Đi lễ ở nơi không có hòm công đức

Thứ Tư, 21/02/2018, 08:44
Một mùa lễ hội mới lại bắt đầu trên khắp đất nước. Người người hồ hởi đi du lịch tâm linh với nhiều tâm thế khác nhau.

Tránh xa những đền chùa, di tích tràn ngập hòm công đức, chúng tôi tìm đến một không gian tĩnh lặng với những nét đẹp văn hoá được người dân cảm mến từ nhiều năm nay.

Chùa Tiêu (xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) nằm trên sườn núi Tiêu, nhìn ra một vùng bình địa. Dù ngôi chùa không lớn nhưng di tích này lại thu hút rất đông khách đến du xuân. 

Không xô bồ, không một chút cảm giác thương mại như nhiều di tích khác, nơi đây có một không gian văn hoá tâm linh khá tĩnh lặng giữa vùng cây cối tốt tươi xứ Kinh Bắc.

Chùa Tiêu được dựng trên sườn núi Tiêu thuộc xã Tương Giang, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là danh thắng nổi tiếng đồng thời là trung tâm phật giáo lớn và cổ xưa của nước ta. 

Đây là chốn tu thiền, giảng đạo của nhiều bậc cao tăng và là nơi Vạn Hạnh – vị Quốc Sư, (người có công nuôi dạy Lý Công Uẩn, vị vua khởi dựng triều Lý) đã trụ trì và viên tịch. 

Ngôi chùa có kiến trúc quy mô với hệ thống nhà Tam bảo, viện cảm tuyền, nhà tổ, bảo tháp... Những công trình của chùa là sản phẩm kiến trúc nghệ thuật thời Lê – Nguyễn. 

Trong chùa, hệ thống tượng phật, tượng Thiền sư Vạn Hạnh, nhiều đồ thờ tự, bia đá, chuông đồng, hoành phi câu đối là những hiện vật, tài liệu quý có giá trị lịch sử. Ngôi chùa đã được Bộ Văn hoá thể thao và du lịch công nhận di tích lịch sử nghệ thuật năm 1991.

Chùa Tiêu còn lưu giữ, bảo quản nhục thân thiền sư Như Trí “ngồi kiết già” trong nhà thờ Tổ. Pho tượng táng tại tháp cổ chùa Tiêu gần 300 năm. Thiền sư Như Trí là người có nhiều bộ sách Phật học có giá trị về Phật giáo, văn học, triết học và văn hoá dân gian. 

Bước lên những bậc đá, vào ngôi chùa cổ kính, chắp tay cung kính trước tượng phật, du khách có cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản, không chút bon chen. Trước bàn thờ phật hay trước bức tượng nhục thân thiền sư Như Trí không hề có một hòm công đức như vốn có ở những điểm di tích khác. 

Tiếp tục leo bậc đá lên pho tượng Thiền sư Vạn Hạnh trên đỉnh núi, du khách cũng nhận ra rằng, nơi đây hoàn toàn không có hòm công đức. Du khách thảnh thơi đến hành lễ và thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình. Mặc dù vậy, vẫn như một thói quen, một số du khách gài tiền lẻ vào đĩa đựng đồ lễ cúng.

Dưới sân chùa, có một không gian bày sách giới thiệu về di tích chùa Tiêu và các vị sư trụ trì. Trong tủ kính đặt tại đó có tiền khách dùng để mua sách. Tránh du khách hiểu lầm, nhà chùa dán giấy thông báo ghi rõ đây không phải hòm công đức, “giá sách đề tại bìa sau, các độc giả mua tự giác để tiền vào trong thùng”. 

Không có người bán sách, không có người giám sát khách mua sách, một không gian mở phát huy tính tự giác của du khách đã thực sự chiếm được cảm tình của khách đến du xuân.

Sư cụ Thích Đàm Chính đã có hơn 50 năm trụ trì ngôi chùa này. Việc duy trì không có hòm công đức đã được thực hiện từ trước, nhà chùa chỉ nhận công đức khi có việc tu sửa di tích lớn. 

Khi tu sửa xong, nhà chùa không nhận nữa. Còn ai có lòng mừng tuổi thì cụ vẫn nhận để mua hương hoa, dầu đèn làm lễ. Dân trong vùng gọi nhà sư trụ trì một cách cung kính là cụ. 

Cụ cũng có thể ngồi giảng giải cho những vị khách trẻ em hiểu về giáo lý nhà Phật, hiểu về cách sống ở đời. Cậu bé Nguyễn Minh Đức, 8 tuổi, ở Đông Anh, Hà Nội thắc mắc: “Sao nhà chùa lại có ông thiện, ông ác ạ?”. 

Sư cụ đã tận tình lý giải theo cách dễ hiểu cho em bé. Ngày mùng 5 Tết, khách đến lễ chùa khá đông, có những đoàn khách 60 người đến từ tỉnh Thái Bình, Hưng Yên... Đến lễ chùa, quà được mang về là những phần bánh đúc nhà chùa gửi cho với mong muốn du khách gặp nhiều may mắn, năm mới đủ đầy.

Từ những chi tiết nhỏ, từ cách quản lý ngôi chùa không bị thương mại hoá, sự nồng ấm đón nhận tình cảm của du khách đã tạo cho chùa Tiêu trở thành điểm đến văn hoá tâm linh mang dấu ấn đẹp, văn minh, điểm sáng giữa sự xô bồ mà nhiều lễ hội ở nơi khác đang cần phải điều chỉnh. 

Khách đến lễ chùa cũng mang tâm thế buông bỏ mọi mưu lợi, cầu xin cơ hội kiếm tiền, mong thăng quan tiến chức, chỉ còn một điều đọng lại sự bình yên cho tâm hồn.

Việt Hà
.
.
.