Trò chuyện Chủ nhật

Lễ hội luôn vận động, không có “nguyên mẫu”, không có “bản gốc”

Chủ Nhật, 21/02/2016, 08:47
Đầu xuân dư luận lại ồn ào về những hình ảnh đám đông giẫm đạp lên nhau cướp phết, bàn chuyện chém lợn ở Ném Thượng hay nghi lễ đâm trâu (còn gọi là hiến tế) ở Tây Nguyên… Lễ hội phản ánh đời sống tinh thần của người Việt, là sự tiếp nối truyền thống dân gian, cầu nối giữa hiện đại và quá khứ đang biến tấu như thế nào? Thực trạng của lễ hội với hai mặt sáng tối được phản ánh ra sao?


Trò chuyện chủ nhật tuần này xin phản ánh góc nhìn của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.

Phóng viên: Tháng Giêng ta lại bàn đến câu chuyện lễ hội. Nói đến lễ hội giờ người ta hay nhắc đến những mặt tiêu cực, từ chuyện thương mại hóa lễ hội đến những thứ phản cảm diễn ra trong lễ hội. Thưa nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ, ý nghĩa tích cực của lễ hội có vẻ như đang bị lu mờ?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Nói vậy chưa đúng. Ai cũng nhìn thấy mặt sáng của lễ hội đấy chứ! Qua một thời chiến tranh vì độc lập dân tộc vô cùng ác liệt, các lễ hội, cũng như nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền khác phải tạm dừng để lo cho nhiệm vụ cấp thiết hơn, đó là sự tồn vong của đất nước. Hòa bình và thống nhất đã trở lại, trong cuộc sống thời bình, lễ hội được phục hồi rộng khắp. Trước hết, nó là biểu hiện của một cuộc sống thanh bình (như Syria bây giờ muốn hội cũng khó), nó phục vụ nhu cầu văn hóa của đại đa số nhân dân. Người dân tự khẳng định mình, khẳng định cộng đồng làng xã mình trong lễ hội. Cuộc sống lo toan tất bật có những ngày hân hoan vui vẻ, có những ngày hội tụ, đón bạn bè khách khứa. Có lễ hội làm gia tăng kinh tế du lịch cho địa phương, cho di tích để tu bổ chùa chiền đền miếu, phục dựng văn hóa tinh thần truyền thống…Đúng là nhiều mặt sáng và rất sáng.

Phóng viên: Tuy nhiên, mặt tối của lễ hội cũng nảy sinh rất nhiều?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Cái này thì đúng. Mảng tối nhất là mê tín. Một dân tộc mê tín thì khó lòng bằng vai các dân tộc khác được. Mảng thứ hai là mất an toàn, trật tự xã hội vì người tham gia đông, tình trạng bạo lực nóng lên, những điều mà những người tổ chức không lường trước được. Mảng thứ ba là nạn rượu chè cờ bạc trong ngày hội, từ rượu chè cờ bạc mà mất kiểm soát hành vi, gây nên những hậu quả đáng tiếc. Mảng thứ tư là nạn chặt chém kinh tế của những dịch vụ bên lề, nó làm xấu đi nhân phẩm người Việt.

Phóng viên: Có vẻ như người dân ngày càng mê tín, lạm dụng tín ngưỡng làm thương mại hóa lễ hội. Ví dụ chuyện vay tiền thái quá ở Bà Chúa Kho, chuyện đốt vàng mã vô tội vạ…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Tất cả các hiện tượng trên có thể nhìn nhận từ những cái cụ thể. Vay tiền thái quá ở đền Bà Chúa Kho là mê tín. Đốt vàng mã vô tội vạ là thiếu văn minh. Về việc này nên sửa sai càng sớm càng tốt.

Lạm dụng tín ngưỡng đến mê tín ở nhiều lễ hội.

Phóng viên: Vậy còn cách nhìn về vấn đề “quan họ ngả nón xin tiền” năm nào cũng được báo chí nhắc tới, ông thấy sao?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ:  Cụm từ “Quan họ xin tiền” là do phóng viên đưa ra từ góc nhìn định kiến. Còn “ngả nón nhận tiền” thì làm gì có tội?. Người từ tâm, thấy các anh các chị hát hay phục vụ mình thì biếu tặng dăm mười nghìn chả nhẽ quay đi. Đó là văn hóa từ thiện ngàn đời và khắp thế giới. Nhiều người không hiểu vì hơn nửa thế kỉ qua, văn hóa từ thiện xuống cấp, nên thấy nó không như mình nghĩ mà coi đó là xấu. Các liền anh liền chị đam mê, bỏ công của thời gian lưu giữ, truyền bá, phát huy cái đẹp. Người thưởng thức có lòng, với tay thưởng một ít mà xấu xa ư? Lạ thật. Tiền đó có riêng cho họ đâu, họ góp vào lễ hội, họ giữ một ít coi như niềm tự hào được người nghe tán thưởng. Định kiến đó là không đúng đâu.

