Giã biệt Đào Thanh Tùng - một biên kịch, đạo diễn tài hoa

Chủ Nhật, 24/04/2016, 17:35
Lễ tiễn đưa người nghệ sĩ tài hoa sẽ diễn ra vào chiều 25-4, tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354 (Ba Đình, Hà Nội).

Đôi lần gặp ông trong những cuộc vui thân tình của giới văn nghệ sĩ đều thấy ông rất trầm lặng. Thỉnh thoảng mới nói một câu, còn chỉ đều gật gù một cách …ề à. Cái vẻ ngoài giản dị như một anh công nhân ấy khiến ban đầu, tôi hoàn toàn không nghĩ rằng, đó là một nghệ sĩ tài năng từng mang về cho đất nước nhiều giải thưởng quốc tế danh giá và hiện là Phó Tổng Giám đốc của một Hãng phim lớn.

Để rồi, cũng như rất nhiều người, tôi không thể nghĩ rằng, người nghệ sĩ tài hoa đó lại ra đi ở độ tuổi còn sung sức sáng tạo và chỉ một tuần trước khi cầm quyết định trở thành Tổng Giám đốc Hãng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương, để lại bao dự án phim còn dang dở..

Vẫn còn quá “sốc” trước sự ra đi của người đồng nghiệp, bà Phạm Thị Tuyết, Tổng Giám đốc Cty TNHH Một thành viên Hãng phim Tài liệu & Khoa học (TL&KH) Trung ương, nghẹn ngào: Biên kịch, đạo diễn Đào Thanh Tùng ra đi là nỗi đau quá lớn với chúng tôi, với Hãng phim. Bởi anh ấy là một tài năng và đang là người làm phim tư liệu khoa học giỏi nhất Hãng. Một gương mặt không dễ gì có người thay thế được ngay. Bởi thế, khoảng trống anh ấy để lại là quá lớn …

Biên kịch, đạo diễn Đào Thanh Tùng sinh năm 1960, quê ở Hưng Yên. Tốt nghiệp khoa tiếng Trung (Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội), Đào Thanh Tùng từng muốn sẽ trở thành một nhà nghiên cứu văn hóa Trung Hoa.

Nhưng rồi, tiếng gọi của tình yêu với phim tài liệu đã lấn át, dẫn dắt ông về với Hãng phim TL&KH Trung ương. Với kiến thức sâu rộng về văn hóa, xã hội, cộng với niềm đam mê nghề, Đào Thanh Tùng nhanh chóng tự khẳng định ở cả vị trí biên kịch lẫn đạo diễn. 

Sức sáng tạo và sự nhạy bén là thế mạnh để biên kịch - đạo diễn Đào Thanh Tùng luôn bám sát và thể hiện các vấn đề lớn trong xã hội và cho ra đời hàng loạt bộ phim tài liệu đặc sắc: “Khoảng cách”, “Cao nguyên đá”, “Sống ở vùng lòng hồ”, “Mặt trời màu gì”, “Triết gia Trần Đức Thảo - suy tư cùng thế kỷ” vv… góp phần làm nên thương hiệu cho Hãng phim TL&KH. Mỗi bộ phim của ông đều hướng tới tính triết học, tính nhân văn và truyền đến người xem thông điệp về mối quan hệ giữa con người với con người là vô giá.

Hơn 20 năm gắn bó với thể loại phim tài liệu, Đào Thanh Tùng đã có một sự nghiệp đầy dấu ấn. Không có gì lạ trước “bộ sưu tập” giải thưởng trong nước và quốc tế của ông.

Đào Thanh Tùng đã hai lần giành giải Bông Sen Vàng hạng mục "Biên kịch xuất sắc" cho các phim “Làng đàn ông” và “Andre Menras - một người Việt” trong các LHP Việt Nam. Cũng chính phim “Andre Menras - một người Việt” đã mang về cho ông giải Cánh Diều Bạc của Hội Điện ảnh Việt Nam.

Đào Thanh Tùng cũng ghi dấu ấn trong các LHP quốc tế với nhiều giải thưởng. Tại LHP quốc tế Bisha (Pháp) năm 2005, tác phẩm “Mặt trời màu gì” của ông được trao giải "Phim xuất sắc". Năm 2010, trong Liên hoan Ảnh, phim tài liệu, phóng sự ASEAN lần thứ nhất, ông lại giành giải ba với tác phẩm “Nghệ sĩ cung đình”.

