Độc đáo Tết Bunpimay của người Lào trên đất Tây Nguyên

Thứ Bảy, 15/04/2017, 20:47
Ngày 15-4, tại buôn Trí A, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Hội hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức Lễ hội đón Tết cổ truyền Bunpimay.

Theo tục lệ, vào những ngày giữa tháng 4 âm lịch hằng năm, khi những cánh hoa gạo ở Tây Nguyên bắt đầu nở rộ, cũng là lúc người Lào cư trú, sinh sống trên mảnh đất  đầy nắng và gió này lại tưng bừng đón lễ hội năm mới lớn nhất trong năm.

Lễ đón Tết Bunpimay của người Lào hay còn gọi là lễ té nước. Lễ hội mang ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Vào những ngày này, mọi người thường té nước vào nhau để chúc phúc, cầu mong mưa thuận gió hoà, cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc. Lễ hội ở Lào thường được gọi tắt là Bun, có nghĩa là làm phước, làm phước để được phước.

Vào những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, một bộ phận cộng đồng người Lào đã đến giao thương và định cư tại huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk. Đến nay số người Lào sinh sống trên vùng đất này có hơn 250 khẩu và hàng năm cứ đến dịp Bunpimay, bà con lại tổ chức đón Tết theo nghi thức, phong tục cổ truyền. 

Theo truyền thống, Tết Lào diễn ra trong suốt tháng thứ 5 của Phật lịch, là hoạt động văn hóa góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Lào nói riêng, làm phong phú thêm kho tàng văn hóa dân gian của đại gia đình dân tộc Việt Nam nói chung.

Trong khuôn khổ của Lễ hội đón Tết cổ truyền Bunpimay đã diễn ra các hoạt động như: Hành lễ Phật và cầu chúc năm mới, Lễ tắm Phật, Đắp tháp cát, Buộc chỉ cổ tay cầu mong may mắn, Té nước và múa Lăm vông…

Sau đây là một số hình ảnh tại buổi lễ:


Các sư thầy cùng người dân, du khách rước Lễ hội hoa đăng và thả bè. Một trong những nghi thức nhằm xua đi những điều không lành trong năm cũ, chào đón một năm mới với nhiều điều tốt đẹp hơn
Người dân tổ chức hành lễ và cầu chúc năm mới đến các sư thầy chủ trì tại buổi lễ

Sau nghi thức tắm Phật, các nhà sư tổ chức nghi lễ đọc kinh “Buột tuột sù khoẳn”, một nghi thức cầu vía, gọi hồn về cho thể xác khỏe mạnh, tâm tịnh, trí sáng

Kết thúc buổi lễ là người dân cùng du khách thưởng thức những điệu múa Lăm Vông, một điệu múa truyền thống của dân tộc Lào
Một nghi thức khác quan trọng nhất của buổi lễ là nghi lễ té nước. Với người Lào, người nào được té nước càng nhiều trong năm mới thì nhiều điều may mắn sẽ đến với mình trong suốt cả năm
Tiếp đến là nghi lễ buộc chỉ cổ tay, một nghi lễ thể hiện khi khách đến xông nhà năm mới được chủ nhà buộc những sợi chỉ màu xanh, đỏ, vàng vào cổ tay để cầu chúc sức khỏe và hạnh phúc trong năm. Mỗi người được buộc những sợi chỉ này phải đến 3 ngày sau mới được cởi ra thì mọi điều may mắn đến với mình trong suốt cả năm
Nghi thức tắm phật, một nghi thức thiêng liêng trong lễ hội, thể hiện sự tôn kính của người dân đối với Phật
Văn Thành
.
.
.