Hoàn thành hồ sơ di sản tư liệu bảo vật quốc gia Cửu đỉnh

Chủ Nhật, 13/06/2021, 10:28
Trung tâm Bảo tồn Di tích (BTDT) cố đô Huế cho biết, vừa hoàn thành việc xây dựng hồ sơ di sản tư liệu cho bảo vật quốc gia Cửu đỉnh để gửi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) xem xét, cho ý kiến trước khi đệ trình UNESCO công nhận Cửu đỉnh là Di sản tư liệu thế giới.


Cửu đỉnh là 9 cái đỉnh bằng đồng được vua Minh Mạng ra lệnh chế tác, khởi công đúc từ tháng 12/1835. Trước khi đúc, triều đình tổ chức lễ cáo, đúc xong đưa tới đặt trước sân Thế Tổ Miếu (bên trong Hoàng thành, Huế) và còn nguyên ở vị trí này cho đến ngày nay. Trải qua 200 năm, đi qua bao cuộc chiến tranh tàn khốc, song đến nay, Cửu đỉnh vẫn còn nguyên vẹn như ban đầu. 

Ngoài tính biểu trưng cho các vị vua, thể hiện quyền lực của vương triều nhà Nguyễn thì Cửu đỉnh như một bộ “Địa dư chí lược” của Việt Nam đầu thế kỷ XIX được ghi bằng ngôn ngữ tạo hình với tổng cộng 162 họa tiết được chạm nổi tinh xảo. 

Cửu đỉnh đặt trước sân Thế Tổ Miếu.

Cửu Đỉnh gắn liền với con số 9, một con số thiêng liêng theo quan niệm phương Đông; cũng là tư tưởng chủ đạo vua Minh Mạng trong việc đúc Cửu Đỉnh cho triều đại mình: Tất cả các loại cảnh vật đều được chọn lọc và sắp xếp theo số 9. 

Đặc biệt, trên Cửu đỉnh, nếu ở phần Tuyên đỉnh có sông Hồng thì Huyền đỉnh có sông Cửu Long và Nhân đỉnh có sông Hương; Cao đỉnh có cọp trên rừng thì Nhân đỉnh có cá voi dưới biển. Các hình ảnh ở Cửu đỉnh đều biểu hiện những cảnh vật rất thật và quen thân với dân tộc Việt Nam. Tất cả các hình ảnh được đúc nổi trên Cửu đỉnh đều là những đặc trưng vùng miền trải dài từ Bắc chí Nam.

Với chức năng là trọng khí được đặt trước sân Thế Miếu của nhà Nguyễn, tượng trưng cho sự nghiệp của bậc đế vương, tên gọi của mỗi đỉnh theo chủ ý của vua Minh Mạng đó chính là thụy hiệu của các vua triều Nguyễn. 

Chẳng hạn, Cao đỉnh chính là thụy hiệu của Thế tổ Cao hoàng đế; Nhân đỉnh là thụy hiệu của chính vua Minh Mạng (Thánh tổ Nhân hoàng đế); Chương đỉnh là thụy hiệu của vua Thiệu Trị (Hiến tổ Chương hoàng đế); Anh đỉnh là thụy hiệu của vua Tự Đức (Dực tông Anh hoàng đế); Nghị đỉnh là thụy hiệu vua Kiến Phúc; Thuần đỉnh là thụy hiệu của vua Đồng Khánh; Tuyên đỉnh là thụy hiệu của vua Khải Định.

Các vua Dục Đức, Hiệp Hòa bị Tôn Thất Thuyết phế truất, vua Hàm Nghi dưới sự giúp sức của Tôn Thất Thuyết đã xuống dụ Cần Vương kêu gọi văn thân, sĩ phu đứng lên giúp vua cứu nước chống Pháp, hai cha con vua Thành Thái, Duy Tân bị người Pháp phế truất và lưu đày, vua Bảo Đại thoái vị... đều không được đặt tên miếu hiệu và thụy hiệu. Do đó, tên của Dụ đỉnh và Huyền đỉnh không trở thành thụy hiệu của bất kì vị vua nào triều Nguyễn. 

Cửu đỉnh được coi là vật báu chốn thâm nghiêm trước Thế Miếu, nơi thờ các vua nhà Nguyễn, là một tượng đài tượng trưng cho sự vĩnh trường của vương triều, thể hiện quyền uy và sự vững mạnh của một triều đại thống nhất.

Theo TS Lê Thị An Hòa, trên Cửu đỉnh cũng có những hình ảnh sản vật liên quan đến thời cam go của vương triều nhà Nguyễn như cây nam trân (lòn bon) được khắc chạm trên Nhân đỉnh. Quả lòn bon rất ngọt, mọc nhiều ở các cánh rừng của tỉnh Quảng Nam... Tương truyền, những năm cuối thế kỷ XVIII, thời gian bị quân Tây Sơn săn đuổi, Nguyễn Vương (Nguyễn Phúc Ánh) ẩn náu ở nguồn sông Vu Gia, rừng Quảng Nam và nhờ ăn quả lòn bon này mà sống. Khi Nguyễn Vương lên ngôi Vua Gia Long, người đã đặt tên cho cây trái này là phụng quân mộc (cây gặp vua). Có lẽ, vì thế mà Vua Minh Mạng cho khắc cây lòn bon vào Nhân đỉnh... 

TS Lê Thị An Hòa cho biết thêm, Cửu đỉnh được viết bằng chữ Hán và các tư liệu được thể hiện bằng các hình ảnh đúc nổi với nội dung chủ đạo liên quan đến các địa danh, thụy hiệu của vua, các sinh vật, cây trồng, sông núi… và đặc biệt là việc khẳng định chủ quyền biển đảo. 

Đặc biệt, trong 9 đỉnh có 3 đỉnh vua Minh Mạng cho khắc hình tượng về biển để thể hiện bao quát về biển đảo nước Việt: Biển Đông ở Cao đỉnh; biển Nam ở Nhân Đỉnh và biển Tây ở Chương đỉnh, là 3 cái đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất. Như vậy, cùng với hàng loạt tài liệu Hán - Nôm cổ, những hình ảnh biển đảo được khắc trên bộ Cửu đỉnh sẽ là một nguồn tư liệu quý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời còn cho đời sau thấy được rằng, các vị vua triều Nguyễn đều một lòng ra sức bảo vệ và thực thi chủ quyền biển đảo của đất nước.

Hải Lan
.
.
.