Những di tích mòn mỏi chờ... sập ở Hà Nội

Thứ Năm, 28/09/2017, 08:13
Riêng trong năm 2016, TP Hà Nội hỗ trợ mỗi quận, huyện 4,5 tỉ đồng (có 3 huyện được hỗ trợ 5,5 tỷ đồng) để chống xuống cấp các di tích. Tuy nhiên, có di tích cấp quốc gia đã bị đổ sập một phần nhưng vẫn không được nằm trong danh sách được trợ cấp.

Mòn mỏi chờ… sập

Được khởi dựng từ thời Lý, đến năm 1997, đình Thần Quy ở xã Minh Tân, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) đã chính thức được xếp hạng Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.

Tuy nhiên, trong cơn bão số 7 từ năm 2012, mái ngói chính giữa gian thờ của đình Thần Quy đã bị sập xuống. Sau đó, xã Minh Tân đã hỗ trợ tiền lợp tạm mái tôn chống dột. Nhưng rồi, lần lượt mái ngói ở vị trí phía Bắc, phía Nam ngôi đình cũng dần dần đổ sụp.

Từ đó đến nay, ngôi đình ngày càng xuống cấp nghiêm trọng hơn. Các bộ phận kèo, cột, xà… bị mối mọt đục ruỗng, mái ngói sạt lở và đổ sập từng mảng lớn. Vì lý do an toàn, từ nhiều năm nay, đình Thần Quy buộc phải cửa đóng then cài, mọi hoạt động lễ bái, tâm linh của người dân ở đây vì thế cũng bị ngưng trệ. Từ 2006 đến nay, ngày 8-8 âm lịch và 10-11 âm lịch hằng năm, người dân sở tại không tổ chức hội làng và giỗ Thánh tại đình vì lý do không đảm bảo an toàn.

Đình Thần Quy hiện đang chờ tu bổ.

Được biết, trong ngân sách TP Hà Nội chi cho mỗi quận, huyện kinh phí để chống xuống cấp các di tích năm 2016, tuy bị xuống cấp nghiêm trọng như vậy nhưng không hiểu sao đình Thần Quy không nằm trong đề xuất ban đầu 11 di tích của huyện Phú Xuyên được nhận số tiền chống xuống cấp của thành phố. Tuy nhiên, sau khi nhiều tờ báo vào cuộc phản ánh thực trạng trên, cuối cùng, đình Thần Quy cũng đã được bổ sung vào danh sách được nhận nguồn tu bổ này.

Mới đây, Sở Văn hóa và Thể thao (VH&TT) Hà Nội đã có công văn gửi UBND huyện Phú Xuyên và Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong đó khẳng định đình Thần Quy xuống cấp nặng ở hầu hết các bộ phận.

Trong công văn Sở VH&TT cũng đề nghị huyện Phú Xuyên chỉ đạo các phòng chức năng khẩn trương thực hiện tu bổ cấp thiết chống đỡ, chống sập cho di tích từ nguồn kinh phí do UBND huyện cấp năm 2016; tổ chức di chuyển hiện vật tới vị trí an toàn… Đồng thời, hướng dẫn huyện Phú Xuyên, xã Minh Tân các bước thực hiện dự án tu bổ.

Trước đó, người dân thôn Cổ Chế, xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cũng luôn thấp thỏm lo sợ ngôi đình hơn 300 năm tuổi, vốn là niềm tự hào của làng có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Đình Cổ Chế được xếp hạng Di tích cấp quốc gia từ năm 2015.

Hiện trong đình Cổ Chế còn lưu được 5 mảng chạm khắc mang phong cách của nghệ thuật điêu khắc đình làng tinh xảo thế kỷ XVII. Nhiều nhà chuyên môn khẳng định, những chạm khắc này có thể sánh ngang với những chạm khắc trang trí ở các đình khác cùng niên đại như đình Chu Quyến, Liên Hiệp, Hương Canh, Phù Lão…

Tuy nhiên, những năm gần đây, toàn bộ hệ thống cột trụ, kèo nối bị mối mọt, mục rỗng gần hết. Cả gian ngoài xuống cấp, xập xệ được chằng kéo bởi hệ thống cây chống đỡ, dây buộc tạm. Sau đó, dưới sự phản ánh của các cơ quan báo chí, thành phố Hà Nội đã vào cuộc chỉ đạo.

