Giải quyết mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển tại làng cổ Đường Lâm

Thứ Hai, 07/05/2018, 09:33
Mâu thuẫn giữa bảo tồn và nhu cầu cuộc sống người dân tại di tích làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) chưa bao giờ vơi, bởi đây là di tích “sống” với gần 1.500 hộ dân và hơn 6.000 nhân khẩu đang hàng ngày sinh sống, tạo ra sức ép lớn đối với di sản.

Dù gặp muôn vàn khó khăn trong việc hài hòa lợi ích giữa hai bên, nhưng các cơ quan chức năng đang từng bước tháo gỡ những bất cập này.

Cận cảnh làng di tích

Làng cổ Đường Lâm đang lưu giữ quần thể di tích cổ dày đặc gồm 50 di tích có giá trị, trong đó có 10 ngôi nhà cổ được xếp hạng cấp thành phố và gần 100 ngôi nhà cổ giá trị đặc biệt có niên đại từ 100 năm trở lên, gần 1.000 ngôi nhà truyền thống nông thôn vùng đồng bằng Bắc bộ.

Tự hào là vậy, song khi làng được mang danh Di tích cấp quốc gia từ năm 2005 đến nay, cũng là lúc người dân Đường Lâm phải tuân thủ mọi quy định nghiêm ngặt của Luật Di sản văn hóa đối với các hoạt động liên quan đến di tích. Nhà muốn cơi nới, xây dựng phải có sự thỏa thuận, sau là cấp phép của cơ quan chức năng; khi xây dựng phải tuân thủ quy định chiều cao, khoảng lùi, thiết kế… để phù hợp với không gian, cảnh quan, kiến trúc của làng.

Một góc làng cổ Đường Lâm. Ảnh: CTV.

Nhiều gia đình có tới ba thế hệ với khoảng 10 nhân khẩu cùng sinh sống trong căn nhà rộng vài chục mét vuông; muốn cơi nới, xây dựng lại để làm chỗ sinh hoạt cũng gặp nhiều khó khăn. Mâu thuẫn âm ỉ và đỉnh điểm dẫn đến năm 2013 nhiều người dân làng cổ làm đơn xin trả lại danh hiệu di tích cấp quốc gia. Mặc dù từ thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các ban, ngành đã vào cuộc tháo gỡ nhưng chưa giải quyết xong bất cập.

Ông Kiều Văn Thắng, thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, cho biết căn nhà của ông được làm từ năm 1762 hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Dù gia đình ông đã tự bỏ tiền tu sửa gian giữa nhưng hai gian bên cạnh bị mối mọt, dột nát, rui mè vẫn bằng tre gác tạm. Tường nhà cũng là tường đất, thủng, vá lỗ chỗ.

Ông chia sẻ, để tu sửa được căn nhà này phải bỏ ra khoản tiền tương đối lớn trong khi gia đình không đủ khả năng chi phí. Vì vậy, ông sớm mong thành phố Hà Nội và thị xã Sơn Tây đầu tư tu bổ vì ngôi nhà của ông thuộc diện nhà cổ cần được bảo tồn.

Thừa nhận công tác quản lý, bảo tồn di tích còn nhiều thiếu sót, chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa việc bảo tồn và phát huy di tích, ông Nguyễn Huy Khánh, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây cho biết: Nhà cổ là sở hữu của người dân, một số trường hợp nhà cổ không đáp ứng được nhu cầu cuộc sống nên người dân tự phá dỡ để xây mới. Mặc dù vậy, khi cơ quan chức năng đến lập biên bản xử lý thường gặp khó khăn bởi thực tế chủ nhà cho rằng nhà sắp sập, cần xây mới, trong khi thị xã Sơn Tây không thể có ngay kinh phí để hỗ trợ người dân.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây, hiện còn tình trạng các hộ dân xây dựng nhà ở, công trình sinh hoạt không phép, sai phép trong khu vực I và khu vực II. Vấn đề được hiểu do nhiều bất cập trong xây dựng nên người dân đã tự ý xây dựng không thông qua cơ quan chức năng hoặc đã xin phép nhưng không tuân thủ đúng quy định.

