Nhiều bất cập sau 7 năm thực hiện Luật Xuất bản

Thứ Năm, 26/11/2020, 10:25
Luật Xuất bản (LXB) năm 2012 đã góp phần thúc đẩy hoạt động xuất bản (XB), in và phát hành. Tuy nhiên, sau 7 năm thực hiện, nhiều vấn đề bất cập đã nảy sinh, đòi hỏi phải có đánh giá khách quan, toàn diện về việc thực hiện LXB.


Đó là khẳng định của hầu hết người làm công tác quản lý hoặc trực tiếp tham gia hoạt động XB, in và phát hành tại hội nghị toàn quốc sơ kết 7 năm thực hiện LXB do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội ngày 25/11.

Theo PGS.TS Nguyễn An Tiêm, Phó Chủ tịch Hội XB Việt Nam, Điều 7 LXB đã quy định rất rõ về các chính sách cụ thể, ưu đãi cho từng lĩnh vực XB, in và phát hành nhưng nhiều chính sách chưa thể triển khai hoặc triển khai rất hạn chế, thiếu toàn diện. 

Một trong những chính sách được Hội XB Việt Nam hết sức quan tâm và đã kiến nghị nhiều cấp để có thể triển khai trong thực tế là việc xây dựng quỹ hỗ trợ XB tạo nguồn bản thảo được quy định cụ thể tại Điểm C, Khoản 2, Điều 7 LXB, nhưng đến nay hầu như chưa có một bước tiến nào trong thực tiễn. 

Quy định điều kiện các chức danh Tổng giám đốc, Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) trong suốt quá trình hoạt động là cần thiết. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp vì lý do đột ngột, bất khả kháng bị thiếu các chức danh này nhưng lại chưa có quy định cụ thể cho việc chuyển tiếp phù hợp cho đối tượng người đứng đầu. 

LXB chưa có quy định đối với các trường hợp sáp nhập, phá sản, giải thể NXB, chưa có quy định trách nhiệm của cơ quan chủ quản về hỗ trợ việc làm, giao nhiệm vụ, đặt hàng cho NXB nhằm tránh trường hợp các bộ, ngành, cơ quan chủ quản đưa công việc XB ra ngoài ngành, không phù hợp với tôn chỉ, mục đích của NXB, nhất là các NXB chuyên ngành...

Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Văn học cũng chỉ ra rằng: Theo quy định của LXB, các NXB được tổ chức và hoạt động theo hai loại hình: Đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp kinh doanh có điều kiện do Nhà nước là chủ sở hữu. Ngay trong nội tại mô hình tổ chức và hoạt động của các NXB hiện nay đang tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng. 

Các NXB tự hạch toán, tự chủ về tài chính trong hoạt động lại phải cạnh tranh với các sản phẩm của các NXB được hỗ trợ chi phí, chưa tạo điều kiện thuận lợi để một số NXB phát huy hết nội lực của mình. Việc hỗ trợ nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động cho các NXB khối doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ XB theo tôn chỉ, mục đích của đơn vị theo quy định của LXB đến nay vẫn chưa thực hiện được. 

Mô hình doanh nghiệp đang là mô hình thích hợp nhất để ngành XB có thể phát triển nhưng cần phải có những cơ chế, chính sách đặc thù đối với loại hình doanh nghiệp - NXB với tư cách là những đơn vị hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng.

Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ông Nguyễn Nguyên cũng thừa nhận, LXB năm 2012 đang có nhiều quy định còn bất cập trong giải thích từ ngữ, chính sách của Nhà nước đối với hoạt động XB, về thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động NXB, về liên kết XB, đăng ký và xác nhận đăng ký XB, cấp giấy phép XB tài liệu không kinh doanh, nộp XB phẩm lưu chiểu, điều kiện cấp giấy phép hoạt động in XB phẩm, hoạt động phát hành của các NXB, XB, phát hành XB phẩm điện tử.

Ghi nhận ý kiến của các đại biểu, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết, Bộ sẽ có đánh giá, tổng kết cụ thể về những bất cập còn tồn tại để trình Chính phủ, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của LXB phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu hướng phát triển của ngành XB trong tương lai. 

Bộ cũng sẽ  kiến nghị với các cấp có thẩm quyền, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản nhà xuất bản thực hiện đầy đủ các cơ chế chính sách đã có nhằm tạo điều kiện tối ưu cho ngành xuất bản phát triển bền vững trong thời gian tới.

Ngọc Nguyễn
.
.
.