Phim vắng khán giả vì … mang tính nghệ thuật?

Thứ Năm, 21/04/2016, 17:35
Giải Cánh diều vàng của Hội điện ảnh Việt Nam khép lại bằng một cuộc tọa đàm “Nhìn lại sáng tác điện ảnh 2015” diễn ra tại Hà Nội vào ngày 21-4. Với 2 câu hỏi xuyên suốt “chất lượng phim truyện điện ảnh tư nhân có gì mới? vai trò, vị trí của phim do Nhà nước đặt hàng trong điện ảnh Việt Nam?” các nhà quản lý, nghệ sĩ sáng tạo mong muốn sẽ tìm được hướng đi cho điện ảnh Việt Nam.

Có một thực trạng được các đại biểu đều thừa nhận là phim Nhà nước đặt hàng thường có doanh thu ít, trong khi các phim do tư nhân làm luôn có doanh thu cao. Báo chí từng nhiều lần lên án phim được gọi là “thảm họa Việt”, nhưng rất nhiều phim trong số này lại không phải là “thảm họa phòng vé”, mà nhiều khi “thảm họa phòng vé” lại là những bộ phim được coi là có tính nghệ thuật được thể hiện khá bài bản và công phu. Nhưng hầu hết các ý kiến lý giải rằng, phim Nhà nước có tính nghệ thuật hơn, nhân văn hơn, có nội dung bảo vệ chính thể. “Nếu bình tĩnh nhìn lại thì dù thấy phim tư nhân được đầu tư nhiều tiền nhưng giá trị thẩm mỹ, đột phát về nhân văn hầu như không có’ như quan điểm của nhà biên kịch Đinh Thiên Phúc. Do đó vai trò của Nhà nước là không thể thiếu được.

Nhiều nghệ sĩ và nhà quản lý tham gia cuộc tọa đàm.

Nhà báo Cát Vũ cho rằng, đừng mơ hồ khi đòi hỏi vừa nghệ thuật vừa doanh thu. Có những phim như “Sống cùng lịch sử” chưa được khán giả quan tâm là do không tìm ra phương cách đưa đến người xem.

Đạo diễn Đào Bá Sơn lại đánh giá cao các hãng phim tư nhân khi cho rằng, phải ghi nhận công lao của họ trong việc lôi kéo khán giả Việt Nam đến với phim Việt Nam. Họ đã sản xuất hàng trăm bộ phim đủ các thể loại, nhiều bộ phim có doanh thu cao, tới gần trăm tỉ như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, thậm chí hơn 100 tỉ như “Em là bà nội của anh”. Nhiều bộ phim doanh thu không cao nhưng vẫn được ghi nhận sự tìm tòi, sáng tạo nghệ thuật như “Quyên”, “Đường đua”, “Mùa hè lạnh” vv…Họ đã giành được nguồn vé lớn, thị phần lớn tại các hệ thống rạp khi mà khán giả đang quay lưng với phim Việt. Điều đáng trân trọng là càng ngày càng nhiều phim đoạt giải cao trong LHP quốc tế và quốc gia. Bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” do Nhà nước đặt hàng hãng phim tư nhân đã thắng lớn cả về doanh thu lẫn nghệ thuật, trở thành một hiện tượng mà “hộp đen” của nó cần được giải mã cho sự thành công.

Trái với các ý kiến về phim Nhà nước ở trên, đạo diễn Phi Tiến Sơn lại có cái nhìn khác: Dòng phim Nhà nước chú ý thông điệp chính trị, nhân văn nhưng không thể gọi là phim nghệ thuật. Đại đa số phim Nhà nước đặt hàng vừa rồi cách làm cổ, kịch bản cũ, khán giả biết mãi rồi như motip người phụ nữ Việt Nam khổ sở, chịu đựng. Chưa chắc khán giả trẻ đã xúc động với dạng “nàng Kiều” và khai thác nỗi đau giả tạo kiểu đó. Ngôn ngữ mới, cách làm mới là cần thiết, còn nếu cứ như hiện nay sẽ không đi đến đâu.

Cảnh trong “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Đạo diễn Phi Tiến Sơn có lý. Không thể nói vì nặng tính nghệ thuật hay do bảo vệ chính thể mà người xem không chấp nhận. “Một bộ phim hay phải là phim làm cho tôi xúc động” như NSND Đặng Nhật Minh từng nói. Nếu ai đã từng xem các phim bom tấn của nước ngoài như “Đặc vụ Salt” sẽ thấy đó là một bộ phim mang tính bảo vệ chính thể, rất nghệ thuật, nhưng vẫn là một bộ phim có doanh thu khủng. “Cây vĩ cầm đỏ” cũng tương tự. Bởi những bộ phim này  tài năng đồng đều ở các lĩnh vực: kịch bản, đạo diễn, diễn viên, âm nhạc...

