Khó hài hòa giữa bảo tồn, phát triển di sản thế giới ở Việt Nam

Thứ Năm, 26/07/2018, 08:44
Hiện nay Việt Nam có 8 Di sản Thế giới được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 Di sản Văn hóa, 2 Di sản Thiên nhiên và 1 Di sản Thế giới hỗn hợp. Đây cũng là những điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Du lịch góp phần tích cực trong phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đặc biệt là vấn đề hài hòa giữa bảo tồn và phát triển của các di sản này.

Chia sẻ trong hội thảo quốc tế mới đây về di sản thế giới và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Đặng Thị Bích Liên đã khẳng định, di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam với những giá trị tự thân thể hiện đậm nét bản sắc dân tộc Việt Nam. Những giá trị ấy là tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam được vun đắp qua hàng ngàn năm lịch sử, đã và đang thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò là một nguồn lực quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách con người Việt Nam hiện đại.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả to lớn đạt được, việc quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đặc biệt là việc giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Tại một số di sản tiêu biểu như Tràng An, Phong Nha - Kẻ Bàng, Hạ Long, Huế, Hội An, Mỹ Sơn đã cho thấy những tiềm năng rất lớn để khai thác du lịch.

Nhưng, tại một số khu di sản, việc phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, thu hút đông đảo du khách tới tham quan di sản, trong khi chưa có những biện pháp hữu hiệu để điều chỉnh các hành vi liên quan, đôi khi đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội, du lịch.

Về vấn đề này, ông  Jake Brunner, Trưởng nhóm các nước Đông Dương và Myanmar, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế IUCN chỉ ra một ví dụ rất cụ thể là việc khai thác nhưng chưa bảo tồn đúng mức của Vịnh Hạ Long đã khiến nhiều du khách thất vọng. Phản hồi trên trang TripAdvisor, có khoảng 10% du khách phản ánh họ cảm thấy thất vọng khi nhìn thấy nước bị bẩn đục, có rác trôi nổi.

Vịnh Hạ Long – 1 trong 8 di sản thế giới ở Việt Nam.

Ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng cho rằng, phát triển du lịch bền vững, đặc biệt là tại các khu vực di sản thế giới  có nhiều thách thức, đòi hỏi phải có phương thức tiếp cận thực tiễn hiệu quả. Thực chất, đây là sự lựa chọn giữa phát triển với bảo tồn. Vì vậy, các giải pháp về kinh tế ngắn hạn thường chiếm ưu thế. Cần có sự chung tay góp sức từ các bên liên quan gồm Chính phủ, khối tư nhân và cộng đồng địa phương.Ở đó, hợp tác giữa khu vực công-tư là một yếu tố then chốt trong lĩnh vực phát triển.

Đồng ý kiến về việc hợp tác giữa nhà nước và khu vực tư nhân, Phó Trưởng ban quản lý Vịnh Hạ Long, ông Phạm Đình Huỳnh đề xuất thời gian tới, ngoài ưu tiên cho công tác bảo vệ di sản, các địa phương, trong đó có Quảng Ninh cần xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích giữa Nhà nước - cộng đồng - doanh nghiệp, quy định cụ thể về những ràng buộc trong khai thác dịch vụ, du lịch của các tổ chức, cá nhân với công tác bảo tồn di sản.

PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng chỉ ra rằng, việc phân cấp và thống nhất mô hình quản lý di sản thế giới ở các địa phương còn nhiều bất cập. Cụ thể, Ban Quản lý Khu di sản hỗn hợp Tràng An trực thuộc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình nên bộ phận di sản thiên nhiên do Sở Du lịch quản lý.

Phần di sản văn hóa Cố đô Hoa Lư lại thuộc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh. Vì không có sự nhất thể hóa trong quản lý di sản thế giới đã dẫn tới hậu quả là hiện tượng xây cầu bêtông dẫn lên đỉnh núi Cái Hạ trong vùng lõi của khu di sản, làm cho hiện trạng di tích bị biến dạng, gây bức xúc dư luận xã hội. Tại Hà Nội, UBND thành phố đã thành lập “Trung tâm bảo tồn di tích” có chức năng quản lý Khu di sản văn hóa thế giới - Trung tâm Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích quốc gia đặc biệt - Thành Cổ Loa. Do hai khu di sản này cách nhau khá xa, có sự tách biệt và đặc điểm di sản, yêu cầu quản lý không giống nhau dẫn đến hiệu quả quản lý chưa cao…

Chưa kể, các bộ luật có liên quan tới di sản văn hóa được ban hành những năm gần đây (2014-2017) chưa tạo ra được sự liên thông, gắn kết, gây không ít lực cản và ách tắc trong việc thực thi các hoạt động bảo tồn, phát triển du lịch. Ông Đặng Văn Bài kiến nghị, cần hoàn thiện bộ máy các Ban Quản lý, tích cực triển khai dự án nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa trình Quốc hội thông qua vào năm 2020 để khắc phục những chồng chéo đang tồn tại trong các bộ luật có liên quan đến di sản văn hóa.

Ngọc Nguyễn
.
.
.