Khám phá quy trình "ươm tơ dệt lụa” của nghệ nhân Việt Nam

Thứ Năm, 15/03/2018, 15:18
Có lẽ, lụa Bảo Lộc, Vạn Phúc hay Nha Xá không còn là những thương hiệu xa lạ đối với người dân Việt Nam nói riêng cũng như các tín đồ thời trang nói chung. 

Tuy nhiên, trước khi những cây lụa chất lượng nhất tới được tay các nhà thiết kế, thì những nghệ nhân làm lụa đã phải rất tinh tế thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ khác nhau, mà họ hay gọi với cái tên “Ươm tơ dệt lụa”.

Đến với Ngôi nhà Italia (Casa Italia) những ngày này, bạn sẽ có cơ hội khám phá triển lãm “Quy trình ươm tơ dệt lụa” và tận mắt chứng kiến những nghệ nhân tới từ nhiều làng nghề lụa nổi tiếng của Việt Nam thực hiện các bước như tuốt tơ, quay tơ, dệt vải vô cùng tinh tế và độc đáo.
Theo nghệ nhân Trần Thị Rộng, người đã gắn bó với nghề dệt lụa đã hàng chục năm nay cho hay, công đoạn nào trong quy trình ươm tơ dệt lụa cũng quan trọng như nhau, từ khâu chọn kén, tuốt tơ, se tơ, quay tơ cho đến dệt vải hay nhuộm màu.
Bà Rộng tiết lộ rằng, con tằm ăn lá sắn sẽ cho ra kén trắng, con tằm ăn lá dâu sẽ cho kén vàng ươm.
Sợi nhả của những con kén đôi thường dày nên chuyên dùng thoi dệt ngang tấm lụa còn, con kén đơn cho sợi tơ mảnh sẽ được dùng để chạy dọc. 
Vải đũi sẽ được dệt từ những sợi ngang dày và thô, còn sợi ngang và dọc mảnh đều thì tạo nên tấm vải lụa.
Triển lãm “Quy trình ươm tơ dệt lụa” (Từ 14-3 đến 19-3) tại Casa Italia, 18 Lê Phụng Hiểu, Hà Nội nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động kỉ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Italia và Việt Nam.
Bằng việc mang đến cho những người tham quan triển lãm những điều “mắt thấy, tay sờ”, ban tổ chức mong muốn đây là cơ hội để tôn vinh giá trị văn hóa của ngành nghề thủ công trong thời trang, từ đó làm nổi bật lên chủ đề xuyên suốt trong quan hệ ngoại giao Việt Nam – Italia, gói gọn trong hai từ “Bền vững”.

Linh Đan (tin Ảnh)
.
.
.