Đề xuất phương án bảo tồn và phát huy giá trị bãi cọc Cao Quỳ

Thứ Tư, 15/01/2020, 17:12
Trong khi chờ đợi các giải pháp bảo vệ tiên tiến, theo ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, TP Hải Phòng đã tạm thời cho san lấp, có đánh dấu vị trí cọc toàn bộ 3 hố khai quật tại bãi cọc Cao Quỳ (xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên).


Sự kiện phát hiện bãi cọc Cao Quỳ vào cuối năm 2019 vừa qua đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, sử học và nhân dân cả nước cùng nhu cầu hiểu, nghiên cứu, tham quan di tích. Thực tế đó đòi hỏi cần có phương án bảo tồn cũng như sớm xây dựng hồ sơ di tích cấp thành phố, hướng tới đề xuất công nhận di tích cấp quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt…

Cụ thể, theo Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao Hải Phòng Lê Văn Quý, hiện tại bãi cọc Cao Quỳ được giao cho huyện Thủy Nguyên bố trí lực lượng bảo vệ 24/24 giờ. Cùng với đó, để tránh ô- xi hóa, tổn thất và hao mòn cọc, trước mắt, cơ quan chức năng tạo ụ đất để tránh cọc va chạm, tiếp xúc với không khí, nắng gió. Về lâu dài, thành phố sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia để bảo tồn bãi cọc.

Bãi cọc Cao Quỳ.
Bãi cọc Cao Quỳ sau khi phát lộ đã được lấp đất trở lại để bảo quản.

Cũng theo ông Lê Văn Quý, Sở Văn hóa-Thể thao sẽ tham mưu cho Thành phố làm tốt công tác quy hoạch, nghiên cứu việc đầu tư xây dựng bảo tàng  ngoài trời, tái tạo lại trận chiến Bạch Đằng tại khu vực này hoặc biến nơi đây thành công viên lịch sử về trận chiến Bạch Đằng… Mục đích hướng tới tái hiện được truyền thống lịch sử quý báu để giáo dục lòng yêu nước trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.

“Không chỉ riêng TP Hải Phòng, mà cả nước nói chung cần thực hiện bảo tồn, phát huy giá trị của di tích” – GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phát biểu sau khi khảo sát thực địa, đồng thời đề xuất xây dựng bảo tàng ngoài trời. Thực tế ở Việt Nam hiện có khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) hay di tích văn hóa Óc Eo (Nam Bộ) cũng xây dựng bảo tàng ngoài trời.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh, trong điều kiện khoa học và công nghệ hiện nay, chúng ta có đủ sức thực hiện việc này trên cơ sở huy động nguồn lực của nhà nước và kêu gọi hợp tác quốc tế. Điều đó rất cần trách nhiệm cao của các nhà quản lý, sự vào cuộc của các nhà chuyên môn. Với tiến bộ khoa học công nghệ hiện nay, chúng ta có thể làm mái che, hình thức bảo quản để sau này con cháu có thể tìm tới chiêm ngưỡng…

Từ kinh nghiệm của mình, Giáo sư khảo cổ học Yi-Chang Liu, Chủ nhiệm Khoa Khảo cổ học, Giám đốc Bảo tàng Trường ĐH Thành Công (Đài Loan- Trung Quốc) cũng cho biết, để giữ gìn di tích, tốt nhất là bảo quản tại chỗ, không di dời hiện vật, giữ nguyên môi trường vốn như đã tồn tại hàng trăm năm nay.

Tuy nhiên, cũng theo Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Hải Phòng đến thời điểm hiện tại việc xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận khu di tích cấp thành phố chưa thể làm ngay bởi còn căn cứ vào kết quả báo cáo khai quật bãi cọc của Viện Khảo cổ học và quy hoạch khu di tích của Sở Xây dựng. Cùng với đó, các nhà khoa học, lịch sử vẫn tiếp tục có những hoạt động nghiên cứu dấu tích về chiến thắng Bạch Đằng hai bên bờ sông…

Xuất lộ nhiều hiện vật kim loại

Sau khi phát lộ bãi cọc Cao Quỳ, nhóm nghiên cứu tiếp tục tìm kiếm hiện vật tại 3 hố khai quật và phát hiện tại hố H2 một số hiện vật kim loại dài ngắn khác nhau, từ khoảng 20cm trở lại cùng với nhiều mẩu nhỏ. Các hiện vật sau đó được mang tới Bệnh viện đa khoa huyện Thủy Nguyên để chụp X-quang.

Theo cử nhân khảo cổ học Đinh Thị Thanh Nga, khi có kết quả chụp X-quang, nhóm nghiên cứu sẽ gửi hình ảnh hiện vật tới các chuyên gia phân tích quốc tế để xác định loại hình, kiểu dáng của hiện vật, phục vụ hoạt động nghiên cứu khảo cổ, đồng thời tiếp tục tiến hành khảo sát bãi cọc trên diện rộng.

V.Huy
.
.
.