Những dấu hỏi về xác chiếc tàu chiến dưới sông Lô

Chủ Nhật, 23/04/2017, 07:07
Ngược lên Tuyên Quang để tìm lại dấu tích chiếc tàu chiến Pháp bị quân dân ta bắn chìm trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947, chúng tôi hết sức ngỡ ngàng khi biết vật chứng lịch sử này đã… biến mất.


Ngược dòng lịch sử, vào ngày 10-11-1947, tại khu vực Khe Lau (còn gọi là hòn Lau, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang); trung đội pháo binh của ta đánh chặn đoàn 5 chiếc tàu chiến Pháp đang từ Đầm Hồng, Bản Ty rút về. Khi pháo ta nổ, một trong những tàu chiến của địch bị trúng đạn bốc cháy ngùn ngụt rồi chìm.

Chiến thắng Khe Lau được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá là một trong mười chiến thắng lớn của quân dân ta trong chiến dịch Việt-Bắc Thu Đông năm 1947, góp phần làm phá sản âm mưu “đánh nhanh-thắng nhanh” của thực dân Pháp, bảo vệ an toàn các cơ quan đầu não kháng chiến.

Dong thuyền tới Khe Lau, nước mùa này thấp. Hai bên bờ sông in đậm dáng vẻ của sự đổi thay nhưng âm hưởng tiếng pháo hào hùng khi xưa vẫn như đang dội về trong mịt mùng khói lửa. Tới đoạn sông mà trước giờ mọi người nói là nơi “tàu ngự” chỉ thấy mênh mông mặt nước.

Con tàu chở hàng nằm trong khung sắt tại khu vực hồ của Công viên cây xanh thành phố Tuyên Quang.

Xuôi dòng Lô giang, ghé một vài thuyền chài để hỏi về con tàu; người thì chắc nịch rằng nhiều năm trước tàu nằm khu vực này, mùa cạn đi qua còn thấy phần ống khói tàu nhô lên trên mặt nước. Người thì lắc đầu nói đó chỉ là chuyện nghe kể lại vì chẳng ai biết cụ thể nó nằm ở đâu. Thuyền cập bờ, lớp sỏi lạo xạo dưới chân càng khiến sự thất vọng tăng lên.

Tình cờ trao đổi với chị Nguyễn Thị Sáng (xóm Hồng Thái, xã Thắng Quân), thì được nghe kể: “Tôi ở bên này con sông Lô, tàu chìm ở phần sông phía bên xã Phúc Ninh đối diện. Trở lại đây thì không thấy con tàu đâu nữa chứ về trước khi mùa nước cạn thì nhìn rõ lắm vì nửa thân tàu nổi cả lên”. Một người dân nhìn thấy vẻ mặt “ỉu xìu” của tôi thì lên tiếng: “Trước cũng thấy nói là có vài đơn vị tiến hành trục vớt tàu chiến ở đây, nếu cậu muốn tìm hiểu thì đi hỏi các cơ quan ấy, biết đâu lại ra”.

Tôi nhờ một vài sự giới thiệu thì được hay thông tin, vào năm 2010, với mục đích bảo tồn hiện vật lịch sử UBND tỉnh Tuyên Quang có ý kiến về việc trục vớt tàu Pháp chìm trên sông Lô thuộc khu vực Khe Lau, xã Phúc Ninh, huyện Yên Sơn.

Tuy nhiên, với lý do kinh phí lớn và chưa có địa điểm để trưng bày hiện vật nên tạm thời chưa tiến hành. Trước và trong thời gian đợi đáp ứng đủ các điều kiện để trục vớt đã có phản ánh về hiện tượng con tàu bị đánh cắp nhiều bộ phận nên UBND tỉnh Tuyên Quang đã giao cho các đơn vị chức năng, cơ quan liên quan có trách nhiệm bảo vệ xác tàu.

Tới cuối tháng 11-2010, các đơn vị chức năng địa phương sau khi kiểm tra thực tế xác nhận xác tàu nằm dưới lòng sông, trong khu vực hiểm trở; tình trạng cát sỏi vùi lấp hoàn toàn, không có dấu hiệu bị đào bới, tháo dỡ trái phép.

Đến ngày 19-9-2011, chủ trương đầu tư trục vớt xác tàu chiến của Pháp do quân và dân ta bắn chìm trên sông Lô, thuộc địa phận xã Phúc Ninh được UBND tỉnh Tuyên Quang phê duyệt; giao cho Sở Xây dựng làm chủ đầu tư. Nội dung của Quyết định là khảo sát thăm dò xác định vị trí, trục vớt, vận chuyển, tu bổ và phục chế tàu làm hiện vật lịch sử trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang.

