Không cấp phép biểu diễn khi chưa có ý kiến của chủ sở hữu tác phẩm

Thứ Hai, 15/07/2019, 18:20
Ngày 15-7, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) kiến nghị Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét lại việc cấp phép cho các chương trình, sản phẩm sử dụng tác phẩm âm nhạc khi chưa có có ý kiến của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Lý do là có quá nhiều chương trình quy mô lớn đã diễn ra nhưng không thực thi bản quyền tác phẩm âm nhạc.

Theo VCPMC, thời gian qua, đã có hàng trăm chương trình biểu diễn có xảy ra hành vi xâm phạm quyền tác giả. Đây chỉ là những chương trình quy mô lớn mà VCPMC phát hiện được. Thực tế, các chương trình vi phạm có thể còn lớn hơn nhiều.

Điều đáng nói là sau khi bị phát hiện, ban tổ chức nhiều chương trình mới  khắc phục, trả tiền bản quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc. Rất nhiều đơn vị tổ chức chương trình "chây ỳ", không chịu thực hiện nghĩa vụ với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Từ năm 2018 đến nay, VCPMC đã khởi kiện ban tổ chức 8 chương trình ra Tòa án song chưa có vụ nào được xét xử.

Tạ Quang Thắng - tác giả "Sống như những đóa hoa" khẳng định anh chưa đồng ý cho ban tổ chức chương trình Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu 2019 sử dụng tác phẩm của mình nhưng đã được Vĩnh Phúc cấp phép biểu diễn

Lý do là có những đơn vị tổ chức những show lớn, xong xoá tên công ty và thành lập công ty mới. Một số đơn vị, Trung tâm đã nỗ lực gửi cảnh báo, gửi đề nghị thực hiện quyền tác giả nhưng đều tìm cách né tránh. Đáng chú ý là có hiện tượng một số tác giả khi ký giấy tờ để cho phép ca sĩ được độc quyền bài hát với mục đích biểu diễn, nhưng nhiều ca sĩ/người biểu diễn lại hiểu chưa đúng, hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn đã cố ý lợi dụng các giấy tờ này để né tránh việc xin phép, trả tiền nhuận bút cho tác giả và tìm cách đối phó với thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước. 

Rất nhiều tác giả bán độc quyền ca khúc của mình sáng tác cho ca sĩ hoặc một số đơn vị mua độc quyền ( cả nhạc trong nước và quốc tế ) có thời hạn. Với thỏa thuận này, tất cả các ca sĩ hoặc các đơn vị tổ chức khác không được sử dụng. Trong khi đó các cơ quan quản lý lại tự động cấp phép các tác phẩm của các tác giả. Bản quyền tác phầm là tài sản riêng nên khi đơn vị tổ chức chương trình biểu diễn vi phạm tác quyền,  đơn vị cấp phép sẽ liên đới trách nhiệm trước toà.

Chưa kể, hiện nay, các tác giả trong nước và quốc tế đã buộc VCPMC uỷ quyền toàn bộ các tác giả cho văn phòng Luật sư làm văn bản gửi tất cả các cơ quan quản lý nhà nước liên quan. Văn bản đề nghị Cục Nghệ thuật biểu diễn, Sở Văn hóa và Thể thao cả nước không được cấp phép khi chưa có ý kiến tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

VCPMC cũng đề xuất Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét lại sự bất cập và những hệ lụy, thiệt hại đối với tác giả, người sáng tạo từ việc hủy bỏ điều kiện về quyền tác giả tại Nghị định số 142/2018/ND-CP. VCPMC còn đề xuất xem xét việc cần thiết phải có quy định rõ, cụ thể về thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền sử dụng quyền tác giả tại hồ sơ, thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật và giấy phép phê duyệt nội dung sản phẩm có liên quan đến nghệ thuật biểu diễn tại Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn; trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh các sản phẩm có liên quan đến nghệ thuật biểu diễn dưới các định dạng khác nhau.

Thực tế, ngay trước khi VCPMC phát đi thông tin, ca sĩ Tạ Quang Thắng – tác giả của ca khúc “Sống như những đóa hoa” cũng đã lên tiếng khẳng định, anh không đồng ý cho ban tổ chức chương trình Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam  năm 2019 sử dụng tác phẩm của mình. Tuy nhiên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc vẫn cấp phép cho ban tổ chức biểu diễn ca khúc này.

Liên quan đến vấn đề nói trên, NSND Nguyễn Quang Vinh, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, việc cấp phép của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch không sai. Theo Nghị định số 142/2018/ND-CP, cơ quan quản lý có quyền cấp phép biểu diễn, chưa cần tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đồng ý. Đây được cho là động thái cần thiết nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính trong cấp phép biểu diễn. 

Trước đó, quy định phải có ý kiến đồng ý của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc mới được cấp phép biểu diễn khiến rất nhiều đơn vị, cá nhân cho rằng gây khó cho ban tổ chức. Lý do là có nhiều tác phẩm, ban tổ chức không tìm được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả để xin phép. Vì vậy, Nghị định 142/2018 đã bỏ quy định này.


N.Hoa
.
.
.