Nở rộ phong trào cho con học làm người mẫu: Phụ huynh nên cân nhắc thiệt hơn

Chủ Nhật, 10/03/2019, 08:44
Nếu gõ cụm từ “đào tạo mẫu nhí”, chỉ sau 0,35 giây, Google đã cho ra trên 1,8 triệu kết quả. Phụ huynh muốn cho con trẻ theo các khóa đào tạo người mẫu có vô số lựa chọn. Các “lò” đào tạo “mẫu nhí” ra đời không chỉ ứng nhu cầu của ngày càng nhiều các bậc phụ huynh mà còn được kỳ vọng sẽ góp phần đưa nghề người mẫu Việt trở nên chuyên nghiệp hơn trong tương lai.


Tuy nhiên, việc những đứa trẻ mới vài tuổi gắn bó với một môi trường dễ nảy sinh sự ganh đua về hình thức, kể cả về đầu tư tài chính cho phục trang, trang sức dễ kéo theo những hệ lụy đáng tiếc cho sự phát triển của trẻ.

Phụ huynh đầu tư mạnh tay

Mới đây, ban tổ chức Tuần lễ thời trang trẻ em Việt Nam - Vietnam Juniors Fashion Week (VJFW) công bố thông tin khá bất ngờ: Vòng casting mẫu nhí cho mùa 8 năm 2019 lập kỷ lục về số lượng đăng ký dự tuyển.

Sau hơn 2 năm tổ chức, sự kiện này đã quen thuộc hơn với các bậc phụ huynh đầu tư cho con theo học các khóa đào tạo người mẫu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhưng, đây là lần đầu tiên, Tuần lễ thời trang trẻ em Việt Nam được tổ chức tại Đà Nẵng.
Casting mẫu nhí cho Tuần lễ thời trang trẻ em Việt Nam năm 2019 có lượng đăng ký kỷ lục.

Dự kiến diễn ra vào đầu tháng 4 nên đầu tháng 3, êkip tổ chức buổi casting đầu tiên dành cho các mẫu nhí ngay tại thành phố này. Đã có đến gần 400 bé được người thân đăng ký tham gia diễn thử. Đây là con số cao gấp đôi so với các đợt casting của ban tổ chức sự kiện tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh năm 2018.

Không chỉ có các sự kiện có quy mô lớn, hướng tới tính chuyên nghiệp như Tuần lễ thời trang trẻ em Việt Nam mới có sức hút cao với các gia đình đầu tư cho con em theo học nghề người mẫu cũng như tạo sự phấn khích cho khán giả, kể cả người lớn lẫn trẻ em.

Tại sự kiện phát động cuộc thi viết “Mẹ trong tâm trí con”, bầu không khí trên sân Trường Trung học cơ sở Thành Công, Hà Nội vẫn rất trầm lặng, dù rằng, trước phần lễ chính, nhà trường đã có khá nhiều tiết mục văn nghệ do chính các em học sinh biểu biễn.

Chỉ đến khi các mẫu nhí xuất hiện với những bộ quần áo như là bản sao trang phục thời trang dạ hội của người lớn, các khối học sinh bên dưới sân trường mới bắt đầu lao xao. Tiếng huýt sáo, tiếng cười, chỉ trỏ, bình phẩm nhanh chóng khiến buổi lễ tưởng chừng trang nghiêm đến tẻ nhạt trở nên sôi động. Một số phụ huynh cũng tranh thủ lấy điện thoại, ghi nhanh khoảnh khắc trình diễn của con trẻ trên sân khấu.

Chị Ngọc Châm, một trong số các phụ huynh có con tham gia biểu diễn thời trang cho  biết, bé nhà chị mới 5 tuổi. Vì trung tâm đào tạo nhận lời biểu diễn trong chương trình, bé được các huấn luyện viên chọn đi trình diễn  nên từ 6h sáng, 2 mẹ con đã chuẩn bị sẵn sàng để “lên đường”. Vài chục nghìn tiền thù lao, với chị, có cũng được, không có cũng không sao.