Từng bước tháo gỡ

Xác định các ngôi nhà cổ là một trong những cấu trúc tạo nên giá trị của làng cổ Đường Lâm, thành phố Hà Nội cũng như thị xã Sơn Tây đã đầu tư tu bổ các ngôi nhà cổ xuống cấp. Ngoài 10 nhà cổ được đầu tư tu bổ giai đoạn 2011 – 2014, theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2014 - 2016 thành phố tiếp tục đầu tư tu bổ 10 ngôi nhà khác, giai đoạn từ 2017 - 2020 tu bổ tiếp 30 ngôi và 49 ngôi còn lại thực hiện vào những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, do vướng nhiều thủ tục và vốn đầu tư, nên 10 ngôi nhà cổ tu bổ trong giai đoạn 2014 – 2016 đến nay mới đang tu bổ được 5 ngôi và 5 ngôi nhà khác chuẩn bị triển khai. Tuy muộn nhưng việc hỗ trợ đầu tư tu bổ nhà cổ đã nhận được đánh giá cao của người dân làng cổ. Những bức xúc của người dân đang từng bước được giải tỏa, trước hết là đảm bảo nơi sinh sống, người dân không phải ở trong những căn nhà xuống cấp. Hơn nữa, nhiều nhà cổ được "hồi sinh" đã mang sức sống mới, không chỉ tạo diện mạo đẹp cho di tích làng cổ mà trở thành điểm du lịch hấp dẫn khách tham quan.

Là một trong những hộ gia đình đang thực hiện tu bổ nhà cổ từ nguồn vốn hỗ trợ của thành phố Hà Nội, ông Phan Văn Dũng, thôn Mông Phụ, xã Đường Lâm, cho biết ngôi nhà của ông do các cụ để lại, được xây dựng từ năm 1854, vốn dĩ là nhà cổ 7 gian rất đẹp.

Năm 1954, thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, ngôi nhà của ông bị giặc bắn đổ mất 3 gian, còn lại 4 gian. Gia đình ông làm nông nghiệp nên không có tiền tu sửa mà cứ ở tạm bợ như vậy từ đó tới nay, trong khi cả nhà có tới 7 nhân khẩu, sinh hoạt chật chội. Ông Phan Văn Dũng bày tỏ phấn khởi khi được thành phố đầu tư tu sửa lại ngôi nhà của gia đình mình, khôi phục thành 7 gian như cũ.

Cùng với việc tu bổ các ngôi nhà cổ đã xuống cấp, thị xã Sơn Tây đang khẩn trương hoàn thiện hạ tầng giai đoạn 1 khu giãn dân Đồi Chung với diện tích 4,96ha để giãn dân trong khu vực làng cổ ra ngoài di tích, giảm sức ép của người dân lên di sản. Đến thời điểm này, công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản đã xong, đảm bảo trong năm 2018 có thể thực hiện giãn dân. Đây cũng là vấn đề mấu chốt trong công tác bảo tồn làng cổ, đồng thời là giải pháp lâu dài trong quản lý trật tự xây dựng tại Làng cổ Đường Lâm.

Tuy vậy, ông Phạm Hùng Sơn, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm cũng băn khoăn: "Để xây dựng được khu giãn dân đã khó, nhưng khó khăn hơn là việc tổ chức đưa người dân ra ngoài khu vực này. Bởi nhiều người muốn ở lại làng cổ, không muốn thay đổi nơi ở mới. Một mặt, nếu chi phí đầu tư khu giãn dân của mỗi hộ gia đình ở mức cao, người dân cũng không đủ kinh phí để đầu tư xây dựng. Vì vậy, ông Phạm Hùng Sơn đề xuất thị xã Sơn Tây cần báo cáo thành phố Hà Nội có cơ chế hỗ trợ các hộ dân nằm trong diện giãn dân về tiền sử dụng đất và một phần kinh phí xây dựng nhằm đảm bảo công tác giãn dân đạt được đích cuối cùng".

Sau nhiều bất cập xảy ra trong quản lý di tích, thị xã Sơn Tây cũng đề nghị điều chỉnh khoanh vùng khu vực II của di tích Làng cổ Đường Lâm. Phương án này nhận được sự đồng thuận của đại diện người dân 5 thôn trong khu vực của di tích. Khi có quyết định điều chỉnh khoanh vùng, thị xã Sơn Tây cũng tiếp tục đề xuất lập hồ sơ xin điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Làng cổ Đường Lâm nhằm thực hiện công tác quản lý theo quy định.

Đ.Thuận - N.Cúc
.
.
.