Nơi tái hiện “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”

Thứ Hai, 02/05/2016, 15:30
Với gần 15 ngàn hiện vật, tư liệu gốc, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh đã khắc họa, phản ánh khá sinh động về sự lớn mạnh, ý chí quật cường trong cuộc chiến chống đế quốc xâm lược bảo vệ chủ quyền đất nước của Bộ đội Trường Sơn. Với tổng diện tích hơn 20.000m2, Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa mang tính đặc thù, nơi tái hiện một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.


1-Tôi đến Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh khi dịp kỷ niệm 41 năm Giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà đang đến gần. May mắn thay, tôi được gặp Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng - Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Phó Tư Lệnh, Bí thư Đảng ủy Binh đoàn 12 (tiền thân là Bộ đội Trường Sơn) ở đây. Là một cựu chiến binh của tuyến lửa Trường Sơn nên Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng khá am tường về các hiện vật đang được trưng bày ở Bảo tàng.

Chỉ tay về khối sắt có hình thù giống quả bom, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng – khi đó là Tiểu đội trưởng nhớ như in lần giáp mặt với loại vũ khí mới của đế quốc Mỹ. Đó là buổi chiều một ngày đầu năm 1971, khi đang trực tại vị trí điểm cao thuộc tuyến đường 128 (giáp Lào), đồng chí Tiểu đội trưởng Nguyễn Bá Tòng phát hiện một tốp máy bay hỏa lực của địch lượn 2 vòng trên bầu trời rồi thả một chùm vật lạ xuống vạt rừng.

Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng bên hiện vật “cây nhiệt đới” lưu giữ tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh.

Ngay lập tức, thông tin được cấp báo về Ban Chỉ huy: “Rất có thể là bom từ trường hoặc bom nổ chậm. Đề nghị đồng chí không cho ai lại gần chờ người đến xử lý”. Nghe vậy, chiến sỹ trẻ bèn cởi bỏ hết áo ngoài, tiến lại gần kiểm tra thật kỹ khu vực vật lạ trước đó rơi xuống. “Nơi vật lạ rơi xuống chưa thấy nổ”, anh điện đàm Ban Chỉ huy. “Rất có thể là “cây nhiệt đới”, cần phải tìm, vô hiệu hóa gấp bởi chỉ vài giờ nữa, đoàn xe vận tải tiếp tế lương thực, vũ khí ở ngoài Bắc sẽ vào tới”, vừa nghe lời chỉ đạo trên, anh cùng đồng đội “bổ” đi tìm cho ra số vật lạ trên.

Ít lâu sau, toàn bộ số vật lạ (sau đó xác định là “cây nhiệt đới” – loại công cụ thu tiếng động, giúp máy bay địch ném bom chiến lược) đã được anh và đồng đội khắc chế bằng cách chụm các đầu ăng ten, lấy dây – áo buộc chặt đầu ăng ten lại với nhau.

Nếu có dịp đến Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh sẽ bắt gặp ngay hiện vật có kiểu dáng khá kỳ lạ. Đó chính là “hầm di động”. Đây là loại phương tiện giúp Bộ đội Trường Sơn tránh bị sát thương khi tháo gỡ bom mìn. Chiếc “hầm di động” chính là điểm nhấn, là minh chứng cho sự sáng tạo, ứng dụng sáng chế để chống lại vũ khí tối tân của địch.

Gặp lại kỷ vật một thời, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng vẹn nguyên ký ức. Ông kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện xoay quanh hiện vật này. Năm 1968, đế quốc Mỹ gia tăng các đợt ném bom bi và các loại bom sát thương khác xuống đường Trường Sơn. “Hầm di động” của quân và dân ta đã ra đời. Đây là dụng cụ tự làm bằng vỏ phuy xăng, có lớp tre nứa bao quanh. Nó được dùng cơ động trong quá trình rà, phá bom bi, bom sát thương trên đường 20 Quyết Thắng – Trường Sơn.

“Bộ đội Trường Sơn khi ấy mỗi lần đi rà phá bom mìn (chủ yếu là bom bi, bom nổ chậm) đều khoác chiếc “hầm di động” này. Đi đến đâu, anh em chỉ việc thò chiếc gậy (có độ dài 6-8m) ra để khều cho bom nổ. “Hầm di động” đã góp phần giảm thiểu độ sát thương do bom bi gây ra đối với anh em”, Thiếu tướng Nguyễn Bá Tòng nhớ lại.

2-9h30 ngày 5-4-2016, trong gian phòng trưng bày các hiện vật, tư liệu về con đường huyền thoại Trường Sơn (giai đoạn năm 1959-1972), đông kín sinh viên. Giọng nói truyền cảm, đầy cung bậc cảm xúc, Thiếu tá Nguyễn Hải Bình, Ban tuyên truyền (Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh) giới thiệu tỉ mỉ về các hiện vật gốc mà Bảo tàng đang lưu giữ.

