Bộ Tư pháp “tuýt còi” Thông tư 01 của Bộ VHTT&DL

Thứ Hai, 13/06/2016, 16:39
Cục KTVBQPPL của Bộ Tư pháp chính thức đề nghị Bộ VHTTDL tự kiểm tra, xử lý những nội dung không phù hợp để đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất, và thông báo kết quả xử lý cho Cục KTVBQPPL.


Trước những ý kiến trái chiều về nhiều nội dung trong Thông tư số 01/2016 của Bộ VHTTDL (gọi tắt là Thông tư 01) như cấm những người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu chụp ảnh nude, hay được cấp giấy phép biểu diễn mà không cần phải thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm, mà Báo CAND đã phản ánh, Cục Kiểm tra văn bản Qui phạm pháp luật (KTVBQPPL) của Bộ Tư pháp đã nhanh chóng vào cuộc, xem xét tính pháp lý của Thông tư này.

Ngày 13-6, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục KTVBQPPL cho biết, Cục KTVBQPPL đã chính thức có văn bản gửi Bộ VHTTDL, chỉ ra nhiều điểm thiếu tính pháp lý của Thông tư trên.

Một trong các qui định gây tranh cãi nhất trong Thông tư 01 là các hành vi người biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; người đạt danh hiệu tại cuộc thi người đẹp, người mẫu không được thực hiện. 

Việc này đã được Cục KTVBQPPL khẳng định: Đối chiếu với pháp luật hiện hành cho thấy, các hành vi không được thực hiện (bị cấm) quy định tại các điểm a, c khoản 1 Điều 3 Thông tư 01 không thuộc những hành vi bị cấm quy định tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP. 

Mặt khác, các hành vi bị cấm liên quan đến đưa thông tin, hình ảnh cá nhân lên các phương tiện truyền thông và ra xã hội đã được quy định trong Luật Công nghệ thông tin (2006), Bộ luật Hình sự (1999)… 

Trong đó, việc xác định các hành vi bị cấm này đều gắn với xem xét mục đích và hậu quả của hành vi.

Một số qui định về biểu diễn nghệ thuật của Thông tư 01 bị Bộ Tư pháp yêu cầu sửa vì thiếu tính pháp lý

Ngoài ra, theo Hiến pháp 2013, quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Vì vậy, quy định các hành vi bị cấm tại Thông tư 01 là không phù hợp.

Về Mẫu số 14 mà Bộ VHTTDL ban hành kèm theo Thông tư 01 để xin cấp Giấy phép biểu diễn có tiêu đề là “Đơn cam kết” với nội dung thể hiện việc tổ chức đề nghị cấp giấy phép cam kết “chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thanh toán nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm trong hoạt động nghệ thuật biểu diễn”. 

Theo Bộ Tư pháp, nội dung này không thể hiện là cam kết của tổ chức đề nghị cấp giấy phép với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả. 

Tuy nhiên, theo quy định của Nghị định số 79/2012/NĐ-CP thì hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phải có: “1 văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả hoặc bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả”. 

Do đó, nội dung “Văn bản cam kết”, “Bản sao hợp đồng”, “Văn bản thỏa thuận” trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép phải được thể hiện là cam kết, hợp đồng, thỏa thuận giữa tổ chức đề nghị cấp giấy phép với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.  

Vì vậy, quy định tại Mẫu số 14 nêu trên là không phù hợp, không thống nhất với Nghị định số 79/2012/NĐ-CP. Ngoài ra, quy định tại Mẫu số 14 nêu trên cũng chưa phù hợp với tinh thần quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi năm 2009).

Thực tiễn, có trường hợp không xác định được tác giả, tác giả chết mà không có người  thừa kế, tác giả không sinh sống ở Việt Nam… dẫn đến tổ chức đề nghị cấp giấy phép gặp khó khăn, không thể cam kết, thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả khi xin cấp Giấy phép.

Với các căn cứ trên, Cục KTVBQPPL cho rằng, Bộ VHTTDL cần nghiên cứu, đề xuất Chính phủ quy định cụ thể về các trường hợp này cho phù hợp.

