“Địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng

Thứ Ba, 27/04/2021, 06:31
Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế là “địa chỉ đỏ” giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng. Nơi đây đang lưu giữ, bảo quản hàng nghìn hiện vật, kỷ vật gắn liền với các cuộc kháng chiến của quân và dân tỉnh Thừa Thiên-Huế. Đặc biệt trong số đó, có rất nhiều hiện vật do quân giải phóng thu được của giặc trong chiến dịch giải phóng Huế, làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975.

Một ngày tháng Tư lịch sử, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế đón rất đông học sinh, sinh viên cùng các cựu chiến binh ở khắp mọi miền Tổ quốc đến tham quan. Chị Lê Thị Mai An, thuyết minh tại Bảo tàng cho biết, hiện Bảo tàng có hơn 600 hiện vật, gần 400 hình ảnh, tư liệu, tài liệu khoa học gắn liền với các sự kiện lịch sử tiêu biểu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Thừa Thiên-Huế giai đoạn 1954-1975. Những hiện vật được trưng bày nơi đây là một “nhân chứng” để thế hệ hôm nay và mai sau luôn ghi nhớ về năm tháng chiến tranh ác liệt nhưng rất đỗi hào hùng, bất khuất của quân và dân ta.

Đó là các sự kiện lịch sử tiêu biểu như phong trào Đồng khởi 1960, phong trào đấu tranh Phật giáo, đấu tranh của học sinh, sinh viên năm 1963; cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968. Đặc biệt là các hiện vật gắn với cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975, giải phóng quê hương Thừa Thiên-Huế tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào ngày 30/4/1975.

Những hiện vật quý trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế gắn liền với những câu chuyện lịch sử.

“Các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng đã phát huy giá trị lịch sử về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Thừa Thiên-Huế giai đoạn 1954-1975, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu, học tập. Nơi đây đã trở thành địa chỉ đỏ giáo dục cho các em học sinh, sinh viên trong và ngoài tỉnh khi đến tham quan Bảo tàng”, chị Mai An bày tỏ.

Trong số rất nhiều hiện vật được trưng bày, bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế phải kể đến bộ sưu tập vũ khí với 114 hiện vật gắn liền với cuộc chiến đấu của quân và dân Thừa Thiên-Huế. Điển hình như khẩu súng K59 của Anh hùng Hồ Vai ở huyện A Lưới.

Năm 1965, ông Vai được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đến năm 1968, ông Vai được Bộ Quốc phòng tặng khẩu súng này để tham gia chiến đấu tại địa bàn miền Tây Trị Thiên. Hay khẩu súng 12,7 ly của Đại đội 17, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 đã được các chiến sĩ dùng để chiến đấu ngoan cường giữ vững cửa Chánh Tây, Thành nội Huế và bắn rơi 14 chiếc máy bay địch trong chiến dịch Mậu Thân 1968. Khẩu súng AK của đồng chí Trịnh Văn Tuynh (C1K2E6) tiêu diệt 65 tên Mỹ tại cửa Đông Ba Huế năm 1968.

Với thành tích này, đồng chí Tuynh được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 3 và danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Súng AK được đồng chí Nguyễn Cảnh Huệ, Tiểu đội trưởng, Trung đoàn 2 sử dụng cùng đồng đội diệt 27 tên địch, bắt sống 40 tên trong đó có 1 Đại úy ngụy, thu được 3 xe tăng tại quốc lộ 1, khu vực Phú Bài vào năm 1975, sau đó đồng chí Tuynh được tặng thưởng Huân chương giải phóng hạng Nhất.

Ngoài ra, Bảo tàng còn lưu giữ bộ sưu tập cờ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến với 48 lá bao gồm 6 lá cờ Tổ quốc, 1 lá cờ Đảng, 6 lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, 7 lá cờ “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”, 1 lá cờ “Đơn vị khá nhất”, 1 lá cờ “Đơn vị đã có thành tích sản xuất và xây dựng khá nhất”... Một số lá cờ có giá trị lịch sử rất đặc biệt, tiêu biểu như lá cờ “Giải phóng” rộng 8m, dài 12m tung bay trên đỉnh cột cờ Phu Văn Lâu vào ngày 26/3/1975 đánh dấu mốc son lịch sử Thừa Thiên-Huế hoàn toàn giải phóng.

“Mỗi hiện vật đều gắn liền với mỗi câu chuyện lịch sử mà qua đó chúng em càng thêm thấu hiểu về những năm tháng chiến tranh gian khổ, ác liệt cùng ý chí kiên cường, sự dũng cảm của các thế hệ cha anh đi trước trong cuộc chiến đấu giải phóng quê hương, thống nhất đất nước”, sinh viên Nguyễn Mạnh Thứ, Đại học Huế, tham quan Bảo tàng chia sẻ.

Bên cạnh các hiện vật lịch sử thuộc hệ thống trưng bày, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế còn trưng bày tại 4 di tích, gồm Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Chí Diểu (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang); di tích Phan Bội Châu (phường Trường An, TP Huế); di tích Xứ ủy Trung Kỳ (114 Phan Đăng Lưu, TP Huế); khu Chứng tích lịch sử Chín Hầm và nhà Ngô Đình Cẩn (phường An Tây, TP Huế). Bảo tàng còn có hệ thống kho kiểm kê, bảo quản với hơn 30 ngàn tư liệu, hiện vật và nhiều bộ sưu tập có giá trị.

Những hiện vật lịch sử đang được trưng bày, lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế thể hiện tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất trong công cuộc chống ngoại xâm và xây dựng quê hương của Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế. Qua đó góp phần giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho các em học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ khi đến tham quan...

Anh Khoa
.
.
.