Nhiều thành tựu và không ít khó khăn trong thực hiện chủ trương xã hội hóa văn học, nghệ thuật

Thứ Năm, 20/12/2018, 10:34
Sáng 19-12, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) Trung ương (Hội đồng – PV) tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc với chủ đề: “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động VHNT ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”.

Chiều cùng ngày, Hội đồng cũng tổ chức Kỳ họp thứ 5 để tập trung thảo luận, đánh giá về kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm 2018, đồng thời cho ý kiến về các nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng dự kiến triển khai trong năm 2019.

Dự hội thảo có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các thành viên Hội đồng; nhiều nhà khoa học thuộc các lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật…

Một chủ trương lớn và đúng đắn của Đảng

Thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ của Đảng (Nghị quyết Trung ương 4, khóa VII về một số nhiệm vụ văn hóa văn nghệ những năm trước mắt, ngày 14-1-1993; Đại hội Đảng VIII tháng 9-1996, khi thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 1996 – 2000), Chính phủ đã ban hành 2 nghị quyết: Nghị quyết 90/NQ-CP ngày 21-8-1997 và Nghị quyết 05/2005/NQ-CP. Trong 2 Nghị quyết này, Chính phủ đã xác định mục đích yêu cầu, quan điểm chỉ đạo và các định hướng thực hiện và đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao.

Kỳ họp thứ 5 của Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đánh giá cao hiệu quả hoạt động trong năm 2018.

Trình bày Đề dẫn hội thảo, PGS. TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng khẳng định, sau 21 năm vận hành dưới tác động của chủ trương xã hội hóa, hoạt động VHNT đã có những thay đổi khá toàn diện từ phương thức tổ chức hoạt động đến đầu tư, sáng tạo, thẩm định, đánh giá, phát hành và quảng bá sản phẩm.

Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần được quan tâm giải quyết ở tất cả các khâu, các lĩnh vực, song không thể phủ nhận được rằng, quá trình xã hội hóa đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu như: kích thích tinh thần tự chủ, tiềm năng sáng tạo, huy động được các nguồn lực của toàn xã hội vào việc tạo ra các giá trị VHNT đáp ứng nhu cầu tinh thần - thẩm mỹ của nhân dân lao động và yêu cầu phát triển đất nước. So với các thời kỳ trước, có thể xem đây là thời kỳ phát triển mới của VHNT với rất nhiều mô hình, phương thức hoạt động đa dạng, gánh nặng Nhà nước được san sẻ, thu hút được mọi nguồn lực xã hội phát triển…

Không ít trăn trở

Hội thảo nhận được tổng cộng 70 tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý, các chuyên gia khoa học, nhà báo và văn nghệ sĩ từ các cơ quan, tỉnh, thành, các lĩnh vực văn học, nghệ thuật trong cả nước. Trong khuôn khổ thời gian có hạn, các đại biểu dự hội thảo tập trung đề xuất ý kiến về 3 vấn đề chính: Hiểu đúng việc xã hội hóa; phân tích thực tiễn, chỉ ra những thành công và hạn chế, tổng kết và đúc rút các bài học kinh nghiệm; đề xuất các kiến nghị, giải pháp tiếp tục hoàn thiện chủ trương, cơ chế chính sách xã hội hóa và dự báo xu hướng, vận động, phát triển VHNT trong thời kỳ tiếp theo.

Theo TS Ngô Phương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, chủ trương xã hội hóa lĩnh vực Điện ảnh trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

TS Ngô Phương Lan lấy ví dụ, bộ phim điện ảnh “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, một bộ phim nghệ thuật có tổng mức đầu tư 8,1 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước đầu tư 70% kinh phí, 30% còn lại huy động từ nguồn xã hội hóa. Sau một thời gian công chiếu, bộ phim đã được khán giả trong và ngoài nước đánh giá cao, doanh thu lên đến hơn 80 tỷ đồng. Điều đó cho thấy, nếu biết cách làm, các tác phẩm điện ảnh của Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể đồng thời mang lại hiệu quả cả về nghệ thuật lẫn kinh tế.

Phát biểu tại hội thảo, bên cạnh những ưu điểm của việc xã hội hóa trong lĩnh vực điện ảnh, đạo diễn gạo cội Đặng Nhật Minh cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế từ khi triển khai chủ trương này.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh cho biết, ông đã từng tham gia nhiều hội đồng thẩm định phim, ông nêu ý kiến không nên nhập nhiều bộ phim của nước ngoài không phù hợp, nhưng cuối cùng, những bộ phim ấy vẫn được cấp phép.