Mẫu số 14 có tên là “Văn bản cam kết thực thi đầy đủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả”, nhưng nội dung chỉ thể hiện cam kết về thanh toán nhuận bút, thù lao sử dụng tác phẩm là chưa phù hợp (thu hẹp nội dung cam kết) với Nghị định số 79/2012/NĐ-CP.  

Ngoài ra, Mẫu số 14 còn có một số lỗi kỹ thuật như: sử dụng tiêu đề “Đơn cam kết” không phù hợp với tên của Mẫu số 14 là “Văn bản cam kết”; phần “Nơi nhận” ghi “Như trên” nhưng phần trên không có chủ thể, địa chỉ nhận đơn…

Không chỉ thế, Cục KTVBQPPL còn chỉ ra nhiều nội dung không phù hợp trong Thông tư 01 của Bộ VHTTDL: Theo quy định về Thông báo nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu qui định, thì trước khi tổ chức biểu diễn, đối tượng tổ chức biểu diễn phải gửi Hồ sơ thông báo và phải có ý kiến trả lời của Sở VHTT hoặc Sở VH&TT. 

Nhưng theo Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp, người mẫu có trách nhiệm: “Thông báo bằng văn bản về nội dung chương trình biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu đến Sở VHTT hoặc Sở VH&TT nơi tổ chức biểu diễn trong thời hạn ít nhất 5 ngày làm việc trước ngày tổ chức”. 

Vì vậy, quy định về Hồ sơ thông báo nội dung chương trình biểu diễn tại Thông tư trên không phù hợp với Nghị định 79/2012/NĐ-CP.

Về quy định các trường hợp thu hồi giấy phép tại Thông tư số 01, ông Đồng Ngọc Ba cho biết: Đối chiếu với Nghị định 79/2012/NĐ-CP thì Thông tư 01 của Bộ VHTTDL đã quy định thêm trường hợp thu hồi giấy phép với giấy phép cấp không đúng thẩm quyền. 

Mặt khác, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP không có quy định giao Bộ trưởng Bộ VHTTDL quy định các trường hợp thu hồi giấy phép, mà chỉ giao quy định trình tự, thủ tục thu hồi giấy phép. Vì vậy, quy định về trường hợp thu hồi giấy phép là không phù hợp cả về thẩm quyền và nội dung.

Thông tư 01 quy định “nội dung, hình thức đề án tổ chức thi người đẹp, người mẫu”, nhưng theo Bộ Tư pháp, không có quy định nào giao Bộ VHTTDL quy định chi tiết nội dung, hình thức đề án tổ chức thi người đẹp, người mẫu. Vì vậy, quy định này cũng thiếu căn cứ pháp lý về thẩm quyền.

Bộ VHTTDL quy định quyền và nghĩa vụ của thí sinh dự thi và thí sinh đạt giải tại Thông tư 01: “Trong thời gian tối đa 24 tháng, kể từ ngày đạt giải nhất trong cuộc thi người đẹp, người mẫu, phải thực hiện các hoạt động xã hội, từ thiện theo kế hoạch của BTC cuộc thi đã được cơ quan cấp phép phê duyệt”. 

Một số qui định về cấp giấy phép biểu diễn cũng bị yêu cầu sửa chữa

Nhưng đối chiếu với Nghị định số 79/2012/NĐ-CP thì quy định trên là không phù hợp về thẩm quyền và nội dung, cũng như quy định thêm trường hợp không được cấp giấy phép tổ chức thi người đẹp, người mẫu là không có căn cứ pháp lý.

Với hàng loạt điều đã được chỉ ra trong Thông tư 01, Cục KTVBQPPL của Bộ Tư pháp chính thức đề nghị Bộ VHTTDL tự kiểm tra, xử lý những nội dung không phù hợp để đảm bảo tính hợp pháp, tính thống nhất, và thông báo kết quả xử lý cho Cục KTVBQPPL.

Thanh Hằng
.
.
.