Gia đình xác định, cho con vào trung tâm học như một hoạt động bổ trợ, giúp bé tự tin trong giao tiếp. Tuy nhiên, chị Châm cũng cho hay, không phải ai cũng có đủ điều kiện cho con học làm người mẫu. Ngoài học phí, gia đình còn phải đầu tư phục trang, có thời gian đưa đón, theo sát con cả ngày, thậm chí là vài ngày liên tục cho một sự kiện.

Tại một số đài truyền hình, “mẫu nhí” được chọn phục vụ cho các chương trình ngày càng nhiều hơn. Các tiết mục của mẫu nhí cũng thường là phần trình diễn khiến khán giả trường quay phấn khích, có tác dụng giải trí cao nên dễ được lựa chọn bố trí xen kẽ, kể cả trong những chương trình không mang tính giải trí.

Phục vụ các chương trình, dù trực tiếp hay ghi hình ít phút trên sân khấu, các phụ huynh phải đồng hành cùng con cả ngày. Lý do là chương trình truyền hình luôn được xếp vào những show quan trọng hàng đầu của các trung tâm, huấn luyện viên.

Thù lao biểu diễn có khi chỉ là hàng thứ yếu. Uy tín và danh tiếng sau đó mới là mục đích chính nên cả đơn vị nhận lời tham gia biểu diễn lẫn phụ huynh càng đặc biệt cẩn trọng, chấp nhận đầu tư cả công sức lẫn kinh phí.

Nhiều phụ huynh còn cho biết, chi phí về thời trang cho các con là một khoản đầu tư khá lớn. Dù là mẫu nhí, phục trang vẫn là yếu tố quan trọng khẳng định đẳng cấp, cá tính riêng của người mẫu. Tiền triệu cho mỗi bộ trang phục là chuyện rất bình thường đối với các gia đình cho con theo học nghề người mẫu.

Thực tế, sau vòng casting người mẫu nhí cho Tuần lễ thời trang trang trẻ em Việt Nam lần 8 năm 2019, ban tổ chức sự kiện cũng nhận định: Ngoài việc tạo ra sân chơi thời trang chuyên nghiệp giúp các bé được tự tin thể hiện bản thân thì thời trang dành cho trẻ em cũng được các bậc cha mẹ và các bé quan tâm hơn. Có rất nhiều mẫu nhí diện những bộ cánh hợp thời trang, cách phối đồ rất đa dạng, chuyên nghiệp khi đến casting. Đây là một tín hiệu rất tốt cho làng thời trang nhí Việt Nam.

Những hệ lụy khó lường

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, việc những cô bé, cậu bé vẫn còn quá nhỏ, chỉ  từ 3 tuổi trở lên đã tham gia vào môi trường bị mặc định là rất phức tạp, nhiều thị phi, tính ganh đua cao, vốn đầy rẫy các scandal lâu  nay rất dễ có những tác động thiếu tích cực đến sự phát triển của trẻ.

Những vấn đề này, siêu mẫu Xuân Lan, người xây dựng hệ thống đào tạo và tổ chức nhiều sự kiện thời trang dành cho trẻ em lớn trên cả nước đã thừa nhận từ khá sớm. Có lẽ cũng vì thế nên ngay từ khi ra mắt cơ sở đào tạo người mẫu nhí đầu tiên tại Hà Nội cũng như triển khai các sự kiện thời trang cho trẻ em, siêu mẫu luôn cảnh báo các bậc phụ huynh không nên ép trẻ “lớn trước tuổi”.

Đến nay, Xuân Lan cũng không phải là siêu mẫu duy nhất thừa nhận những vấn đề bất cấp của mẫu nhí và phát đi những thông điệp nói trên. Nhưng, hình ảnh những cô, cậu bé khoác lên mình không ít bộ áo quần và có những động tác trình diễn vốn chỉ phù hợp với người trưởng thành vẫn xuất hiện trên nhiều chương trình lớn, nhỏ khác nhau cho thấy, đôi khi, những hứa hẹn của đơn vị đào tạo, tổ chức sự kiện chỉ để… cho vui.

Giúp con trẻ tránh được những tác động thiếu tích cực từ môi trường giải trí Việt, vai trò đầu tiên và quyết định vẫn là sự tỉnh táo, khôn ngoan, chừng mực của mỗi bậc phụ huynh khi quyết tâm đầu tư cho con theo học, hoạt động trong lĩnh vực này.

N.Nguyễn
.
.
.