Đạo diễn –biên kịch Đào Thanh Tùng (ảnh TL)

Sau đó, phim “Lễ cải táng” của ông được kênh truyền hình Discovery đặt hàng và phát sóng –một bộ phim Việt hiếm hoi lọt được vào kênh này. Trong các LHP Tài liệu quốc tế tổ chức ở Việt Nam, đạo diễn Đào Thanh Tùng đều có phim tham dự và được đánh giá cao.

Đặc biệt, Đào Thanh Tùng rất tâm huyết với chủ đề về biển đảo. Ông làm phim về đề tài chủ quyền biển đảo đã nhiều năm trước, khi sự kiện này còn chưa “dậy sóng” kể từ tháng 5-2014 và đã khẳng định tên tuổi qua nhiều tác phẩm: “Phía trước là biển cả”, "Biển của người Việt" hay “Andre Menras – một người Việt”...

Ông bảo, làm phim tài liệu, nhất là phim về biển, khiến con người phải sống thật hơn, với những bối cảnh, với con người và với vấn đề mình đang làm. Cho đến khi ra đi vì căn bệnh ác tính, biên kịch –đạo diễn Đào Thanh Tùng vẫn để lại nhiều dự án phim về biển đảo còn dang dở với thông điệp xuyên suốt trong từng tác phẩm mà ông từng chia sẻ: Mỗi bộ phim đều nhắc một điều rằng, chúng ta không quên những gì mà chúng ta đã làm nên suốt bao đời người, bao thế hệ.

Là lãnh đạo của Hãng phim, nhưng Đào Thanh Tùng vẫn lăn lộn với nghề. Ông bảo, đã bao năm làm phim, giờ vẫn chỉ muốn được làm phim. Cách đây chưa lâu, Đào Thanh Tùng còn cho biết ông vừa hoàn thành hai kịch bản phim, một về thời bao cấp và một về những người từng bỏ đất nước ra đi, rồi trở lại cống hiến cho đất nước. Cuộc chia tay đột ngột với gia đình và bè bạn của ông đã làm dang dở những dự định luôn tràn đầy tâm huyết ở một con người lúc nào cũng căng đầy sức sáng tạo và khát vọng tạo được thói quen xem phim tài liệu cho công chúng.

Đạo diễn –biên kịch Đào Thanh Tùng chỉ đạo một cảnh quay (ảnh: TL)

Nhà quay phim Trịnh Quang Tùng xót xa: "Anh đã đột ngột ra đi, anh em thương nhớ anh, một người có tài, có tâm với nghề, sống tình cảm, chân thành, anh đã sống vì mọi người, đây là một mất mát vô cùng to lớn với cơ quan và gia đình".

Nhắc về người đồng nghiệp vừa ra đi, bà Phạm Thị Tuyết không giấu được đau đớn, tiếc thương: Phim tài liệu chính luận là thể loại khó, phải đánh giá tổng quan các vấn đề lớn của xã hội nên đòi hỏi kiến thức sâu rộng và tính sáng tạo trong tư duy của người làm nghề, nhưng anh Tùng lại có biệt tài về mảng phim này. Anh đã có hàng trăm bộ phim tài liệu chính luận, trong đó, có nhiều phim về chân dung lãnh tụ, văn hóa dân tộc, về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, về biển đảo… 

Anh lăn lộn với nghề, không ngại khó ngại khổ, khi có mặt ở ngoài đảo Trường Sa, lúc lên tận miền biên viễn xa xôi để có được những thước phim mang nhiều ý nghĩa. Luôn đầy ắp khát vọng sáng tạo, đam mê tìm hiểu, đạo diễn Đào Thanh Tùng luôn cập nhật cách làm phim mới, đồng thời, luôn tìm tòi phong cách thể hiện riêng, để tạo nên những tác phẩm vừa có tiếng nói nghệ thuật độc đáo, vừa có ý nghĩa xã hội lớn. Những thành công của anh Tùng đã khẳng định anh thực sự là một biên kịch tài năng và một đạo diễn tài hoa.

Lễ tiễn đưa người nghệ sĩ tài hoa sẽ diễn ra vào chiều 25-4, tại Nhà tang lễ Bệnh viện 354 (Ba Đình, Hà Nội).

Thanh Hằng
.
.
.