Khu bảo tồn gen Trà hoa vàng “độc nhất vô nhị” Việt Nam

Thứ Bảy, 05/09/2020, 08:31
Hàng nghìn cây trà hoa vàng các loại đã được di thực về Vườn Quốc gia Cát Tiên với nỗ lực biến nơi đây thành Khu bảo tồn nguồn gen của loài cây dược liệu quý hiếm này. Trong tương lai gần, Vườn Quốc gia Cát Tiên sẽ là nơi sở hữu công viên trà hoa vàng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam với diện tích lên tới 12ha nằm trong khu rừng nhiệt đới nguyên sinh.


Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên tiếp chuyện chúng tôi bằng sự vui mừng khi nói về hàng nghìn gốc trà hoa vàng quý hiếm các loại đã bén rễ, nảy chồi trên miền đất nhiệt đới nóng ẩm Nam Cát Tiên. 

Chính ông Minh cũng không ngờ rằng, cách đây ít năm thôi, mong muốn có được bộ sưu tập sơ khai về trà hoa vàng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên để phục vụ công tác bảo tồn và nghiên cứu khoa học vẫn còn rất xa vời. Duyên cơ đến với những cây trà hoa vàng đầu tiên của Vườn Quốc gia Cát Tiên rất tình cờ. Đó là sự nỗ lực kết nối của những con người tận tụy và nhiều đam mê, chính là chị Lê An Na (SN 1980, quê Hà Nội) và Ban lãnh đạo Vườn Quốc gia Cát Tiên.

Ông Nguyễn Văn Minh cho biết, cách đây hai năm, trong một lần lên Đà Lạt, đoàn công tác của Vườn Quốc gia Cát Tiên được các đồng nghiệp giới thiệu tới tham quan trang trại trà hoa vàng của chị Lê An Na, tại thôn Hang Hớt, xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, cách TP Đà Lạt 20km. Do quan tâm đến loại cây này từ nhiều năm qua, khi hay tin có một trang trại trà hoa vàng đã hình thành cách đây gần 10 năm lập tức thôi thúc đoàn công tác Vườn Quốc gia Cát Tiên lên đường ngay. 
Trà hoa vàng được di thực về Vườn Quốc gia Cát Tiên để lập Khu bảo tồn nguồn gen.

Tại đây, những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn của Vườn Quốc gia Cát Tiên hết sức ngạc nhiên khi được gia chủ giới thiệu về bộ sưu tập khá đầy đủ các loại trà hoa vàng quý hiếm mà đơn vị đang đau đáu sưu tầm phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn từ nhiều năm qua. “Ý tưởng hợp tác giữa hai bên được hình thành ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên ấy!..”, ông Minh cho biết.

Sự hào phóng của cô chủ vườn trà hoa vàng quê Hà Nội cùng đam mê sưu tầm, nghiên cứu loài cây dược liệu quý hiếm này của Vườn Quốc gia Cát Tiên đã giúp họ kết nối niềm đam mê và nhanh chóng đi đến tiếng nói chung. Hai bên thống nhất hợp tác thành lập Khu bảo tồn nguồn gen trà hoa vàng Việt Nam tại Vườn Quốc gia Cát Tiên ngay trong lần gặp gỡ thứ hai. 

Chị An Na chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ nguồn cây giống, hỗ trợ kỹ thuật; Vườn Quốc gia Cát Tiên tiếp nhận trồng và chăm sóc Khu bảo tồn trà hoa vàng, xây dựng thành công viên. Công tác khảo sát, đánh giá vùng đất mới cho thấy nơi đây hội tụ đầy đủ những yếu tố cần thiết cho loại cây dược liệu quý hiếm này sinh trưởng và phát triển bền vững. Những cây trà hoa vàng do chị Lê An Na hiến tặng được Vườn Quốc gia Cát Tiên cẩn thận thuê người đào bứng cả bồn để đảm bảo tỉ lệ sống cao nhất.

Đến nay, sau hai đợt di thực, 3.000 cây trà hoa vàng với 35 loài từ 4 đến 10 năm tuổi đã được đưa từ trang trại của chị Lê An Na vượt gần 200km về Vườn Quốc gia Cát Tiên trồng trên diện tích 12ha tại khu rừng nhiệt đới nguyên sinh, bên cạnh dòng sông Đồng Nai hoang dã. Trên vùng đất mới, dưới bàn tay chăm sóc cẩn thận, hỗ trợ kỹ thuật của chị Lê An Na, hàng nghìn cây trà hoa vàng đã vượt qua các bước thử thách về môi trường, địa giới hành chính, nhanh chóng bén rễ, đâm chồi, hứa hẹn cho ra những lứa hoa vàng rực rỡ đầu tiên vào năm sau trên vùng đất Nam Cát Tiên.

Theo ông Phạm Hồng Lượng, Giám đốc Vườn Quốc gia Cát Tiên, trà hoa vàng là loại cây dược liệu có giá trị rất cao đối với công tác nghiên cứu khoa học và bảo tồn nguồn gen. Nguyện vọng hàng đầu của Vườn Quốc gia Cát Tiên là xây dựng thành công Khu bảo tồn gen loài cây quý hiếm họ trà, từng bước biến nơi đây thành công viên trà hoa vàng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam với đầy đủ bộ sưu tập về các loại trà hoa vàng quý hiếm trong nước và khu vực. 

Chị Lê An Na, người được biết đến với gần mười năm qua bỏ nhiều công sức lặn lội tới không ít vùng rừng núi trong nước và ra cả nước ngoài cất công sưu tầm, nhân giống, bảo tồn trà hoa vàng cho hay, tới nay chị đã sở hữu ít nhất khoảng 20.000 cây trà thuộc 35 giống trà hoa vàng của Việt Nam và 2 giống trà hoa vàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Đây là thành quả khiến cho giới nghiên cứu, sưu tầm loại cây dược liệu này phải ngạc nhiên.

Theo các tài liệu nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí khoa học của Trường Đại học Quốc gia Hà Nội và Tạp chí Dược, tại Việt Nam, các loại trà hoa vàng đã được định danh, định lượng, có các thành phần Flavanoid, Polyphenol và Saponin cùng các nguyên tố vi lượng. Riêng dòng trà thạch châu hoa vàng đã được chứng minh tác dụng ngăn ngừa, chống oxy hóa mạnh, bảo vệ tế bào gan do chứa hàm lượng lớn Phenolic và Flavanoid toàn phần. Ngoài ra, loài trà này còn được biết đến với công dụng kiềm chế các khối u ác tính, ngăn ngừa bệnh về tim mạch, điều trị huyết áp, tăng cường khả năng giải độc cho gan... 

Như vậy, việc hình thành Khu bảo tồn nguồn gen của các loại trà hoa vàng tại Vườn Quốc gia Cát Tiên không chỉ mang ý nghĩa về mặt dược liệu mà còn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn và dần hình thành công viên trà hoa vàng đầu tiên của Việt Nam.

Nhà thực vật học Lương Văn Dũng, giảng viên Trường Đại học Đà Lạt cho biết, trà hoa vàng không đơn thuần là một loại nước uống thông thường. Từ kết quả phân tích những hoạt chất được các nhà khoa học phát hiện, chiết xuất từ hoa và lá loại trà này đã được công bố trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, có thể khẳng định đây thực chất là cây dược liệu quý hiếm, cần phải được nhân giống, bảo tồn, phát triển và có giá trị kinh tế cao.
Khắc Lịch
.
.
.