Quảng Nam còn nhiều di tích chưa được xếp hạng

Thứ Bảy, 27/05/2017, 05:50
Ông Phan Văn Trình, Trưởng phòng VH - TT huyện Đại Lộc, Quảng Nam cho biết, hiện tại huyện có 26 di tích được công nhận, trong đó có 24 di tích cấp tỉnh và 2 di tích cấp Quốc gia.

Bên cạnh, có 6 di tích chưa được công nhận, mặc dù từ năm 1997 và 1999, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định về việc bảo vệ các di tích, gồm: Di tích khảo cổ học Đồi Vàng, thắng cảnh khe Lim, xã Đại Hồng và 4 di tích lịch sử cách mạng, như: Đình Quảng Đại, xã Đại Cường; Dinh Ông - Bàu Ông, xã Đại Nghĩa; Khe Tre, xã Đại Đồng; Hòn Am, xã Đại Hiệp.

Theo quy định, các di tích chưa được xếp hạng sẽ không có trong hồ sơ tôn tạo, trùng tu theo đề án đầu tư tu bổ di tích của tỉnh Quảng Nam, điều này gây khó khăn cho địa phương trong công tác quản lý, tôn tạo di tích.

Di tích Dinh Ông - Bàu Ông tại xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc.

Nhưng, không riêng huyện Đại Lộc, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện vẫn còn 374 di tích chưa được xếp hạng. Trong đó có những di tích rất nổi tiếng ở xứ Quảng, như: Mộ cụ Thủ Thiệm tại xã Tam Hòa, huyện Núi Thành. Hồ sơ tư liệu cho thấy, cụ Thủ Thiệm tên thật là Nguyễn Tấn Nhơn, quê làng An Hòa, huyện Hà Đông, phủ Thăng Bình, Quảng Nam (nay là thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành).

Sống trong cảnh nước nhà bị chế độ thực dân thống trị, cụ Thủ Thiệm đã dùng tiếng cười như là một thứ vũ khí sắc bén để chống cường quyền, áp bức, phê phán những điều chướng tai gai mắt. Cụ là người yêu nước, để lại cho đời pho truyện cười dân gian độc đáo, rất giá trị. Mặc dù cơ quan chức năng đã về khảo sát mộ cụ Thủ Thiệm từ năm 2014, song đến nay ngôi mộ này vẫn chưa được xếp hạng di tích…

Ông Phan Văn Cẩm, Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích và danh thắng tỉnh Quảng Nam, cho rằng, Quảng Nam được xem là trung tâm của phong trào yêu nước đầu thế kỷ XX, do đó di tích có sự đa dạng, phong phú. Hiện Quảng Nam có 314 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh, 60 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 4 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt. Các di tích này đều được quản lý và bảo tồn theo quy định.

Đối với 374 di tích chưa được xếp hạng, ngành Văn hóa tỉnh đã khảo sát, kiểm kê, hướng dẫn các địa phương chọn lựa những di tích có đủ điều kiện để đề nghị làm hồ sơ xếp hạng di tích.

“Khi địa phương lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích đúng với quy định thì ngành Văn hóa sẽ trình cơ quan có thẩm quyền xử lý ngay. Sau khi được xếp hạng, chúng tôi sẽ đề nghị bổ sung di tích đó vào danh mục đầu tư tu bổ di tích theo đề án đã được duyệt. Địa phương nào cần cán bộ chuyên môn hỗ trợ, chúng tôi sẵn sàng cử cán bộ về để chia sẻ kinh nghiệm về việc làm các thủ tục cần thiết để di tích tại địa phương được công nhận”, ông Cẩm nói.

N.Thi
.
.
.