Di sản thiêng liêng của một thời lửa đạn

Thứ Ba, 25/07/2017, 16:36
Ngày 25-7, tại Hà Nội, hơn 100 đại biểu gồm nhiều Tướng lĩnh, Anh hùng LLVTND, cựu tù chính trị, thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, cựu chiến binh tiêu biểu đã cùng tham gia hội thảo khoa học “Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc”.

Đây là hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, Quỹ Mãi mãi tuổi 20, Hành trình “Mỗi nén hương một tấm lòng” tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2017).

Hội thảo khoa học "Những lá thư thời chiến với lịch sử, truyền thống và văn hóa dân tộc" tại Hà Nội ngày 25-7

Tại hội thảo, hơn 30 tham luận của các tác giả từ khắp mọi miền đất nước đã được chuyển về cho ban tổ chức. Các tham luận không chỉ soi chiếu giá trị của những lá thư thời chiến Việt Nam dưới nhiều góc độ của lịch sử, truyền thống, văn hóa dân tộc mà còn cung cấp rất nhiều câu chuyện xúc động từ chính chủ nhân của các bức thư cũng như những người đã nâng niu, gìn giữ chúng qua nhiều thập kỷ.

Công trình "Những lá thư thời chiến Việt Nam" do nhà văn Đặng Vương Hưng dày công sưu tầm, biên soạn

Với Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh Không quân, nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh thì những lá thư thời chiến chính là những nhịp cầu kết nối yêu thương hữu hiệu nhất. Bởi lẽ, ngay từ trong kháng chiến chống Pháp, ông và vợ đều lên đường tham gia cách mạng. Ông chiến đấu ở chiến trường Bình Trị Thiên và Trung Lào còn vợ ông công tác tại chiến trường Bình Trị Thiên rồi lui về hậu phương. 

Một tiết mục biểu diễn xúc động của các cựu thanh niên xung phong 

Trước khi lên đường, ông và vợ quy ước mỗi tháng viết cho nhau tối thiểu 1 lá thư. Mỗi khi đọc thư vợ, ông có thể hình dung mọi việc đang diễn ra ở nhà ra sao, các con đang làm gì…Nhiều tháng, thư đến chậm là ông lại bồn chồn không yên. 

Thiếu tướng Phan Khắc Hy cũng thú thật rằng, những lần ra chiến trường, nỗi nhớ nhung vợ con, gia đình được ông gửi trọn vào những trang thư tràn ngập yêu thương. Những lá thư viết trên giấy pơ luya ấy đã theo ông suốt các chặng đường hành quân, mang theo cả tình yêu, tấm lòng của vợ… 

Mẹ ông thương con, thương dâu nên đã cất giữ những bức thư con trai gửi về rất cẩn thận. Bà bọc chúng lại bằng mo cau, giấu trên gác bếp để ngừa mốc mọt. Mỗi khi có máy bay Mỹ ném bom, trước khi xuống hầm ẩn nấp, bà đều chạy đến gác, lấy mo cau bọc thư đem theo. Khi yên ổn trở lên mặt đất bà lại cất chúng lên gác bếp. Nhờ vậy, thư từ giữa hai vợ chồng ông vẫn còn nguyên vẹn đến ngày hôm nay. Hiện tại, vợ chồng ông vẫn giữ hơn 500 bức thư tình đã viết cho nhau…

Sự xuất hiện của những nghệ sĩ áo lính một thời thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng

Với Thiếu tướng, AHLLVTND Phan Văn Lai, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị - Bộ Công an, Trưởng ban liên lạc Cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ thì những lá thư thời chiến còn là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn của lực lượng CAND. Chứa đựng những tình cảm chân thực nhất, các lá thư phản ánh một cách phong phú các mặt sinh hoạt rất đời thường của cuộc sống cũng như tâm tư, tình cảm của lực lượng Công an sống trong lòng địch và thân nhân của họ ở hậu phương.

