“Người tình báo thầm lặng” - một mảnh ghép lịch sử

Thứ Bảy, 01/10/2016, 09:22
Ngày 30-9, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi giao lưu, giới thiệu truyện ký “Người tình báo thầm lặng” (NXB Hội Nhà văn và FAHASA phát hành) của tác giả Tống Quang Anh. Cuốn sách khắc họa cuộc đời, chiến công cũng như những hy sinh lặng thầm của nhà tình báo Tống Văn Trinh (tức điệp viên N113) – thân sinh tác giả Tống Quang Anh.

Dựa vào hồi ký mà cha mình để lại trước khi mất, những câu chuyện của đồng đội từng vào sinh ra tử…, tác giả đã khắc họa nên cuộc đời phi thường của người chiến sĩ tình báo thời hoa lửa. Khi đất nước bị chia cắt, chiến sĩ quân báo Tống Văn Trinh của tỉnh Sóc Trăng tập kết ra Bắc, sau đó gia nhập Cục 2 và trở thành nhà tình báo chiến lược với mật danh N113 hoạt động tại Lào.

Dưới vỏ bọc là nhân viên Sở Công chánh Viêng Chăn, ông có nhiều đóng góp quan trọng trong việc phát hiện âm mưu và đập tan Chiến dịch Lam Sơn 719 (tức Chiến dịch đường 9 – Nam Lào) cũng như Chiến dịch cánh đồng Chum của Mỹ - Việt Nam Cộng hòa đánh vào Pathet Lào.

Chiến tranh kết thúc, về nước, ông được giao các chức vụ quan trọng trong Sở Tư pháp tỉnh Hậu Giang. Năm tháng hòa bình, ông vẫn không quên ân tình của đồng đội và những người đùm bọc, cưu mang mình thời chinh chiến. Ông nuôi dạy con của đồng đội hy sinh, thường xuyên viết thư thăm hỏi tri ân những người dân Lào đã giúp đỡ, tạo điều kiện cho ông hoàn thành nhiệm vụ…

Tác giả Tống Quang Anh viết cuốn sách này như một nghĩa cử báo hiếu cha mẹ, thay cha đền ơn đáp nghĩa cho đồng đội quân báo miền Tây cũng như bè bạn, nhân dân hai nước Việt – Lào đã giúp đỡ cha ông hoàn thành nhiệm vụ trong suốt hai cuộc kháng chiến.

Tác giả Tống Quang Anh tại buổi ra mắt sách.

Nhà văn Kao Sơn cho rằng 21 chương của cuốn sách đã chạm đến cảm xúc của người đọc bởi những câu chuyện rất thật, rất đời và đậm chất nhân văn. “Vượt lên khỏi một cuốn truyện bình thường, phần nào cuốn sách đã đạt tới tầm vóc của một biên niên sử về hoạt động kháng chiến nói chung cũng như riêng hoạt động tình báo ở miền Tây - một vùng đất vốn được coi là cái nôi của kháng chiến chống Mỹ miền Nam”. 

 Do đó, bằng giọng văn giản dị, gần gũi, cuốn sách không chỉ dựng nên chân dung nhà tình báo Tống Văn Trinh mà còn vinh danh những con người đã đóng góp, hy sinh xương máu cho hai cuộc kháng chiến của dân tộc, để họ không bị phủ mờ trong cát bụi thời gian.

“Lịch sử Việt Nam trong hai cuộc chiến chống Pháp và Mỹ có rất nhiều sự kiện phức tạp. Chính vì vậy mà các nhà làm sử không thể ghi chép đầy đủ được. Tôi nghĩ nếu ai có khả năng thì ráng giúp cho “mảnh áo lịch sử” giảm bớt những lỗ thủng khách quan” – tác giả Tống Quang Anh tâm sự.

Quỳnh Nga
.
.
.