Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ Việt Nam:

“Để thành công, chúng tôi phải trả giá nhiều!”

Thứ Ba, 13/09/2016, 08:32
Chỉ sau một thời gian không lâu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố chương trình hỗ trợ các đơn vị sân khấu đưa các chương trình, vở diễn chất lượng cao ra biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ, mở rộng dự án “Thắp sáng niềm tin” đưa nghệ thuật sân khấu đến với nhiều tầng lớp khán giả trên cả nước.

Đây là những nỗ lực của cơ quan quản lý lẫn đội ngũ nghệ sĩ trong hệ thống công lập nhằm tiếp cận người xem nhưng không sử dụng ngân sách Nhà nước. Nhân dịp này, NSND Lê Khanh, Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ đã dành cho chúng tôi một buổi trò chuyện cởi mở và thẳng thắn quanh xu hướng xã hội hóa của sân khấu phía Bắc hiện nay.

Phóng viên: Chị nhận định như thế nào về xu hướng xã hội hóa sân khấu hiện nay?

NSND Lê Khanh: Khanh nghĩ đây là một xu hướng không tránh được và phải nhìn nó với một động thái tích cực. Nó thúc đẩy sự phát triển. Nếu “cho không biếu không”, nuôi nấng từ A đến Z thì không bao giờ phát triển được. Nhưng vấn đề là mình đang đi quá cái giá trị của nhà hát công được đầu tư từ tiền của Nhà nước, từ nguồn thuế của nhân dân, đi quá nó về khai thác giá trị mang tính phục vụ. Yếu tố phục vụ ấy khiến đôi khi chúng ta tự huyễn tưởng về vai trò của mình mà quên đi mất trách nhiệm phải gánh vác là xây dựng các giá trị nghệ thuật.

 Trong những lần Khanh đi tu nghiệp ở nước ngoài, thấy họ cũng có những nhà hát công của quận hoặc thành phố nhưng bao giờ họ cũng phải có những điều kiện đi kèm. Khi Khanh chia sẻ về hệ thống nhà hát công của Việt Nam, họ rất ngưỡng mộ, khâm phục vì một đất nước có kinh tế phát triển vẫn còn khiêm tốn như thế mà có được ngần ấy nhà hát công. Họ không ngờ, nhà nước mình lại trân trọng giá trị văn hóa nghệ thuật như thế.

Phóng viên: Nhưng cũng phải thừa nhận rằng sự ưu ái với hệ thống công cũng có khi tạo sức ỳ cho đối tượng thụ hưởng?

NSND Lê Khanh: Đúng rồi. Thế nên khi họ hỏi là các chương trình ấy có bán được vé không thì mình bắt đầu lúng túng. Giá như chúng ta ý thức được mình đã được hưởng từ thuế của nhân dân để có trách nhiệm hơn trong phần sáng tác, trong việc làm thế nào để tập hợp mọi trí lực để bán được vé thì mới tốt. 

Bây giờ các ngành nghề, công việc như Marketing, PR cực kỳ phổ biến nhưng các nhà hát công chưa làm được điều ấy. Tôi tin là khi còn mời không thì có nghĩa mặc nhiên khán giả sẽ nghĩ rằng của cho không sẽ không có giá trị lắm. Trong khi hiện nay có rất nhiều chương trình, show nghệ thuật, giá vé rất cao. Tôi được biết, tháng 11 có đêm nhạc của nhạc sĩ Phú Quang, giá vé không rẻ nhưng năm nào tổ chức cũng bán được vé. Vấn đề là cách PR, cách tiếp cận với khán giả.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh.

Phóng viên: Nhiều năm gắn bó với nhà hát công, theo chị, tại sao các nhà hát công không bán vé được?

NSND Lê Khanh: Theo chủ quan của tôi thì muốn có một chiến dịch marketing cho một tác phẩm sẽ tốn không ít tiền. Nhưng tiền để đầu tư vào một nhà hát công thì không có nhiều, để trả tiền điện, tiền lương đã hết rồi. Gói tiền để chúng tôi sản xuất đã không đủ rồi. Nó không còn dư để làm marketing, quảng cáo. Ngày xưa còn có cộng tác với đài truyền hình để chia sẻ, hỗ trợ thông tin.  Sau này, do cạnh tranh, các đơn vị không có tiền để vào các kênh quảng cáo. Nhiều lắm thì chúng tôi sử dụng báo chí, bây giờ là mạng xã hội.

