Tăng cường kiểm tra lễ hội, vận động nhân dân hạn chế đốt vàng mã

Thứ Hai, 26/02/2018, 08:23
Mỗi năm trên địa bàn TP Hải Phòng diễn ra khoảng 400 lễ hội, để những người tham gia lễ hội có ý thức giữ gìn cảnh quan, môi trường, văn hóa… ngành Văn hóa và các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra.


Những ngày đầu năm, Khu di tích Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) thu hút rất đông du khách. Những năm trước, tại khu vực đền Trạng Trình có một số hoạt động không đẹp như xem bói, xem quẻ, các trò chơi trúng thưởng, trong khu vực cúng lễ, nhiều người đốt khói nhang nghi ngút.

Tuy nhiên, đến năm nay UBND huyện Vĩnh Bảo đã chỉ đạo Trung tâm Văn hóa Thông tin huyện kết hợp với Ban quản lý khu di tích và các đơn vị chức năng tích cực tuyên truyền, cử người túc trực hướng dẫn khách hạn chế đốt vàng hương, tránh ảnh hưởng đến đồ thờ cúng và không gian chung. Đối với việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí, Ban quản lý cũng đã phân chia thành các khu vực riêng, góp phần tạo không gian thoáng đãng, trang nghiêm cho cảnh quan chung…

Khu di tích Bạch Đằng Giang là một trong những điểm du lịch tâm linh giữ gìn cảnh quan, môi trường tốt nhất Hải Phòng.

Di tích Bạch Đằng Giang (thị trấn Minh Đức, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) là địa danh du lịch hiếm hoi không thu tiền gửi xe, không rác thải, không hàng quán. Để làm được điều này, Ban quản lý khu di tích kiên quyết không để các hộ dân vào bán hàng. Cảnh quan khuôn viên luôn sạch đẹp vì hằng ngày đều có tình nguyện viên đến tham gia dọn dẹp, nhắc nhở du khách khi họ có hành vi không tuân thủ quy định của khu di tích như vứt rác bừa bãi, thắp nhiều nhang. “Muốn các danh lam, thắng cảnh sạch đẹp, quan trọng nhất là sự kiên quyết từ Ban quản lý di tích và cơ quan chức năng liên quan” - ông Lê Văn Đức, Trưởng Ban quản lý di tích Bạch Đằng Giang khẳng định.

Bên cạnh sự nhắc nhở của các đơn vị quản lý, ý thức giữ gìn cảnh quan môi trường văn hóa của mỗi người dân khi tham gia các hoạt động văn hóa tại các khu di tích, lễ hội có vai trò quan trọng hàng đầu. Thực tế cho thấy tâm lý đi thăm đền, chùa của người dân cũng đang dần thay đổi. Thay bằng việc thắp nhiều nhang, đốt vàng mã, du khách gửi tiền công đức, đóng góp một chút nhỏ vật chất để các đơn vị giữ gìn, chỉnh sửa cảnh quan khang trang, sạch đẹp hơn.

Ông Trần Kim Chung, Chánh Thanh tra, Sở Văn hóa Thể thao Hải Phòng cho biết, trong năm 2018, Sở Văn hóa và Thể thao tham mưu cho thành phố ra văn bản yêu cầu các địa phương, ban tổ chức chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức các lễ hội, tuân thủ nghiêm các quy định về tổ chức lễ hội.

Theo đó ngành Văn hóa dự kiến sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra từ 40 – 50 lễ hội, xử lý nghiêm các hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trái pháp luật, ngăn chặn, xử lý các hiện tượng tiêu cực phát sinh trong hoạt động lễ hội, hoạt động vui chơi giải trí như đánh bạc, mê tín dị đoan và các hình thức kinh doanh dễ phát sinh tiêu cực.

Cùng với đó, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính và triển khai nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, UBND TP Hải Phòng yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị và chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo các cấp, các đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức thực hiện nghiêm túc quy định về thời gian, chế độ làm việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Tuyệt đối không tổ chức du xuân, tham dự lễ hội trong các ngày làm việc nếu không có sự phân công của cấp có thẩm quyền. Thủ trưởng các cơ quan chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để xảy ra vi phạm.

V.Huy
.
.
.