Khi nghệ sỹ bị "mua vui cho thiên hạ"

Thứ Năm, 14/01/2016, 18:43
"Chém cha cái kiếp lấy chồng chung", câu thơ của nữ sỹ Hồ Xuân Hương tự nhiên lại vang lên ngay sau vẻ mặt lạnh lùng của cô Hà Hồ khi chứng kiến màn trình diễn của cô Maya trong cái gameshow có tên gọi là "Hoà âm ánh sáng". Trên cái sân khấu ấy, tất cả đời sống của giải trí Việt đã được phơi bày ra, trần trụi, kém cỏi và chợ búa vô cùng.


Thực ra thì cả Hà Hồ và Maya cũng chẳng phải "lấy chồng chung" gì nhưng họ đều dính đến một người đàn ông đã có vợ con đuề huề. Maya đi trước, Hà Hồ theo sau và khi cô Maya tung lời "đe dọa" toàn "mày tao mi tớ" trên facebook thì cô Hà Hồ chọn cách ứng xử là làm mặt lạnh, không thèm nhận xét phần trình diễn của đối thủ dù cương vị của mình là giám khảo. 

Cách cư xử của Hà Hồ cũng đúng thôi. Người ta miệt thị mình, móc mỉa mình, mình im lặng là hơn cả. Nói gì ra cũng dở. Khen chê lúc ấy lại càng dễ bị quy kết là mang cái vị kỷ riêng vào trong công việc. Còn cô Maya, cái việc cô ấy mắng móc mỉa ai đó trên mạng cũng là quyền cô ấy, miễn là cô ấy phải chịu trách nhiệm với lời mình nói. Nhưng móc mỉa mà không nhìn lại mình thì cũng hơi lố. Bản thân cô, với những mắng mỏ ấy, lẽ ra phải biết rằng người đáng bị mắng cũng là cô, với người mắng chính là vợ của gã đàn ông đã biến các cô vào cái cảnh cứ như là "lấy chồng chung".

Song, thực tế, những câu chuyện riêng tư đó sẽ chẳng tạo nổi thành scandal nếu như không có bàn tay của nhà sản xuất. Nhà sản xuất biết thừa những mâu thuẫn vốn có trong làng giải trí. Và bản thân những nhân vật giải trí cũng có nhiều cách ứng xử khi mâu thuẫn với ai đó là đồng nghiệp của mình. Họ thường chọn cách im lặng, tránh xa, coi như đối thủ không hề tồn tại. Nhưng khi đã bị đặt vào thế không thể không tránh né đối đầu, họ sẽ buộc phải xù lông lên, công kích nhau và có khi còn hơn thế. 

Vậy thì suy cho cùng, cái kiếp "lấy chồng chung" của các cô kể trên hoá ra lại là đáng thương hơn là đáng giận. Nói gì thì nói, chuyện cũ qua rồi, xong rồi, các cô cũng muốn cho nó yên rồi nhưng rốt cuộc, để được lợi ích truyền thông cho chương trình, nhà sản xuất ném các cô lên thớt hết cả, với mục đích rõ ràng "càng cãi nhau chúng tôi càng khoái".

Cái ác của những chương trình truyền hình thực tế là thế. Chúng lôi cái kém cỏi, thậm chí có vẻ ngu xuẩn của con người ta để ném thẳng lên sân khấu làm trò mua vui cho thiên hạ. Khi chúng ta chụp lại ảnh chàng thanh niên vô vọng qùy xin việc giữa đường để bình phẩm, chỉ trích hoặc có động viên đi nữa, chúng ta mới chỉ ác một. Còn những kẻ ném nhân phẩm người khác lên sóng truyền hình, rồi cười hô hố những tiếng cười mở màn cho cộng đồng cùng cười để thu lợi từ đó lại ác mười. 

Như mới đây thôi, cậu bé 17 tuổi ở Thái Nguyên đi thi "Tìm kiếm tài năng" chẳng hạn. Cậu không biết thổi sáo, không biết chơi đàn nhưng cậu lại nghĩ mình làm rất tốt. Thế nên cậu được làm con mồi cho giám khảo nhậu chia vui với nhau và mua vui cho thiên hạ. Nếu không nhẫn tâm, người ta đã loại cậu từ vòng sơ tuyển ban đầu chứ không phải đưa cậu lên sân khấu, truyền hình như thế.

Cuối cùng, giải trí là gì? Phải chăng là để thỏa mãn phần con của mình, để thu được những món lợi, cái danh, người ta sẵn sàng biến người khác thành những nạn nhân chung của cả cộng đồng? Suy cho cùng, vẫn phải mượn lời nữ sỹ Hồ Xuân Hương "Chém cha cái kiếp mua vui chung"…

Văn Đoàn
.
.
.