Nghệ sĩ – Tết và áo dài

Chủ Nhật, 29/01/2017, 08:52
Đường làng mùa lễ hội, treo nhiều cờ ngũ sắc, cờ hội dân gian, rồi lại bắt gặp những liền chị quan họ trong chiếc yếm thắm, chiếc áo tứ thân màu sắc rất rực rỡ, nhà thiết kế áo dài Đức Hùng nảy ra ý tưởng làm một bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ không khí lễ hội mùa xuân.

Tết là thời điểm kết thúc một năm cũ và bắt đầu một năm mới, là mốc thời gian rất quan trọng của một năm. Và khi những cơn gió xuân dập dìu tràn về cũng là thời điểm rất phù hợp với những chiếc áo dài đua nhau xuống phố. Áo dài màu hoa đào thắm, hồng điều hoa lan vàng hay mai trắng, hay đỏ ấm áp tất cả đều rất hợp với “màu Tết”. Tất cả mang lại một không khí chộn rộn, náo nức, hòa vào xuân cùng với đất trời.

Nhà thiết kế áo dài Đức Hùng thường lấy cảm hứng từ văn hóa dân gian để sáng tạo nên những hoa văn, họa tiết áo dài. Nhiều bộ sưu tập áo dài của anh, những hoa văn có khi là cả một câu chuyện. Lấy chất liệu từ văn hóa dân gian, Đức Hùng đã “thổi hồn” dân tộc vào những tà áo dài. Có những bộ sưu tập anh lấy cảm hứng từ những áo tứ thân, bộ áo mớ ba mớ bảy, màu sắc của những sợi yếm thắm và dải lụa đào. Đức Hùng kể, mùa xuân anh về hội Lim nghe hát quan họ. 

Gia đình Thúy Hạnh - Minh Khang diện áo dài đi chơi Tết.

Giữa không khí xuân rực rỡ, mọi vật như bừng sáng. Đi trên những con đường làng mùa lễ hội, thấy treo nhiều cờ ngũ sắc, cờ hội dân gian, rồi lại bắt gặp những liền chị quan họ trong chiếc yếm thắm, chiếc áo tứ thân màu sắc rất rực rỡ. Từ đó anh nảy ra ý tưởng làm một bộ sưu tập áo dài lấy cảm hứng từ không khí lễ hội mùa xuân.

Đức Hùng tâm sự, anh may mắn được sống một tuổi thơ gắn liền với Hà Nội cổ xưa, một Hà Nội thời bao cấp, một Hà Nội vô vàn kỷ niệm… “Tôi nhớ như in hình ảnh giao thừa, bố mẹ cho đi lễ, đi bộ từ Bờ Hồ, qua Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân… Dọc những con đường ấy là xác pháo hồng ngập lòng đường, xung quanh là hàng mã được hóa”… 

Tất cả hình ảnh đó luôn tràn ngập trong trí nhớ, trở thành màu sắc, chất liệu để anh đưa vào sáng tạo nghệ thuật. Đó là lý do vì sao đến bây giờ, anh vẫn thích màu của hoa đào, màu vàng của mai, màu của Tết và màu của lễ hội… 

Gia đình nghệ sĩ Bình Minh - Anh Thơ tạo dáng với áo dài.

Anh cười: “Tất cả những màu sắc sặc sỡ, đậm đà đó, các cụ nhà ta đã “xài” lâu rồi. Cứ tưởng tượng, chiếc yếm quan họ, chiếc khăn vấn đội đầu, hay tất cả trang phục của các loại hình nghệ thuật truyền thống đều có màu sắc rất sặc sỡ… Đâu có phải bây giờ mới có”.

Cựu người mẫu Thúy Hạnh, người đang sở hữu một gia đình ấm cúng, hạnh phúc với hai cô con gái đáng yêu, xinh xắn, chia sẻ: Thúy Hạnh cũng sinh ra ở Hà Nội, tuổi thơ được hưởng một không khí Tết ấm áp, đậm đà, được hưởng những cái lạnh tận cùng của sự rét mướt… 

Những cái Tết đã qua chưa thể phai mờ trong ký ức. Giờ đây, sống cùng gia đình nhỏ ở phương Nam, nơi có tiết xuân ấm áp, nhưng không khí rạo rực của mùa xuân thì vẫn không thay đổi, bất kể Bắc hay Nam.

Thúy Hạnh có 2 cô con gái đang ở tuổi ngây thơ đáng yêu. Dịp Tết, Hạnh cho con diện áo dài, cô muốn con cảm nhận được vẻ đẹp của tà áo dài truyền thống. Cô cũng muốn cả nhà mặc áo dài, chụp những tấm ảnh gia đình đi chúc Tết, để lưu lại khoảnh khắc ấy. 

Còn chồng cô, nhạc sĩ Minh Khang thì có vẻ ngượng ngùng, vì dáng người hơi… mũm mĩm của anh. Nhưng vì hai cô con đáng yêu, ông bố của Suti trong “Bố ơi mình đi đâu thế” - nhạc sĩ Minh Khang, đã có những bức ảnh mặc áo dài rất đẹp, rất không khí Xuân cùng với người vợ đẹp và hai cô con gái đáng yêu.

Với người mẫu Thúy Hạnh, Tết là những khoảnh khắc ngọt ngào được sum họp bên gia đình. Dù rất bận bịu nhất là dịp cuối năm với các chương trình dày đặc, nhưng kỷ niệm thuở ấu thơ sống bên gia đình ngoài Bắc, cùng cô em sinh đôi - cựu người mẫu Thúy Hằng. 

Giờ đây, xa Hà Nội 10 năm, mỗi dịp Tết đến, Hạnh nói thường nhớ Hà Nội da diết. Tết đến phải tham gia nhiều chương trình nhưng năm nào cũng muốn được ăn Tết cùng bố mẹ, và thường đưa hai con về thăm ông bà ngoại, giúp con không quên nguồn gốc, và cũng là để hai con được bồi đắp tình cảm, sự gắn bó, yêu thương với mọi người.

Một cái Tết nữa lại sắp đến, vẫn sắc đào, vẫn sắc hoa mai, vẫn bánh chưng xanh, câu đối đỏ, tưởng chừng như bao năm vẫn thế. Bên cạnh đó là những tà áo dài góp phần tôn vinh cái Tết Việt và người Việt. 

Ngô Chuyên
.
.
.