Những gì không cấm thì người ta vẫn hoàn toàn có quyền làm. Vì vậy, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ, ông thấy thương những người phải xem các bộ phim kém chất lượng, thiếu tính giáo dục, thậm chí là có hại như vậy. Ông cho rằng, những bộ phim mang tính bạo lực sẽ góp phần làm ảnh hưởng lớn đến xã hội, nhất là đối với cách hành xử của thế hệ trẻ trong cuộc sống thường ngày…

Khẳng định ủng hộ chủ trương xã hội hóa của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ, ngoài những mặt tích cực, việc xã hội hóa VHNT cũng tạo ra nhiều mặt hạn chế.

Ông lấy ví dụ, hiện nay, cả nước có hàng nghìn câu lạc bộ thơ, văn với hàng vạn hội viên. Tỉ lệ thuận với con số đó, số lượng các tác phẩm văn, thơ sáng tác và được in thành sách rất nhiều. Tuy nhiên, là người đã đọc rất nhiều trong số những sáng tác ấy, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định, gần như ông rất ít khi phát hiện ra một tác phẩm hay đúng nghĩa. Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, xã hội hóa, theo cách hiểu của ông, ít nhất trong lĩnh vực văn học, là mỗi tác phẩm được ra đời, phải đến được với đông đảo bạn đọc, được công chúng công nhận và tồn tại lâu dài với thời gian…

Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, dù quá trình xã hội hóa VHNT còn nhiều bất cập nhưng suy cho cùng, đó là một xu thế phát triển tất yếu. Phó Thủ tướng khẳng định, Nghị quyết về xã hội hóa hoạt động VHNT đã ra đời cách đây hơn 20 năm đến nay vẫn rất đúng và trúng, nhằm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân và tăng cường vai trò của các hội, đặc biệt là Hội VHNT.

Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, trong nhiều vấn đề còn tồn tại của xã hội hóa VHNT, bao trùm lên tất cả là nhận thức của các nhà quản lý, của những người làm công tác văn hóa còn chưa đúng, đã dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc. Do vậy, hội thảo lần này được tổ chức đã gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh hướng về các hoạt động VHNT được xã hội hóa. Thực trạng về suy thoái đạo đức, về các hiện tượng đáng báo động trong xã hội có một phần đóng góp từ việc buông lỏng quản lý văn hóa.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc xã hội hóa không phải là Nhà nước buông lơi về lãnh đạo và đầu tư mà là nhằm huy động nguồn vốn của xã hội, tăng mức hưởng thụ của người dân. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ông và các bộ phận chuyên môn sẽ lắng nghe, tiếp thu và chọn lọc các ý kiến tại hội thảo, từ đó sẽ kiến nghị với Chính phủ để Chính phủ tham mưu với Đảng, Nhà nước bổ sung vào các chủ trương, Nghị quyết trong vấn đề xã hội hóa VHNT, góp phần phát huy những ưu điểm và khắc phục những hạn chế trong quá trình thực hiện chủ trương cho phù hợp với thực tiễn hiện nay…

Hoạt động của Hội đồng trong năm 2018 đạt nhiều hiệu quả

Chiều cùng ngày 19-12, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Kỳ họp thứ 5. Trình bày báo cáo tổng kết, PGS. TS Phan Trọng Thưởng cho biết, năm 2018, trong điều kiện không nhiều thuận lợi về chủ quan cũng như khách quan, Hội đồng đã đoàn kết, nhất trí bám sát chức năng, nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành tốt nhiều mặt công tác.

Cụ thể, Hội đồng đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học toàn quốc về chủ đề “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động VHNT ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay” tại Hà Nội. Bên cạnh đó, nhân dịp kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương ở Việt Nam, Hội đồng đã phối hợp với Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918 – 2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” tại TP Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, Hội đồng đã tổ chức xét và trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận phê bình VHNT (xuất bản năm 2016 – 2017); tham gia và có những đóng góp thiết thực trong việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị khóa 10 về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới; tư vấn giúp Ban Bí thư, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông hướng xử lý một số nội dung, vụ việc nảy sinh trong đời sống VHNT được ghi nhận và đánh giá tốt…

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác trong năm 2019, Hội đồng sẽ tiếp tục bám sát, nắm bắt thực tiễn để kịp thời tư vấn cho Đảng, Nhà nước những vấn đề nổi bật trong lĩnh vực lý luận phê bình VHNT; xây dựng đề cương sơ bộ “Chương trình Tổng kết thực tiễn VHNT Việt Nam trong thời kỳ đổi mới và hội nhập; chương trình dịch thuật quốc gia”, báo cáo, xin ý kiến Ban Bí thư, đăng ký với Bộ Khoa học và Công nghệ để triển khai bắt đầu từ năm 2019; tiếp tục tiến hành nghiên cứu các đề án, đề tài khoa học đã đăng ký với Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; tổ chức xét và trao tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT, xuất bản năm 2018; tổ chức xét duyệt, ký hợp đồng hỗ trợ các tác phẩm lý luận phê bình VHNT triển khai trong năm 2019…

Vũ Cảnh
.
.
.