Biểu diễn nghệ thuật đường phố cần được quản lý phù hợp

Thứ Năm, 22/12/2016, 08:47
Không “gói” trong không gian của nhà hát, khu vực sân khấu cố định truyền thống, ngày càng nhiều những chương trình biểu diễn nghệ thuật ngoài đường phố tổ chức, trong đó, có không ít chương trình thu hút sự tham gia của hàng vạn người. Tuy nhiên, để biểu diễn nghệ thuật đường phố thường xuyên, lâu dài và quy củ thì cần được quản lý phù hợp.


Đã thành thông lệ nhiều tháng nay, cứ vào sáng và tối 2 ngày cuối tuần, nhiều người dân và du khách lại đổ về khu phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Họ đến phố đi bộ không phải chỉ là tự tạo cho mình những phút tản bộ thảnh thơi mà còn để được hòa mình vào không khí chung của nhiều chương trình vui chơi, giải trí, đặc biệt là nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật, từ biểu diễn các loại nhạc cụ dân tộc, nghệ thuật truyền thống, xiếc, ảo thuật, hoạt náo rối, hài kịch cho đến thư pháp, nhảy đồng diễn…

Không chỉ có các chương trình do nghệ sĩ chuyên nghiệp biểu diễn, rất nhiều các chương trình với quy mô lớn nhỏ khác nhau do các tổ chức, nhóm biểu diễn không chuyên, thậm chí biểu diễn tự phát nhưng đều thu hút sự tham dự của nhiều người dân và du khách. Trong đó, được yêu thích và biểu diễn khá thường xuyên vào mỗi sáng cuối tuần có các thành viên của câu lạc bộ Sáo trúc sinh viên Đại học Bách Khoa. 

Nguyễn Đức Thành, sinh viên khoa điện tử, thành viên của nhóm biểu diễn cho biết số lượng tham gia lần biểu diễn không cố định, dù rằng câu lạc bộ có đến hơn 30 thành viên. Tất cả đều là sinh viên Đại học Bách Khoa, có chung sở thích về Sáo nên tranh thủ những giờ rảnh rỗi lại trao đổi kinh nghiệm, dạy nhau sử dụng nhạc cụ này. 

Khi phố đi bộ Hà Nội đi vào hoạt động một thời gian, nhóm cũng bắt đầu ra bờ hồ biểu diễn. Khách ngẫu hứng có thể biểu diễn chung. Đây là hoạt động tự nguyện, hoàn toàn miễn phí và cũng chưa ai nghĩ đến việc phải xin phép của cơ quan quản lý nào.

Du ca đường phố trong sự kiện Dance for love thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.

Thuộc dạng không biểu diễn thường xuyên nhưng chương trình đồng diễn, nhảy múa, ca hát trong khuôn khổ sự kiện Dance for love của WEQUAL – một nhóm làm việc mở, do Viện Nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường khởi xướng từng thu hút hàng vạn lượt người tham dự. 

Vũ Phương Thảo, một trong số các thành viên điều hành nhóm cho biết, riêng lượng người đăng ký tham gia các hoạt động của chương trình Dance for love lên đến cả ngàn người. Tất cả thành viên liên lạc, làm việc với nhau chủ yếu qua mạng internet. Ban tổ chức đưa ra chương trình khung, còn lại các nhóm tự sáng tạo phương thức truyền tải thông điệp chung, tự tổ chức tập luyện, biểu diễn. 

Ngoài nhảy đồng diễn, các nhóm còn sáng tạo tổ chức đội ngũ người mẫu quấn đầy các băng chữ trên người, chuyển tải những định kiến của xã hội. Du khách đồng ý nên xóa bỏ định kiến nào thì tự tay tháo dải băng đó ra khỏi người làm tượng. 

Tuy nhiên, rầm rộ nhất và cũng ồn ào nhất là chương trình biểu diễn du ca quanh bờ hồ. Tham gia biểu diễn là một số gương mặt trẻ được yêu mến, thích hoạt động phong trào, biểu diễn không thù lao và tự nguyện. Bài hát ca sĩ tự chuẩn bị. Phương tiện biểu diễn khá đơn giản, chỉ gồm micro cho ca sĩ, nhạc công và loa thùng di chuyển dễ dàng trên đường phố song nhóm đã tạo thành đám đông khá lớn hát hò vui vẻ náo nhiệt khắp khu vực quanh bờ hồ.

Trao đổi về hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật quanh phố đi bộ Hà Nội, ông Nguyễn Văn Trực, Trưởng phòng Quản lý nghệ thuật, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho biết, riêng khu vực phố đi bộ Hà Nội, Sở tổ chức hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật tại khá nhiều điểm: Biểu diễn đàn bầu, sáo, nhị, tam thập lục, nhạc kèn… tại khu nhà Bát giác, Vườn hoa Lý Thái Tổ, biểu diễn đờn ca tài tử, ca cổ tại khu vực đối diện đền Bà Kiệu, các chương trình ca múa nhạc diễn ra tại sân khấu tượng đài Vua Lý Thái Tổ, biểu diễn xiếc, ảo thuật tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, hoạt náo rối tại sảnh Nhà hát Múa Rối Thăng Long, hài kịch chọn lọc trước Rạp Công Nhân, thư pháp tại Bà Kiệu, tượng đài vua Lê, triển lãm tranh tại nhà triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, 45 Tràng Tiền. 

Nội dung các chương trình này được kiểm soát chặt chẽ và được chọn lọc phù hợp với đường phố. Có thể chương trình biểu diễn vẫn là Tuồng, Chèo, Đờn ca tài tử, Ca cổ nhưng không thể chọn giới thiệu các vở diễn dài trọn vẹn mà thường là các trích đoạn, những tiết mục dễ tiếp thu nhất để người chưa tìm hiểu nhiều về nghệ thuật truyền thống Việt Nam vẫn có thể hiểu được. 

Về các chương trình biểu diễn từ xã hội hóa, đặc biệt là biểu diễn tự phát, địa phương không phải đầu tư kinh phí nhưng ngược lại, người làm quản lý e ngại sẽ khó kiểm soát được nội dung biểu diễn của các các nhân, tổ chức, nhóm biểu diễn tự phát này.

Chương trình biểu diễn của các đơn vị nghệ thuật của thành phố giúp người dân và du khách có dịp vui chơi, giải trí kết hợp tìm hiểu về nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống dân tộc. Đây cũng là cầu nối tích cực trong quảng bá văn hóa, nghệ thuật truyền thống Việt Nam. 

Tuy nhiên, NSND Trần Quốc Chiêm cũng thừa nhận rằng kinh phí cho chương trình sẽ là vấn đề nếu tổ chức thường xuyên, liên tục năm này qua năm khác. Trong thời gian tới, hoạt động này sẽ hướng đến nguồn xã hội hóa nhiều hơn.

Du ca đường phố trong sự kiện Dance for love thu hút sự tham gia của đông đảo người dân và du khách.
Ngọc Nguyễn
.
.
.