Phóng viên: Vấn đề là dư luận phản ứng với cách đưa tiền và nhận tiền thôi ạ. Trở lại việc tổ chức lễ hội, thưa ông, nhìn vào nhiều lễ hội hiện nay, có ý kiến cho rằng phần lễ đang lấn át phần hội, ông thấy thế nào?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Không hẳn như vậy. Phải có một điều tra cơ bản mới nói được nó như thế nào. Thực ra, phần lễ thì các lễ hội thường có những Hội lệ qui định. Còn nếu nói “Lễ” trong ngoặc kép thì đó chính là phần mê tín cầu tài lộc như là đút lót hoặc hối lộ thánh thần hoặc phần kêu gọi đóng góp thái quá, không mang tính tự nguyện. Vì thế nên người ta nói lễ nhiều hơn hội chăng? Vấn đề này thì cũng tùy từng hội mà đánh giá.

Phóng viên: Ông thấy người dân tham gia các lễ hội với thái độ ra sao?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Nhiều hành vi thiếu văn minh và vi phạm những quy định chung, thậm chí vi phạm pháp luật. Điều đó là có thật. Ý thức của người tham gia lễ hội cần được nâng cao hơn nữa. Nâng cao ý thức là nâng cao nhân phẩm của người Việt. Hơn năm ngàn người nhập viện vì đánh nhau (trong dịp Tết vừa qua - pv), xâm phạm thân thể và sinh tồn người khác là có vấn đề…Nhiều chuyện đau lòng khác mà so với các nước văn minh cao thì nó đau lòng lắm. Đến bao giờ thì người Việt tương ứng với họ?

Phóng viên: Vậy thì cách nào để mặt sáng được phát huy, đẩy lùi mặt tối trong các lễ hội, nhất là công tác quản lý Nhà nước?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Quản lí nhà nước, trước hết là ngành Văn hóa, ngành Nghệ thuật, ngành Tư pháp phải sát sao và trách nhiệm hơn. Tôi dự hội thảo với một số cán bộ ở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tôi thấy nhiều người phát biểu sơ hở lắm, dường như họ không “tập trung vào chuyên môn”. Có lẽ vấn đề cán bộ cần có cách chọn lọc hơn nữa thì các thiết chế văn hóa mới vận hành ngon lành được.

Phóng viên: Dư luận có nhiều luồng ý kiến đối với nghi lễ chém lợn hay đâm trâu… thực ra đó là các lễ hội nối tiếp truyền thống nhưng lại vô cùng phản cảm. Vấn đề ở đây là phát huy văn hóa truyền thống mà vẫn giữ được bản sắc, lại phù hợp với xã hội hiện đại, có khó quá không, thưa ông?

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ: Đối với văn hóa truyền thống, muốn phát huy mà phù hợp với văn hóa hiện đại thì việc nghiên cứu cần đẩy mạnh. Có thấu hiểu mới bảo lưu được, có thấu hiểu mới phát triển được. Lễ chém lợn ở Ném Thượng phục dựng 1995 là không dựa trên việc nghiên cứu cẩn thận nên xảy ra lắm phản cảm. Cái gì cũng phải hiểu cái đã. Thứ hai, tính nhân văn phải đặt lên hàng đầu. Hàng chục nạn nhân nằm la liệt mặt ruộng vì dẫm đạp nhau ở lễ hội đền Trần không làm động lòng người quản lý chăng? Thứ ba, phải thượng tôn pháp luật quốc gia, chống tư tưởng “phép vua thua lệ làng”.

Ngày xưa, lệ làng trái phép vua là bị trị tội nặng lắm. Bất cứ ai là công dân một quốc gia đều phải thượng tôn pháp luật. Thứ tư, các ngành nghệ thuật cần được đầu tư hơn để họ sáng tạo những diễn xướng mới, vừa có chất lượng cao vừa hiện đại. Lễ hội luôn luôn vận động trong thời gian, mỗi ngày một khác. Nó không có cái gọi là “nguyên mẫu”, “bản gốc”.. Vậy phát triển cho hiện đại cần chuyên môn sâu, cái tâm đầy nhiệt huyết, tư tưởng nhân văn cao. Người Việt đang cần những điều đó. Lễ hội rất cần những điều đó.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn nhà nghiên cứu về cuộc trò chuyện này!

Việt Hà (thực hiện)
.
.
.