Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Chủ Nhật, 29/09/2019, 07:17
Cùng với tập trung phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh Nam Định luôn quan tâm chỉ đạo, đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Trong đó chú trọng gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống.


Điểm sáng văn hóa cơ sở

Tại xã Xuân Thượng, huyện Xuân Trường nhiều năm qua số hộ đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hoá” chiếm tỷ lệ trên 90%, trong đó trên 65% số hộ được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá” 3 năm liền. 

Các gia đình văn hoá luôn thực hiện tốt quy ước cộng đồng, quy chế hoạt động của khu dân cư, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề như: quy ước về thực hiện nghĩa vụ quân sự, quy ước sử dụng điện, nước và các công trình công cộng; quy ước quan hệ ứng xử trong gia đình và xã hội, truyền thống hiếu học trong gia đình, dòng họ; quy ước về giao thông nông thôn, an ninh trật tự, thăm hỏi người ốm đau, người có hoàn cảnh khó khăn, người có công với cách mạng… 

Nam Định luôn giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống.

Các quy chế về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội được các gia đình thực hiện nghiêm túc, các gia đình đảng viên luôn gương mẫu đi đầu. Từ đó, các đám cưới mang tính phô trương, ăn uống linh đình lãng phí trên địa bàn xã giảm hẳn; xoá bỏ tình trạng tảo hôn, thách cưới. Các đám tang được tổ chức trang trọng, chu đáo với đầy đủ các nghi lễ truyền thống; các tập tục lạc hậu rườm rà không còn.

Lễ hội tại các di tích lịch sử văn hoá được tổ chức, quản lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo các nghi thức tế, lễ, rước trang trọng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. 

Trong khi đó, ở xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường từ lâu, nét đẹp văn hoá trong giao tiếp, ứng xử đã ăn sâu vào nếp sống, nếp nghĩ của từng gia đình, hình thành nên nhiều giá trị văn hoá truyền thống như: Sự hoà thuận, chung thuỷ, tình nghĩa, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, tôn trọng, hiếu lễ với cha mẹ, cô dì, chú bác… Tỷ lệ gia đình văn hóa hằng năm của xã luôn đạt trên 80%. 

Tại các làng cổ: Hành Thiện, Tiên Dũng, Lục Thuỷ, Phú Yên, Hồng Thiện… các gia đình nhiều thế hệ đã bảo tồn phát huy được giá trị văn hoá truyền thống với các nguyên tắc: “gia đạo”, “gia phong”, “gia lễ”, đảm bảo trật tự kỷ cương: Sống có trên có dưới, lễ nghĩa phân minh, có sự hòa quyện của ý thức đạo đức với pháp luật liên quan đến phong tục tập quán cộng đồng, sinh hoạt văn hóa gia đình các dịp lễ, tiết như: ma chay, cưới hỏi, giỗ chạp…

Là điểm sáng về văn hóa cơ sở của tỉnh Nam Định, thời gian tới, để gìn giữ và phát huy giá trị văn hoá truyền thống gia đình, các địa phương trong huyện Xuân Trường tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về vị trí, vai trò của công tác xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng nếp sống văn minh và kế thừa giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình, xã hội. 

Xây dựng các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng gia đình văn hoá có ý nghĩa thiết thực trong đời sống; đa dạng hoá các hình thức sinh hoạt văn hoá, tiếp thu những nét văn hóa tốt đẹp của mô hình gia đình truyền thống và hiện đại với cộng đồng; nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, vị trí đặc biệt của gia đình đối với xã hội.

Nhiều kết quả tích cực

Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, tỉnh Nam Định đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Những năm qua tỉnh đã chỉ đạo việc giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, hướng con người tới những giá trị chân, thiện, mỹ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Tỉnh Nam Định đã chỉ đạo và tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng về thể chất và tinh thần, nhằm phát triển toàn diện con người. Hiện nay toàn tỉnh có 870 đội văn nghệ quần chúng, 60 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ. Những năm qua các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của tỉnh và Trung tâm văn hóa, thể thao các huyện, thành phố đã tổ chức xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật có chất lượng cao phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và đất nước. 

Lĩnh vực thư viện, điện ảnh, bảo tàng, hệ thống thư viện công cộng của tỉnh đã khắc phục khó khăn, phối hợp với các cấp, các ngành để phát triển mạng lưới thư viện, xây dựng phong trào đọc sách, báo, đáp ứng nhu cầu thông tin, tri thức của mọi tầng lớp nhân dân. 

Sự nghiệp xây dựng và phát triển thể dục thể thao (TDTT) nói chung và phong trào tập luyện TDTT của quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh nói riêng đã có bước phát triển mới cả về bề rộng và chiều sâu. 

Tỉnh Nam Định có quy hoạch tổng thể, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn; cơ chế quản lý nhà nước về TDTT được củng cố, hoàn thiện; cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị luyện tập và thi đấu TDTT trong tỉnh được quan tâm đầu tư khang trang, hiện đại.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, được đông đảo cán bộ, nhân dân hưởng ứng và có bước chuyển biến tích cực. Nhiều nơi đã xây dựng hương ước, quy ước nhằm phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao chuẩn mực đạo đức truyền thống, tích cực xây dựng nông thôn mới, các nhiệm vụ chính trị kinh tế xã hội của tỉnh.

Đến nay, toàn tỉnh có 3167/3634 hương ước, quy ước làng, thôn, xóm, tổ dân phố được phê duyệt, đạt 87%. Việc xây dựng gia đình văn hóa, làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Đến hết năm 2018, toàn tỉnh có 501.349/604.637 gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt 83%); 3369/3634 làng (thôn, xóm, tổ dân phố) được công nhận danh hiệu văn hóa (đạt 93%, tăng 48% so với năm 2014); 1.401 khu dân cư 5 không, 2657 khu dân cư không có tội phạm, 2.366 khu dân cư không có người nghiện ma túy, 3.027 khu dân cư không có tệ nạn mại dâm...

Thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng (thôn, xóm, tổ dân phố) văn hóa đã góp phần tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của gia đình Việt Nam, cũng như xây dựng mô hình gia đình bình đẳng, ấm no và hạnh phúc.

Phan Hoạt
.
.
.