Nhưng khi mọi thủ tục đã sẵn sàng thì con tàu mang nhiều ý nghĩa lịch sử đã…"không cánh mà bay". Sự thật như đùa này đã khiến nhiều người rất bất ngờ và một "chiến dịch" khi ấy với rất nhiều cuộc tìm kiếm diễn ra trên diện rộng toàn bộ khu vực Khe Lau. Tất cả những thứ tìm được chỉ là tấm chắn pháo, thùng phuy chứa dầu và một số viên đạn (những hiện vật này đang được giữ tại Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang).

Trao đổi qua điện thoại với Quyền Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang, ông Nguyễn Vũ Phan cho biết: “Để trả lời về vấn đề này cần thời gian để tổng hợp thông tin”.

Vậy thực sự có một chiếc tàu chiến cổ nằm tại Khe Lau hay không? Nếu có, thì tại sao lại biến mất ngay trước thời điểm trục vớt chứ không phải trong suốt nhiều năm dài đã qua; các đơn vị có trách nhiệm trông coi, bảo vệ đã ở đâu khi sự biến mất kỳ lạ này xảy ra. Nếu câu trả lời là không hề có con tàu nào thì những hoạt động liên quan đợt kiểm tra thực tế, các văn bản xác nhận, báo cáo và cả những hợp đồng trông coi chiếc tàu là thế nào?

Trong lúc cuộc dò tìm tung tích chiếc tàu đã nhắc ở phía trên chưa có kết quả thì một con tàu khác được phát hiện ra và đã tiến hành trục vớt. Về sau này là con tàu chở hàng của Pháp, được trục vớt thành công từ đầu năm 2014 và đưa về tạm lưu giữ tại khu vực hồ của Công viên cây xanh thành phố Tuyên quang (khuôn viên Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang). Trở về từ lòng sông nhưng đến hiện tại, số phận của con tàu này cũng không khá hơn khi vẫn phải chịu “ngược đãi” của sương gió.

Chiếc tàu phát hiện năm 2012, cách bờ sông Lô khoảng 15m, thuộc địa phận thôn Phúc Lộc, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang. Theo Hội đồng giám định cổ vật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), chiếc tàu cổ chìm trên sông Lô là tàu chở hàng chạy bằng hơi nước, có thể liên quan đến giai đoạn kháng chiến chống Pháp tại Tuyên Quang hoặc là tàu trong công cuộc khai thác thuộc địa bị đắm.

Tàu thuộc niên đại cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX; chiều dài 41m, rộng 8,8m, cao 2m. Hình dáng tàu còn khá nguyên vẹn không bị biến dạng, có thể phục chế làm hiện vật lịch sử. Cấu tạo bằng gỗ, các mép nối phía ngoài bọc và ghép bằng đồng. Thu được bên trong tàu là 477 hiện vật; đáng chú ý có những chiếc đèn dầu hỏa bằng đồng, đồng hồ nước bằng sắt…

Theo người dân quanh khu vực giữ chiếc tàu cho biết, sau khi chuyển về hồ cây xanh một thời gian, tàu bỗng biến mất. Sau mới hay là chiếc tàu này “đen đủi” bị…chìm lần 2 ngay tại địa điểm neo; nguyên nhân tại sao không ai biết.

Suốt quãng thời gian dài người ta cho nó “yên phận” dưới nước hồ. Bẵng đi cho tới khi địa phương tiến hành rút cạn nước để cải tạo hồ thì con tàu mới một lần nữa lộ ra. Đi xuống dưới hồ nước cạn tới đáy, phóng viên ghi nhận chiếc tàu đã… rụng rời nhiều bộ phận bên trong phần khung sắt hoen rỉ.

Chiếc tàu này được nhận định thuộc loại tàu rất hiếm ở Việt Nam và trên thế giới, có giá trị trong nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, giao thương. Mang ý nghĩa như vậy nên sau khoảng 2 tháng trục vớt, tàu được chuyển về hồ công viên cây xanh cạnh Bảo tàng tỉnh Tuyên Quang, giữ trong khung sắt, neo nổi tạm thời để chờ trưng bày và bảo quản lâu dài.

Kế hoạch là vậy nhưng trong thực tế con tàu vẫn “lặng im” ở đó năm này qua năm khác.

Theo lời Quyền Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, ông Phan cho biết, với chiếc tàu này hiện tại chỉ có phương án duy nhất là cho chìm dưới nước hồ như thời gian qua để bảo quản bởi vấn đề thiếu kinh phí.

Trung Hiếu
.
.
.