Gần 4 vạn đầu sách được xuất bản trong 6 tháng đầu năm 2017

Thứ Năm, 31/08/2017, 08:32
Ngày 30-8, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2017.


Theo thống kê, sau 6 tháng đầu năm, các nhà xuất bản (NXB) đã xuất bản 38.568 đầu sách (tăng 6,5% về số lượng so với cùng kỳ năm 2016) và nộp lưu chiểu 214,179 triệu bản (tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016). Nhiều xuất bản phẩm có nội dung tốt, có giá trị nhân văn, mang tính thời sự, hấp dẫn về hình thức được xuất bản, phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bạn đọc ở tất cả các loại sách, từ lý luận chính trị, văn hóa - văn học, giáo dục - dạy nghề, khoa học - công nghệ đến các loại sách tri thức phổ thông - hướng nghiệp, sách thiếu nhi...

Tiêu biểu trong số đó là sự trở lại của dòng sách chiến tranh cách mạng với sự nở rộ tiểu thuyết, hồi ký, bút ký chiến tranh như: “Trái tim người lính”, “Tình không biên giới”, “Mùa chinh chiến ấy”, “Trong ngôi nhà của mẹ”; “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75”...

Công tác xuất bản vẫn còn tồn tại một số mặt hạn chế. ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, mảng sách dành cho thiếu nhi tiếp tục được các NXB đầu tư nguồn lực, cho ra mắt nhiều bộ sách hay và giá trị như: Tái bản bộ sách viết cho thiếu nhi của nhà văn Vũ Hùng, bộ truyện tranh chuyển thể từ danh tác trong nước như “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài...

Tuy nhiên vẫn còn gần 100 đầu sách bị xử lý dưới các hình thức khác nhau. Vẫn xuất hiện sách có nội dung chính trị, tư tưởng không phù hợp, vi phạm quy định về thuần phong, mỹ tục, vi phạm bản quyền…

Mặt khác, một số hiện tượng mới đã xuất hiện, tiềm ẩn không ít vấn đề đáng lo ngại như việc phát triển mạnh loại hình tiểu thuyết ngôn tình, các loại sách sử, văn học sử đi theo lối xét lại lịch sử... trong đó số lượng tên đề tài không được xác nhận đăng ký xuất bản lý do chủ yếu vẫn là đăng ký đề tài không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của NXB; sai thể loại…

Tại Hội nghị, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị trong thời gian tới, toàn ngành xuất bản cần bám sát nhiệm vụ trọng tâm, tập trung nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, quản lý chặt chẽ hơn nữa quy trình liên kết; kiên quyết nói không với tình trạng “bán giấy phép”; chú ý hơn vào các dòng sách, mảng sách quan trọng, đặc biệt là sách bảo vệ chủ quyền biển, đảo, phát triển triển kinh tế biển; đấu tranh phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống…

Cảnh Vũ
.
.
.