LHP Việt Nam 2015: Không còn phim "thảm họa"

Thứ Bảy, 12/12/2015, 09:17
Có thể thấy rõ điện ảnh Việt Nam trong 2 năm, qua 34 bộ phim truyện điện ảnh, cùng gần 50 hãng phim dự Liên hoan Phim Việt Nam (LHPVN). Dù chưa như kỳ vọng, nhưng ít nhiều đã thấy được sự thay đổi của phim Việt trong dịp LHP lần này.

LHP lần này đánh dấu một bước mới là không còn “phim thảm họa” như những kỳ LHP trước, khi đã có một Hội đồng lựa chọn, loại ra những bộ phim không đạt chất lượng hay tiêu chí, vì thế, chỉ còn 20 bộ phim lọt vào vòng “tỉ thí”. Số lượng phim dự LHP cũng nói lên nhiều điều: Phim Nhà nước không còn giữ thế “thượng phong” như trước, khi tỉ lệ phim Nhà nước và phim tư nhân dự LHP là ngang ngửa: 10 phim Nhà nước và 10 phim tư nhân. Tuy nhiên, hầu hết các giải thưởng quan trọng lại thuộc về phim do Nhà nước đầu tư.

Giải thích về điều này, đạo diễn Vũ Xuân Hưng – Trưởng Ban giám khảo phim truyện video và phim điện ảnh của LHPVN 2015 cho rằng, do phim Nhà nước đầu tư đã có tiêu chí dân tộc, tính nhân văn ngay từ khâu kịch bản. Còn một số phim tư nhân chất lượng tốt, đạo diễn có tay nghề cao, nhưng chỉ quan tâm đến thị trường, doanh thu, nên xa với tiêu chí của LHP.

Ra mắt ngay trước thềm LHP với một “cơn sốt” tại các rạp phim, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã làm được điều “xưa nay hiếm” đối với phim do Nhà nước đầu tư. 85 tỷ đồng sau hơn một tháng ra mắt là một con số đầy ấn tượng của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Góp phần vào thành công của bộ phim là diễn xuất xuất sắc của dàn diễn viên nhỏ tuổi. Nhưng rất tiếc khi cả 3 diễn viên chính của phim lại không được ghi nhận tại LHP lần này. Bộ phim cũng mang cho người xem vẻ đẹp thị giác lẫn tinh thần qua những khuôn hình rất đẹp, âm nhạc phim được chau chuốt kỹ lưỡng.

Giải thưởng cao nhất cho “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” thêm một lần cho thấy kinh nghiệm và tài năng sáng tạo của Victor Vũ - đạo diễn đã được khẳng định ở 10 bộ phim điện ảnh trước đó khi luôn gây sức nóng ở phòng vé mỗi khi ra rạp: “Cô dâu đại chiến”, “Scandal: Bí mật thảm đỏ”, “Quả tim máu” vv…

“Cuộc đời của Yến” cũng là một câu chuyện dung dị. Không có những bất ngờ sáng tạo, hay bứt phá gì lớn so với bộ phim đầu tay của đạo diễn Đinh Tuấn Vũ, nhưng “Cuộc đời của Yến” đã để lại một câu chuyện, mà soi vào đó, thấy hình bóng không chỉ của Yến, mà của nhiều người phụ nữ, khiến câu chuyện vừa cụ thể, lại vừa mang tính khái quát về thân phận người phụ nữ Việt Nam. Đinh Tuấn Vũ là một đạo diễn trẻ, nhưng đã có cách làm phim khá chín chắn, kỹ càng. Những hình ảnh trong phim, từng nét nhạc đều được chắt chiu, có hồn, mang đến cho người xem những cảm xúc thẩm mỹ, đưa người xem đi theo câu chuyện đầy xúc động về số phận một người đàn bà, nhưng gắn liền với những dấu mốc lịch sử của đất nước.

Cảnh trong phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”.