Trong đó, Sở VH&TT đề xuất thống nhất việc lập dự án tu bổ di tích đình làng Cổ Chế, xã Phúc Tiến theo quy định. Cùng với đó, UBND huyện Phú Xuyên có trách nhiệm cân đối, xác định nguồn kinh phí theo quy định (từ nguồn ngân sách và nguồn thu của di tích…) để thực hiện việc lập và triển khai thực hiện dự án tu bổ, tôn tạo di tích.

Kinh phí cho tu bổ di tích – bài toán khó

Trao đổi với phóng viên Báo CAND, ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội cho biết, theo kết quả tổng kiểm kê năm 2016, TP Hà Nội hiện có 5.922 di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, bao gồm các loại hình: đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, nhà thờ, thành cổ, khảo cổ, quần thể danh thắng…

Đến năm 2016, toàn thành phố có 2.461 di tích đã xếp hạng trên tổng số 5922 di tích, chiếm 41,55%, trong đó có một di sản thế giới; 12 di tích quốc gia đặc biệt; 1.185 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 1.264 di tích cấp thành phố; 44 di tích cách mạng kháng chiến (đã xếp hạng) và 3.461 di tích chưa xếp hạng.

Ông Trương Minh Tiến chia sẻ, hầu hết di tích do được xây dựng lâu đời, mặc dù bộ khung gỗ lim rất chắc chắn, bền vững nhưng tuổi thọ hạn chế nên thường bị tiêu tâm, xuống cấp cùng những nguyên nhân xâm hại khác như mưa lớn, nắng gắt hay mối mọt xâm thực.

Việc đô thị hóa tự phát trong những năm gần đây tại nhiều địa phương cũng gây ngập úng nhiều di tích mỗi khi trời mưa… Những nguyên nhân này đang làm giảm tuổi thọ của di tích.

Ông Trương Minh Tiến thừa nhận, hiện tại, số lượng di tích xuống cấp, hư hại là khá lớn. Một số di tích đã xuống cấp nặng, có nguy cơ sập đổ nhưng địa phương chưa cân đối được nguồn lực để đầu tư chống xuống cấp kịp thời (đình Cổ Chế, đình Thần Quy huyện Phú Xuyên).

Do vậy, trên địa bàn thành phố hằng năm đã phải đầu tư nhiều kinh phí ngân sách, huy động sự đóng góp của nhân dân (xã hội hóa) để tu bổ nhưng vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

“Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo quản, tu bổ di tích còn rất hạn hẹp là khó khăn lớn nhất. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa chủ động nguồn lực để đầu tư tu bổ, còn ỷ lại vào nguồn lực của cấp trên; nhận thức của một số bộ phận dân cư, địa phương về công tác tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích còn hạn chế, lệch lạc, chỉ muốn xây dựng di tích “khang trang, to đẹp” mà không có ý thức bảo tồn các giá trị di sản, truyền thống của di tích (nhất là đối với các di tích chùa chưa xếp hạng)” – ông Trương Minh Tiến chia sẻ.

Về phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Trương Minh Tiến cho biết: “Chúng tôi cũng sẽ chủ động phối hợp các ngành, cấp lập kế hoạch đầu tư kinh phí tu bổ; rà soát năng lực để lựa chọn đơn vị chủ đầu tư, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đủ năng lực, kinh nghiệm và kỹ thuật thực hiện bảo quản, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích; tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về công tác quản lý, tu bổ và phát huy giá trị di tích…”.

Vũ Cảnh
.
.
.