Điện ảnh Việt lại lo thua trắng trên sân nhà

Thứ Sáu, 20/10/2017, 19:03
Nếu Nhà nước không có sự can thiệp, điều tiết kịp thời, chỉ khoảng 5 năm nữa, các đơn vị phát hành phim Việt Nam sẽ có thể hoàn toàn “biến mất”trên thị trường điện ảnh nước nhà. Đó là khẳng định của hầu hết đại diện lãnh đạo cơ quan quản lý, tổ chức hội và đông đảo các nghệ sĩ, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh trong buổi làm việc chiều ngày 20-10 với Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội.

Chủ tịch Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam, ông Nguyễn Văn Nhiêm chỉ ra nhiều vấn đề bất cập của thị trường điện ảnh Việt. Theo ông Nhiêm, với hơn 90 triệu người, trên 70% dân số dưới 40 tuổi, Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển về văn hóa, điện ảnh… Thị trường điện ảnh Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển bùng nổ khi doanh thu phòng vé những năm vừa qua tăng trưởng vô cùng mạnh mẽ, bình quân từ 20% đến 25% và Việt Nam trở thành một quốc gia có tốc độ tăng trưởng điện ảnh cao nhất thế giới nhưng là sự phát triển lệch lạc. Việc để doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh 65% thị phần phát hành phim dẫn đến nhiều vấn đề như doanh nghiệp nước ngoài độc quyền, thống lĩnh thị trường, có nhiều biểu hiện chèn ép doanh nghiệp trong nước.

Sản phẩm điện ảnh Việt Nam đang bị gặp khó khăn khi phát hành ngoài hệ thống rạp

Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty TNHH Bình Hạnh Đan (BHD) cho biết, tỷ lệ 30% phòng chiếu phim mà Việt Nam sở hữu hiện  nay rất thấp. Ngược lại, tại nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia, tỷ lệ phòng chiếu phim nội địa rất lớn, chiếm từ 70% đến 90%. Việc để doanh nghiệp nước ngoài sở hữu phần lớn cụm rạp trong nước là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự độc quyền, lũng đoạn thị trường. Cụ thể là phim do Việt Nam sản xuất, các đơn vị phát hành này chỉ chi trả một tỷ lệ rất thấp. Ngược lại, nếu nhà phát hành phim Việt Nam nhận chiếu phim của họ thì phải trả 55% đến 60% doanh thu.

Các nhà sản xuất, phát hành phim trong nước đề nghị tỷ lệ phân chia đều cho 2 phía nhưng đều không được chấp thuận. Khi họ chỉ trả một tỷ lệ rất thấp, nhà sản xuất phim trong nước không thể đưa phim cho họ chiếu nhưng nếu không đưa phim cho họ phát hành thì nhà sản xuất nội địa mất doanh thu. Do sự chênh lệnh đầu ra đầu vào như thế đã dẫn đến doanh nghiệp sản xuất phát hành phim trong nước không còn lợi nhuận, không có khả năng tái đầu tư. Đây là thủ đoạn bóp nghẹt doanh nghiệp trong nước.

Ông Nguyễn Danh Dương, Giám đốc Trung tâm chiếu phim quốc gia cũng tố cáo các đơn vị phát hành phim nước ngoài đang tung rất nhiều thủ đoạn nhằm từng bước thôn tính thị trường như giảm giá vé sâu từ 50% đến 65% khiến các đơn vị phát hành nhỏ lẻ không cạnh tranh được. Các nhà phát hành này lại là đại lý phát hành của các hãng phim nổi tiếng trên thế giới, các đơn vị trong nước muốn có phim phát hành đều phải ký kết hợp đồng thông qua họ nhưng bị ràng buộc rất nhiều điều khoản, thâm chí không được phép đàm phán. Nếu than thở thì bị cho là tiết lộ thông tin, vi phạm điều khoản ký kết hợp đồng. Nếu không hợp tác thì không có phim để chiếu. 

Hiện nay, cả nước chỉ còn Trung tâm chiếu phim quốc gia là đơn vị sự nghiệp là đơn vị duy nhất hoạt động hiệu quả, còn lại toàn bộ cơ sở chiếu phim ở các tỉnh không hoạt động được, một số sát nhập vào các trung tâm văn hóa. Đây là một kết quả hết sức đau lòng.Chưa kể, với mức đầu tư ngày càng lớn như hiện nay, chỉ khoảng 3 đến 5 năm nữa, các nhà phát hành phim trong nước sẽ biến mất trên thị trường điện ảnh nước nhà.

Các đại biểu đều đề nghị, trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách can thiệp để đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, cụ thể là rạp chiếu phim, hỗ trợ, điều tiết phát triển điện ảnh. Việc xây dựng các cụm rạp phải có sự tham gia của cơ quan quản lý Nhà nước , phải có quy hoạch lâu dài. Bộ Tài chính có nghiên cứu về khung giá vé, quy định tỷ lệ phân chia doanh thu hợp lý hơn cho phát hành phim nước ngoài và phim Việt Nam, sửa đổi những điều không còn phù hợp với Luật Điện ảnh.

Cục phó Cục Điện ảnh, ông Đỗ Duy Anh cũng cho biết, Cục đã nhận nhiều kiến nghị của Hiệp hội phát hành và phổ biến phim Việt Nam, đã có không dưới 3 lần làm việc với các doanh nghiệp nước ngoài để khuyến cáo về việc cạnh tranh lành mạnh, kinh doanh công bằng. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến rất nhiều Luật khác, trong đó, Luật Cạnh tranh, Luật Điện ảnh đã rất cũ, có nhiều quy định không còn phù hợp, hiện nay đang được sửa đổi, lấy ý kiến.

Bà Hoàng Thị Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng đã ghi nhận các nội dung phản ánh và kiến nghị của các tổ chức hội, đơn vị, doanh nghiệp. Bà Hoa khẳng định, nhiều nội dung mà các đại biểu phản ánh đã từng được Ủy ban tiếp nhận, đã đang đôn đốc sửa đổi nhưng tiến độ chưa đáp ứng được yêu cầu. Các nội dung mới, Ủy ban sẽ là việc với các bộ, ngành liên quan để tiếp tục tìm cách tháo gỡ.

Hoa Nguyễn
.
.
.