lễ-tết-hội, về tín ngưỡng, tâm thức tôn giáo của người Việt trong xã hội truyền thống được xuất bản đã gây được sự quan tâm của dư luận.


Điều đặc biệt là cuốn sách này ban đầu được Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huyên viết bằng tiếng Pháp và vừa được dịch sang tiếng Việt. 

Cuốn sách cũng đã nghiên cứu những tục lệ của người Việt về không khí của Tết Nguyên đán, Tết Thanh Minh, Tết Đoan Ngọ, Tết Trung thu... cũng như phong tục thờ cúng thần tiên, sự có mặt khắp chốn của thành hoàng làng, các húy kỵ sinh và tử, sự phong nhiêu của thần tiên gốc Việt…của một gia đình trí thức

PGS - TS Nguyễn Văn Huy. 

GS.TS Nguyễn Văn Huyên (1908 - 1975) là nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo. Ông sinh tại phố Thuốc Bắc, Hà Nội, chính quê làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (cũ). Năm 1926, Nguyễn Văn Huyên sang Pháp học tập, năm 1927 đỗ tú tài, năm 1928 đỗ cử nhân văn chương, ba năm sau, 1931, lại đỗ thêm một bằng cử nhân luật. 

Năm 1934, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Văn khoa tại Đại học Sorbonne. Luận án chính Hát đối của nam nữ thanh niên ở Việt Nam và luận án phụ, Nhập môn nghiên cứu nhà sàn Đông Nam Á của ông được đánh giá là xuất sắc, được in thành sách và xuất bản ở Pháp. 

Năm 1935, ông quyết định về nước làm việc, lúc đầu dạy Sử-Địa ở trường Bưởi, rồi sau đó, từ tháng Tám năm 1938, ông được Toàn quyền Đông Dương điều sang làm việc tại Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO), trở thành “thành viên khoa học” ngang hàng với các học giả người Pháp ở viện nghiên cứu hàng đầu thế giới về Đông phương học này. 

Cũng từ năm 1938, ông bắt đầu tham gia Hội Truyền bá Quốc ngữ, một tổ chức công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, ông được cử làm Tổng Giám đốc Vụ Đại học, Bộ Quốc gia Giáo dục. Tháng 11-1946 ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và giữ chức vụ này trong 29 năm cho đến khi mất (19-10-1975). 

Ông là đại biểu Quốc hội các khóa II, III, IV và V. Năm 2000, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tên tuổi và sự nghiệp Nguyễn Văn Huyên gắn liền với sự hình thành, phát triển của ngành dân tộc học, nhân học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Ông cũng là người có những đóng góp đặc biệt trong việc xây dựng nền giáo dục Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Vợ ông là bà Vi Kim Ngọc - con gái chính thất nguyên Tổng đốc Thái Bình, Hà Đông Vi Văn Định. Ông bà sinh hạ được 4 người con, tất cả đều thành danh. Trong đó, người con trai út PGS.TS Nguyễn Văn Huy người "nối dõi" cha mình làm nghiên cứu và là vị Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học trong 19 năm liên tục, bảo tàng nằm trên con đường mang tên Nguyễn Văn Huyên như một mối duyên trời định...

PGS-TS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: "Hầu hết những điều bố tôi viết trong cuốn sách đều là những gì Tết diễn ra ở gia đình, gia tộc mình. Đối với tôi ấn tượng đặc biệt trong gia đình là sự ấm cúng, sự quan tâm đặc biệt của mọi người với cả người sống và người đã mất, với tổ tiên trong ngày Tết. 

Ngày Tết trên chiến khu Việt bắc, ở tận Chiêm Hóa nhưng được các sinh viên Trường Đại học Y khoa cùng gia đình Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng tổ chức rất vui, gói bánh chưng, thức cả đêm trông bánh chưng, chơi quanh bếp lửa, chơi trò chơi “tông bô la” với các kỷ vật đùa vui, tự tạo… Vô tình bố tôi rút được phiếu cho lấy một bọc to, mở ra là một cái ấm sứt vòi. Mọi người đều cười vui nói ông đúng là nhà khảo cổ. 

Đêm 30 Tết bố tôi thường đưa chúng tôi đi bộ ra hồ Hoàn Kiếm đón giao thừa chung với toàn xã hội. Những ngày tết bố tôi dành thời gian đi thăm ông ngoại tôi, các cô chú bác bên nội bên ngoại, thăm hàng xóm láng giềng. 

Ông thường rủ mẹ và tôi đi cùng. Bố tôi bao giờ cũng ra khu tập thể thăm đồng nghiệp ở cơ quan, thăm gia đình những người thư ký hay lái xe của mình. Ông cũng dành thời gian đến thăm những người bạn, đồng nghiệp có số phận không may mắn...".

Trong cuốn sách của mình, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên cũng đã viết về tục lệ đón Tết chung của người Việt: “Bọn trẻ con cũng không bị bỏ quên. Là hy vọng của tất cả các thế hệ ở nước này hơn là ở các nước khác, chúng có phần Tết của mình. Để phục vụ chúng, ở khắp nơi, đâu đâu cũng có những người bán tranh dân gian có giá trị giáo dục lớn. 

