Mỹ Linh hát quốc ca: Những ý kiến trái chiều và sự im lặng của Hội NSVN

Thứ Bảy, 28/05/2016, 20:40
Màn biểu diễn quốc ca Việt Nam không nhạc đệm của ca sĩ Mỹ Linh trong buổi giao lưu của Tổng thống Mỹ Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội ngày 24-5 đã gây một làn sóng dư luận suốt những ngày qua. Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ Linh hát thế là “thiếu hào hùng”, “làm hỏng quốc ca”, nhưng nhiều người lại đánh giá cao cách thể hiện truyền cảm, khoe chất giọng đẹp của ca sĩ khi một mình hát quốc ca và không có nhạc đệm.


Ngay trong giới chuyên môn cũng có nhiều người có ý kiến khác nhau về phần trình diễn của ca sĩ Mỹ Linh. Theo nhạc sĩ Thế Hiển, việc Mỹ Linh cách tân bài quốc ca là rất đáng hoan nghênh, nhưng cách xử lý đó lại không phù hợp với thực tế lịch sử đất nước. Quốc ca của Mỹ cũng được cách tân, được nhiều ca sĩ thị trường hát thành công, hoặc một giàn nhạc giao thưởng của Mỹ từng phối lại quốc ca với tốc độ nhanh gấp 4 lần, để phản ánh được không khí hào sảng của ca khúc, đều được chấp nhận. Vì Mỹ là quốc gia đa sắc tộc nên không bị gò bó. Còn ca khúc của Văn Cao hùng tráng, mang không khí rầm rập của đoàn quân ra trận, phù hợp với lịch sử một đất nước vừa trải qua nhiều cuộc chiến. Do đó, cách Mỹ Linh xử lý bài hát chậm rãi khiến thiếu đi không khí hào sảng, tinh thần động viên quân dân chiến đấu chống kẻ thù. Dù sao, làm mới tác phẩm âm nhạc là rất đáng khuyến khích, vấn đề là làm mới thế nào để đi vào lòng người.

Ca sĩ Mỹ Linh phá cách trong thể hiện bài Quốc ca tại buổi nói chuyện của Tổng thống Mỹ

Tuy nhiên, nhạc sĩ Thế Hiển cũng cho rằng, không nên đặt nặng vấn đề rằng đó là Mỹ Linh mắc lỗi, bởi ca sĩ không mắc lỗi gì cả, còn hay hay không thì do cảm nhận của mỗi người.

Không cùng quan điểm trên, nhiều nhạc sĩ cho rằng, có sự phản ứng là do đa số công chúng đã quen với hình thức hát quốc ca tập thể và mặc định quan niệm không được sáng tạo quốc ca, dù việc này nhiều nước vẫn làm. Nhạc sĩ Vũ Huyền Trung cho biết, tại Mỹ hát quốc ca không nhạc đệm trở thành truyền thống. Trong buổi xuất hiện của Tổng thống Mỹ hôm đó tại Hà Nội, quốc ca Hoa Kỳ cũng do một ca sĩ Mỹ gốc Việt hát không nhạc đệm. Phần biểu diễn của Mỹ Linh nếu có hạn chế thì chỉ là do Mỹ Linh lấy giọng hơi thấp khi bắt đầu hát, nhưng nói cả phần trình diễn là phá hoại quốc ca thì e hơi quá lời.

Chính vì việc hát quốc ca không nhạc đệm là truyền thống của Mỹ và quốc ca Mỹ cũng do một nữ ca sĩ thể hiện tại buổi nói chuyện của Tổng thống Obama, nên không có gì khó hiểu khi Mỹ Linh cho biết, việc lựa chọn cô hát cho sự kiện này là do Đại sứ quán Mỹ và đương nhiên, họ chọn lựa rất kỹ, như nhạc sĩ Huy Tuấn nói là phía Mỹ chọn ca sĩ hát quốc ca theo cách “sinh ra để làm việc này”.

Câu chuyện về việc hát quốc ca Việt Nam phá cách của Mỹ Linh vẫn xôn xao suốt những ngày qua đã không còn là chuyện nhỏ, mà đã trở thành một vấn đề chuyên môn lớn, khi nó không chỉ dừng lại ở một bài hát, một ca sĩ, mà còn là vấn đề sáng tạo, sự tiếp cận cái mới trong nghệ thuật, là việc khuyến khích hay không khuyến khích người nghệ sĩ bứt phá, cũng như sáng tạo thế nào là đủ vv…

Thế nhưng, thật lạ là mặc cho dư luận, báo chí và mạng xã hội ồn ào tranh luận, thậm chí có vẻ như bất phân thắng bại, khi đa phần công chúng không có kiến thức âm nhạc, còn ý kiến trong giới chuyên môn cũng trái chiều, thì vẫn không thấy Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT và Hội Nhạc sĩ Việt Nam phản ứng trước sự kiện này.

Mỗi năm, khi tổng kết, Ủy ban toàn quốc các Hội VHNT cũng như Hội Nhạc sĩ Việt Nam đều tự nhận hoạt động lý luận phê bình yếu kém, thế nhưng, khi đời sống nghệ thuật của xã hội có những sự kiện cần đến tiếng nói mang tính chuyên ngành sâu của các Hội, như vụ việc hát quốc ca của Mỹ Linh hiện nay, thì những người làm công tác lý luận phê bình lại thờ ơ, im lặng, như không phải việc của chuyên ngành mình.

Trước sự bàn tán của sư luận, ca sỹ Mỹ Linh chia sẻ trên tài khoản cá nhân: “Đã qua rồi thời của chiến tranh bom đạn nên tôi hát quốc ca với thông điệp của thời bình, với tinh thần hàn gắn và chia sẻ yêu thương chứ không hừng hực kháng chiến như ngày nào”.
Thanh Hằng
.
.
.