Tiếng chị bỗng chùng xuống khi cả đoàn bước đến nơi trưng bày bức tranh khổ lớn mô phỏng tuyến đường 20 Quyết Thắng (Thống nhất) - mở từ làng Phong Nha (Việt Nam) tới Ngã Ba Lùm Bùm (Lào): “Đây là đoạn đường chiến lược ta mở để lật cánh từ Đông sang Tây Trường Sơn, nên địch luôn đánh phá ác liệt với một khối lượng bom đạn khổng lồ. Đất cày đi xới lại, không một bóng cây ngọn cỏ nào sống sót được... Song với tinh thần: “máu có thể đổ, đường không thể tắc”, Bộ đội Trường Sơn đã vượt qua tất cả”.

Trên tuyến “lửa” Trường Sơn thời bấy giờ không chỉ là nơi đọ sức quyết liệt giữa ta và địch mà còn là nơi con người và thiên nhiên phải đối mặt với nhau một cách nghiệt ngã. Để sống, chiến đấu trên mặt trận Trường Sơn, quân và dân ta đã không quản hy sinh gian khổ, kiên cường bám trụ vị trí với khẩu hiệu “còn người còn xe, còn hàng”. Em Đinh Trọng Hiền, quê ở TP Nam Định (Nam Định), sinh viên năm thứ 2 – Khoa Công trình, Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải Hà Nội xúc động khi thấy những hình ảnh ghi lại cảnh Bộ đội Trường Sơn vượt gian khó, đảm bảo sự sống cho con đường huyền thoại. “Những gì em được nghe và chứng kiến ở đây sẽ là động lực tinh thần thôi thúc em cố gắng học cho thật tốt, góp sức mình cho xã hội”, em Hiền tự nhủ.

Thầy giáo Lương Công Lý, Trưởng khoa Lý luận chính trị (Trường Đại học Công nghệ giao thông vận tải Hà Nội) cho biết, năm nào cũng vậy, thầy cũng đều dẫn các sinh viên đến tham quan bảo tàng. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên của nhà trường trong việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho các em sinh viên. Và hôm nay, đã có 120 em sinh viên Khoa công trình, Khoa Tin đến Bảo tàng.

Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh thu hút đông bạn trẻ đến tham quan.

3- Đã có 17 năm gắn bó với Bảo tàng, Thiếu tá Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh nắm khá rõ về lịch sử hình thành, những nét khu biệt của Bảo tàng. Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh là một công trình văn hóa mang tính đặc thù được xây dựng và đi vào khai thác sử dụng trên nền đất với tổng diện tích 20 ngàn m2 ở phía Tây Thủ đô Hà Nội. Trong khuôn viên của Bảo tàng tọa lạc một tòa nhà chính rộng 2.800m2 với cách thức bài trí hiện vật, tư liệu, hình ảnh theo phương pháp liên tục thể hiện sự phát triển của Bộ đội Trường Sơn.

Cũng chính bởi những hiện vật có giá trị văn hóa lịch sử, sự tái hiện, phục dựng bức tranh sinh động về cuộc chiến bảo vệ đất nước của quân và dân ta, nên thời gian qua, nơi đây đã trở thành điểm đến không thể thiếu của nhiều du khách. Chỉ tính riêng từ năm 2015 đến nay, Bảo tàng đã đón 278 đoàn khách với 23.230 lượt người đến tham quan, ôn lại truyền thống hào hùng của Bộ đội Trường Sơn.

Do Bảo tàng được xây dựng một nửa chìm dưới lòng đất, độ ẩm không khí cao, ảnh hưởng không nhỏ đến độ bền vững của các hiện vật nên cán bộ công nhân viên phải thường xuyên lau chùi. Đối với các hiện vật dễ bị ảnh hưởng do độ ẩm không khí, Bảo tàng phải thao tác bảo quản theo những quy định ngặt nghèo. Ví như đối với các hiện vật giấy, Bảo tàng duy trì nhiệt độ 20-25 độ C, độ ẩm 55%; trong các tủ đựng hiện vật giấy phải có Silicagel hút ẩm, thông gió mỗi tuần ít nhất 2 lần…

Thiếu tá Hoàng Oanh, Phó Giám đốc Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh

Qua 16 năm chiến đấu anh dũng (1959-1975) trên tuyến đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, lực lượng cầu đường với 4 sư đoàn công binh và 1 vạn thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, kiên cường bám trụ, giành giật từng thước đường. 

“Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc”, Bộ đội công binh Trường Sơn đã làm nên một hệ thống giao thông vĩ đại gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang với gần 17 ngàn km đường xe cơ giới; lực lượng công binh đã tiêu diệt và bắt sống 17.740 tên địch, giải phóng một vùng rộng lớn ở Nam Lào, bảo vệ vững chắc hành lang tuyến chi viện.

Trần Huy
.
.
.