Chúng ta sao không tự hỏi Việt Nam  đã có nhà biên kịch điện ảnh thật sự xuất sắc, có những đạo diễn ngang ngửa Trương Nghệ Mưu, Alejandro González, hay những diễn viên như Angelina Jolie, Củng Lợi vv… hay chưa? Nếu chưa, thì là do chúng ta còn thiếu tài năng, chứ không phải là phim mất khách do … có tính nghệ thuật! Khán giả hôm nay dân trí cao, tiếp cận với nhiều nền điện ảnh, họ đủ tầm để hiểu biết và rung cảm trước những tác phẩm thật sự là nghệ thuật, chứ không phải là vì nghệ thuật nên họ chối bỏ.  Chưa chạm đến trái tim khán giả, tức là phim chưa thành công, nên các nghệ sĩ sáng tạo hãy tự nghiêm khắc với chính mình, để không quanh co đổ lỗi.

Cảnh trong phim “Trúng số” –phim  được đánh giá cao bởi tính nhân văn và hấp dẫn.

Lại nữa, khâu yếu của các phim Nhà nước hiện là chưa chú ý đến việc phát hành, quảng bá phim. Nếu “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” không phải do hãng phim tư nhân làm và quảng bá, liệu có đạt nổi 1/10 doanh thu như đã có?

Ý kiến của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát cũng rất đáng chú ý về đề tài khi cho rằng “tại sao cứ bắt chúng tôi phải ca ngợi của 2 cuộc chiến, khi chúng tôi cũng là những người được ca ngợi”.

Rồi nữa, cách thức duyệt phim như hiện nay đã phù hợp chưa? Tại LHPQT lần đầu ở Hà Nội, người viết bài này đã phỏng vấn ông Giám đốc LHPQT của Pháp và được biết, Pháp không có việc kiểm duyệt phim, mà chỉ có phân loại phim theo lứa tuổi, nên nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo. Nhiều nước trong khu vực như Philipine, Malayssia, Indonessia vv… cũng thế. Rõ ràng, chúng ta cần phải xem lại cơ chế này, bởi những người làm nhiệm vụ “cầm cân nẩy mực” liệu đã tài năng hơn các nghệ sĩ sáng tạo trẻ được học hành bài bản ở nước ngoài, có kinh nghiệm trong các cuộc giao lưu quốc tế, để ủng hộ sự sáng tạo của họ?

Nhiều ý kiến phê phán truyền thông “dập vùi” một số bộ phim Nhà nước đặt hàng dù đó là phim có chất lượng nghệ thuật. Nếu vậy, sao Hội Điện ảnh không tổ chức tọa đàm kịp thời để bằng lý luận nghệ thuật mà định hướng công chúng? Một vấn đề cũng được nhiều ý kiến quan tâm là việc sử dụng tiền của Nhà nước tỏng đầu tư cho các phim đã thật sự hợp lý chưa? Khi hiện tại phim Nhà nước chú ý “ăn” ở “đầu vào”, còn hãng tư nhân lại chú ý “ăn” ở “đầu ra”?

Cuộc tọa đàm nhằm tìm hướng đi cho điện ảnh Việt Nam, nhưng đã không thấy mời các đạo diễn rất nên có mặt để có thể đưa ra các câu trả lời từ thành công của họ, như đạo diễn phim ‘Trúng số” vừa giành Cánh Diều vàng tối 20-4, hay đạo diễn “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh’ là mô hình thành công của việc kết hợp giữa vốn Nhà nước và chất xám của Hãng phim tư nhân và cũng giành giải Bạc?

Theo TS. Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh: Các nghệ sĩ cũng cần tìm hiểu xem phim đặt hàng hiệu quả ra sao? Nếu chưa tốt thì phải thay đôi cách làm, tư duy, sáng tạo, thậm chí thay người sáng tạo. Có đạo diễn rất thành công giai đoạn trước nhưng nay đã hết nhiệm vụ thì nay cần trao truyền cho thế hệ sau, cho các đạo diễn trẻ Việt kiều về nước. Các hãng phim cũng phải làm về vấn đề phát hành như Hãng phim Thiên Ngân làm tốt việc phát hành phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Thanh Hằng
.
.
.