Bằng những nét vụng về và ngây thơ, bôi màu sặc sỡ, những bức tranh này diễn tả sinh hoạt thật là bận rộn của đồng ruộng, lớp học rất sôi động của thầy đồ cóc, đám rước vinh quy bái tổ của ông nghè chuột, theo sau là phu nhân chuột ngồi trong kiệu, tay cầm quạt. Những tranh đó gợi lại, một cách thật là sinh động và chua chát, cuộc sống của kẻ giàu và người nghèo...". “…

Tục thờ cúng các nữ thần mưa của chúng ta đến nay vẫn còn rất sống động, mặc dù được truyền lại từ rất xa xưa. Nghiên cứu tục này cho thấy rằng, Phật giáo, ở vào buổi đầu mới du nhập Việt Nam, đã phải uốn mình theo những đòi hỏi của bản địa mà để cho những thần linh của các lực lượng tự nhiên trong tín ngưỡng sâu xa của dân ta, biến thành những thứ ít nhiều có thể tạm gọi là những vị Bồ tát. 

Như vậy là, ở đây, bên dưới đạo Phật theo giáo lý còn có một đạo Phật dân gian cắm rễ sâu trong những tín ngưỡng nguyên thủy nhất của quần chúng nông dân ta"...

Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy cũng chia sẻ rằng, cả một cuộc đời cống hiến và làm việc miệt mài cho sự nghiệp, nhưng Giáo sư Nguyễn Văn Huyên luôn tôn trọng con cái và luôn để các con tự lập với những khả năng mình có. Ông không bao giờ áp đặt tương lai cho các con mà luôn để các con lựa chọn điều mình thích. Ông chỉ khuyên con cái độc lập suy nghĩ, làm việc gì cũng phải đào thật sâu thì mới có niềm say mê, từ đó mới có thành quả có ích cho mình và cho xã hội. 

Cả bốn người con của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên và bà Vi Kim Ngọc là Nguyễn Kim Nữ Hạnh, Nguyễn Kim Bích Hà, Nguyễn Kim Nữ Hiếu và Nguyễn Văn Huy đều thành danh trên con đường đi riêng của mình. 

Con rể của ông là Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và cháu ngoại Nguyễn Lân Hiếu cũng đều là những người có đóng góp quan trọng trong xã hội. Ngoài ra, người chị cả của ông là bà Nguyễn Thị Mão (vợ ông Phan Kế Toại) là nữ giáo viên dạy toán đầu tiên của Hà Nội.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể lại rằng, ngày xưa cha ông dù bận đến mấy nhưng luôn là một người cha quan tâm sát sao đến chặng đường phát triển của các con. Ông viết thư đều đặn cho các con và qua mỗi bức thư, ông đều thể hiện tình yêu thương cũng như sự quan tâm lớn dành cho các con, dù ông bận trăm công nghìn việc. 

Năm 1966, khi sơ tán lên Thái Nguyên, anh sinh viên năm thứ 4 Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Nguyễn Văn Huy viết thư cho bố xin lời khuyên nên chọn ngành nào: Sử hiện đại, dân tộc học hay khảo cổ học... 

Trong thư trả lời, cụ Nguyễn Văn Huyên đã viết: "Con hãy trao đổi với các thầy và con tự quyết định lấy cái việc học đấy, nhưng kinh nghiệm của cậu là chỉ có say mê và khi say mê thì sẽ nghiên cứu sâu, ngành nào cũng hay, cũng có đóng góp cho xã hội". 

Khi nhận được thư bố, Nguyễn Văn Huy đã không trao đổi với các thầy mà quyết định chọn ngành Dân tộc học vì nghĩ đến thư viện sách thời Pháp về dân tộc học mà bố đã lưu giữ bao nhiêu năm ở nhà. PGS.TS Nguyễn Văn Huy đã chọn đi theo con đường mà thực ra nó đã có trong máu ông từ thời thơ bé. 

Không chỉ đối với cậu con trai duy nhất mà Giáo sư Huyên còn viết thư cho tất cả các con và coi đó như một sợi dây tình cảm gắn bó lâu bền. Đặc biệt, các chị em của ông ai cũng có ý thức giữ gìn những bức thư, như những kỷ vật thiêng liêng. Điều này có được là do truyền thống gia đình, từ người mẹ tuyệt vời đầy hy sinh của ông. Bà là người đã giữ tất cả những kỷ vật dù nhỏ hay to của cha ông như những báu vật thiêng liêng.

Nhớ về những kỷ niệm về ngày Tết xa xưa, PGS Nguyễn Văn Huy chia sẻ: "Tết bao giờ mẹ tôi cũng gói bánh chưng; gói bằng tay chứ không gói bằng khuôn nhưng bánh rất vuông. Mẹ khéo tay nên chỉ cần gói 3 lá dong, 2 lá gói trong và một lá to gói ngoài. Nhà bao giờ cũng có bánh chưng mặn và bánh chưng đường. Nhớ quê mẹ gói cả bánh tày. Bánh luộc đúng 12 tiếng rồi nén và rửa sạch mỡ. Trên bàn thờ mẹ đặt 2 bánh chưng mặn và 2 bánh chưng gấc được gói ngoài lại bằng lá tươi mới nên bánh rất xanh và đẹp. 

Sáng mùng một Tết cả nhà gặp nhau trước bàn thờ tổ tiên, chúc tết, mỗi người “báo cáo công việc cả năm và mong ước năm tới” cho ông bà, tổ tiên rồi mừng tuổi nhau. Tết vui nhất vào thời điểm này. Bây giờ ông bà đã đi xa, nhưng những ngày Tết, cho dù bây giờ mỗi con đều có gia đình riêng song các con cháu của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên vẫn thường tụ họp lại cùng nhau để ôn lại những kỷ niệm ngày xưa và chúc nhau một năm mới bình an, hạnh phúc...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.
.