Những lá thư ấy được gọi chung là “Những lá thư thời chiến Công an nhân dân” – một bộ phận của “Những lá thư thời chiến Việt Nam”. Đây là những kỷ vật độc đáo, nối liền tiền tuyến với hậu phương, có giá trị động viên tư tưởng chính trị to lớn nhưng cũng là tư liệu lịch sử quý giá bổ sung vào truyền thống lực lượng CAND, đóng góp vào kho tư liệu lịch sử chống ngoại xâm vang dội ở thế kỷ XX.

Rất nhiều đại biểu, bạn đọc chúc mừng nhà văn Đặng Vương Hưng và  

Soi chiếu các giá trị của những lá thư thời chiến Việt Nam dưới góc độ lịch sử, PGS.TS  Hà Minh Hồng, giảng viên khoa Lịch sử trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh khẳng định: Không có cuộc chiến tranh nào trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam lại sản sinh một lượng thư thời chiến khổng lồ như cuộc cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Thư thời chiến ở Việt Nam thuần túy là tình cảm cụ thể của con người thời chiến, viết ra giấy mực để chia sẻ chứ không phải lưu truyền. Thư nói về suy nghĩ, tình cảm riêng tư chứ không phải phản ảnh tâm nguyện chung của tập thể nào, địa phương nào. 

Thư được giữ làm kỷ vật, kỷ niệm cá nhân chứ không nhằm lưu trữ thành tài liệu, sử liệu cho bất cứ giới nghiên cứu nào. Nhưng chính sự sản sinh tự nhiên với lý do tự thân và tự do cá nhân như thế, thư thời chiến đã nghiễm nhiên trở thành loại tài liệu đặc biệt có một không hai ở Việt Nam, là nguồn sử liệu cá nhân độc đáo bậc nhất về lịch sử chiến tranh ở Việt Nam. Có thể hình dung, nếu ghép tất cả những lá thư thời chiến trong một cuộc chiến vào với nhau, chúng ta sẽ có một bức tranh không gian 4 chiều khổng lồ không tưởng tượng nổi…

Tiến sĩ, nhà văn Lê Thị Bích Hồng, nguyên Phó vụ trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng “Những lá thư thời chiến Việt Nam” sẽ luôn mang thông điệp về cái đẹp, có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn sâu sắc, có tác dụng lớn phục vụ phong trào và sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong đời sống nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và phát triển nhận thức xã hội, góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

Được biết, “Những lá thư thời chiến Việt Nam” là công trình khoa học do nhà văn Đặng Vương Hưng sưu tầm, biên soạn trong 10 năm (2005 – 2015), tập hơn hơn 300 lá thư của 127 tác giả. Người viết thư thuộc đủ mọi lứa tuổi và tầng lớp xã hội nhưng đều giống nhau ở một điểm là trực tiếp đi qua chiến tranh. Đa phần các tác giả, nhân vật trong thư được giới thiệu là liệt sĩ, thương binh và hầu hết họ đều không còn nữa. Bởi thế, nhiều lá thư không chỉ là kỷ vật vô giá, mà còn là di vật thiêng liêng, từng đặt trên bàn thờ của nhiều gia đình. 

Chia sẻ về “Những lá thư thời chiến Việt Nam”, nhà văn Đặng Vương Hưng cũng khẳng định, đây là những tư liệu lịch sử chân thật nhất, sống động nhất nhưng chưa được khai thác đúng tiềm năng vốn có. Đối tượng có thể khai thác từ những lá thư này rất rộng. Đó có thể là các nhà văn, nhà báo, là các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa… 

Để phát huy giá trị từ di sản thiêng liêng này, điều cần thiết nhất hiện nay là làm sao để cộng đồng xã hội biết đến rộng hơn, sâu hơn để mọi người, đặc biệt là người trẻ hiểu hơn những cảm xúc, suy tư của thế hệ ông cha trước, những khoảnh khắc định mệnh của lịch sử, của đất nước. Từ đó, mọi người sẽ hiểu thấu đáo hơn quá khứ, tự xây dựng cho mình một lý tưởng sống, hoài bão sống đẹp hơn, có ích hơn cho đất nước và cuộc đời này. 

N.Hoa
.
.
.