Là một câu chuyện đẹp, mang thông điệp sâu sắc về tình người và lòng vị tha để vượt qua thù hận, “Những đứa con của làng” đã giành giải được Bạc. Đặc biệt, thành công về nghệ thuật của “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” và “Những đứa con của làng”, 2 bộ phim do Nhà nước đặt hàng tư nhân sản xuất, là tín hiệu cho thấy hướng đi đúng của điện ảnh Việt. Nhà nước đã mạnh dạn chọn các đạo diễn từng thành công ở mảng phim thị trường để kết hợp với các yêu cầu “chính thống” nhằm tạo ra những sản phẩm đến được với khán giả.

Rõ ràng, chỉ khi mở rộng vấn đề xã hội hóa các dự án phim do Nhà nước đầu tư, mạnh dạn sử dụng những người có tài ở các hãng phim tư nhân, thì mới hy vọng chấm dứt sự ra đời những bộ phim tốn “tiền tấn”, nhưng làm xong rồi chỉ để “lưu kho” như từng có. Việc bộ phim của Nhà nước bán được vé với doanh thu khủng, cũng khiến các hãng phim Nhà nước, các đạo diễn vốn quen với tư duy cũ mòn buộc phải nhìn lại mình, để thay đổi, mới hy vọng cạnh tranh được lành mạnh, nếu không muốn tụt hậu trước các đạo diễn trẻ được học hành bài bản, tiếp thu kinh nghiệm làm phim tiên tiến ở nước ngoài và luôn căng đầy khát vọng sáng tạo trong thể hiện.

“Người trở về” - bộ phim truyện điện ảnh đầu tiên của đạo diễn Đặng Thái Huyền, một trong những đạo diễn nữ hiếm hoi của điện ảnh Việt Nam, đã giành giải thưởng của Ban Giám khảo cùng với Giải đạo diễn và Giải biên kịch xuất sắc nhất. Cùng với sự lao động nghệ thuật nghiêm túc, phim của Huyền có điểm mạnh là chất nữ tính sâu đằm, sự cảm thông sâu sắc với thân phận các nhân vật nữ và điều này, được phát huy trong “Người trở về” để mang đến một câu chuyện xúc động. Một bộ phim khác cũng giành giải của Ban Giám khảo là “Thầu Chín ở Xiêm”.

Phim do Bộ VHTT&DL đặt hàng và do Bùi Tuấn Dũng, người từng thành công trong nhiều phim về chiến tranh như “Đường thư”, “Những người viết huyền thoại”, “Đường lên Điện Biên” với hàng loạt giải thưởng đạo diễn. Đây là bộ phim tài liệu lịch sử nên được Bùi Tuấn Dũng thực hiện rất kỳ công, từ việc tìm các tư liệu, tìm hiểu các chi tiết lịch sử liên quan đến Hồ Chủ tịch ở cả Pháp và Thái Lan, đến phục dựng hoàn toàn sân bay Udon, sân bay Bangkok và bến cảng, để tạo nên bối cảnh giống với đầu thế kỷ 20 ở Thái Lan vv…

Là người làm nghệ thuật nghiêm túc, Bùi Tuấn Dũng đã biết cách thổi hồn để một bộ phim về đề tài lãnh tụ vốn luôn là thách thức với các đạo diễn trẻ mang đến một góc nhìn mới mẻ, vừa chân thật, nhưng vẫn đạt được sự hấp dẫn. 

Một LHP do Bộ VHTTDL tổ chức, các phim do Bộ VHTTDL đặt hàng đều được giải thưởng, vẫn khiến công chúng không khỏi băn khoăn trong “cuộc chơi” mang tính nghệ thuật này. Cho dù khá nhiều phim được giải thưởng, vẫn có một sự thực là, để tìm một sự bứt phá trong sáng tạo nghệ thuật quả còn chưa thấy. Vẫn thiếu một sức sáng tạo mạnh mẽ đủ để phim Việt có thể bước lên một tầm cao hơn.

Thanh Hằng
.
.
.