Khủng hoảng nhân lực trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật đặc thù

Thứ Tư, 04/01/2017, 07:39
Trong khi một số đơn vị đào tạo chuyên nghiệp lên tiếng về việc nhiều bộ môn nghệ thuật biểu diễn truyền thống đang khủng hoảng nhân lực, thì nhiều đơn vị nghệ thuật cũng cho rằng, nghệ sĩ biểu diễn cũng đang trong tình trạng “già hóa”, thiếu đội ngũ kế thừa.


Theo ông Nguyễn Đăng Chương, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, hiện nay, nghệ sĩ nhiều nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đặc biệt là trong các đơn vị biểu diễn nghệ thuật truyền thống, số lượng nghệ sĩ biểu diễn từ 40 tuổi trở lên chiếm phần lớn. Lực lượng sáng tạo gồm biên kịch, đạo diễn bị khủng hoảng nên các đơn vị nghệ thuật gặp rất nhiều khó khăn trong công tác lựa chọn và dàn dựng tác phẩm.

Tại một số đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của địa phương gặp khó khăn trong công tác tuyển chọn diễn viên trẻ, có trình độ chuyên môn. Biên chế có nhưng người làm việc thực thụ lại thiếu, đội ngũ diễn viên, nhạc công bộ môn nghệ thuật truyền thống có tuổi nghề cao nhưng chưa đủ tuổi để giải quyết chế độ chiếm tỷ lệ lớn, hiệu quả thực hiện chuyên môn của lực lượng này không cao.

Nghệ thuật truyền thống sẽ thiếu đội ngũ kế thừa.

Trong khi đó, một đại diện của Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc cho biết, lực lượng nghệ sĩ biểu diễn của đơn vị thiếu, cần bổ sung. Năm 2016, nhà hát có đề nghị thêm 6 biên chế nhưng chỉ duyệt được 1 và người được duyệt lại rơi vào trường hợp làm công tác hành chính. Nếu theo đúng lộ trình là tinh giản biên chế 10% thì đến năm 2020, nghệ sĩ biểu diễn còn thiếu nhiều hơn nữa.

 Giám đốc dàn nhạc giao hưởng, NSƯT Nguyễn Trí Dũng cũng chia sẻ rằng rất nhiều nghệ sĩ đã gắn bó với dàn nhạc cả chục năm nay nhưng vẫn chưa được xét vào biên chế, tư tưởng rất chông chênh. Anh cũng bày tỏ sự thông cảm với các đồng nghiệp trong các đơn vị nghệ thuật truyền thống khi cho rằng trong giai đoạn hiện nay, rất khó tìm kiếm được kịch bản hay cho nghệ thuật truyền thống biểu diễn.

Ngay với chuỗi chương trình được lựa chọn đưa ra biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội nhằm xây dựng nhà hát thành điểm thưởng thức nghệ thuật chất lượng cao theo chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa qua, nhiều đơn vị chọn tác phẩm có sẵn, đã được dàn dựng, đã được biểu diễn ở địa điểm khác.

Trong khi nhiều nhà hát cho rằng thiếu nhân lực làm nghề thực thụ, đứng trước nguy cơ thiếu đội ngũ kế thừa thì nhiều nghệ sĩ có uy tín, vẫn còn sung sức, vẫn có thể cống hiến cho văn hóa nghệ thuật nước nhà lại đến thời kỳ nhận quyết định nghỉ hưu.

Trường hợp NSƯT Minh Hằng của Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam là một điển hình. Nhận quyết định nghỉ hưu của nhà hát nhưng trong buổi lễ tiếp nhận quyết định, nữ nghệ sĩ đã bật khóc và tâm sự rằng, quyết định này chỉ là về mặt hình thức. Thực tế, chị sẽ vẫn “cháy” hết mình với sân khấu.

Nhiều nghệ sĩ cũng bày tỏ sự đồng cảm và tiếc cho NSƯT Minh Hằng vì chị đã đủ tiêu chuẩn để được phong tặng danh hiệu NSND, song đã “lỡ nhịp”chỉ vì nghỉ hưu trước khi có đợt xét tặng danh hiệu mới.

Góp phần khắc phục tình trạng khủng hoảng nhân lực biểu diễn trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật đặc thù, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống, năm 2016, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã hoàn thiện việc xây dựng đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước.

Theo kế hoạch, đề án sẽ được triển khai từ năm 2017. Bằng công tác phối hợp giữa Cục Nghệ thuật biểu diễn và các đơn vị đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp, đến năm 2020, đề án sẽ góp phần bổ sung một lực lượng biểu diễn nhất định cho nghệ thuật truyền thống. Tuy nhiên, theo nhận định của Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, ông Nguyễn Đăng Chương thì việc bổ sung số lượng nghệ sĩ kế thừa cũng vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tế.

Chia sẻ với những khó khăn của đội ngũ nghệ sĩ trong các lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn đặc thù, ông Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trong thời gian tới, Bộ sẽ có thêm nhiều hoạt động tích cực nhằm đồng hành với các nghệ sĩ trong giữ gìn, bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật nước nhà.

Riêng về lực lượng nghệ sĩ biểu diễn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng vừa chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát lại toàn bộ nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú đã đến tuổi về hưu nhưng vẫn còn sức khỏe, năng lực, vẫn còn nguyện vọng tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật nước nhà. Bộ sẽ xây dựng đề án, trình Chính phủ toàn bộ danh sách nghệ sĩ theo tiêu chí này để có sự điều chỉnh phù hợp nhất và sớm nhất.

Ngọc Nguyễn
.
.
.