Phóng viên: Nhà hát Tuổi trẻ đã bước vào xã hội hóa hoạt động sân khấu. Theo chị, đến thời điểm này, đời sống của cán bộ công nhân viên đã cải thiện được nhiều chưa?

NSND Lê Khanh: Thật ra Nhà hát Tuổi trẻ đã dùng cách này nhiều năm rồi. Nều chỉ thụ hưởng số tiền được chia của hệ thống công thì ít lắm, có khi chỉ chia được 1 lần/năm. Nếu chỉ giới hạn trong tác phẩm đầu tư công thì không đủ sống. Như vậy, thời gian còn lại thì diễn cái gì? Chúng tôi phải tự tập hợp lại với nhau, tìm và chọn kịch bản có chất lượng mà mình thích đưa vào sản xuất, nhà hát đầu tư.  Với cách làm này, đời sống của mọi người được cải thiện hơn rất nhiều. Từ nghệ sĩ đến các nhân viên hoạt động đằng sau sân khấu như người trông xe, soát vé, tổ chức biểu diễn…, ngay cả người dân sống quanh Nhà hát cũng có thế cải thiện được đời sống của mình nhờ các dịch vụ đi kèm.

Tuy nhiên, chúng tôi cũng phải trả giá nhiều. Chúng tôi rất là bận, bận khủng khiếp. Nhà hát Tuổi trẻ chỉ có một sân khấu thôi nên chúng tôi phải đợi người này ra người kia vào. Có khi một ngày thay sân khấu 3 lần. Không ai còn có thì giờ về nhà. Làm không có ngày nghỉ…

Phóng viên: Thường ở đơn vị công lập chuyển sang hoạt động xã hội hóa, nhiều người rất ngại đi tìm tài trợ, tìm kinh phí đầu tư và tái đầu tư sản xuất. Còn với Nhà hát Tuổi trẻ thì sao, thưa chị?

NSND Lê Khanh: Trong mỗi đơn vị đều có những người rất thích làm nội dung nhưng cũng có những người thích làm tổ chức biểu diễn. Trước hết phải là các bạn ấy phải ham thích đã. Bằng năng lực của mình, kết nối các quan hệ của mình, bằng tài thuyết phục của mình, nếu thành công trong một hợp đồng nào đấy, đưa nghệ thuật đến với khán giả thì các bạn ấy cũng đều sung sướng, y như chúng tôi làm được một tác phẩm nghệ thuật thành công vậy. Ngoài ra, nhà hát cũng rất công bằng với sức lao động của các bạn ấy, coi nó giống như là sự nghiệp của một người.

Phóng viên: Nhà hát đã làm như thế nào để đưa tác phẩm của mình tiếp cận khán giả?

NSND Lê Khanh: Nhà hát rất năng động trong việc này, đặc biệt là nghệ sĩ ưu tú Chí Trung. Ngay từ khi còn là đoàn trưởng, anh ấy đã rất tích cực trong việc tìm kiếm nguồn kinh phí tái đầu tư sản xuất. Ngay việc chúng tôi có rất nhiều món hàng có thể đáp ứng nhiều đối tượng khán giả cũng là một ưu thế. Nhà hát Tuổi trẻ thành lập từ năm 1978. Khi ấy chúng tôi mới 16 tuổi. Tất cả dàn diễn trẻ thời ấy chỉ diễn các vở thiếu nhi, thanh niên. Dần dần, khi trưởng thành, chúng tôi bắt đầu diễn kịch kinh điển, tâm lý, bi kịch, hài kịch. Đối tượng khán giả của chúng tôi từ mẫu giáo, tiểu học đến các đối tượng người lớn khác.

Phóng viên: Làm nhiều chương trình, phục vụ nhiều đối tượng khán giả như thế, các anh chị có khó khăn về kịch bản không?

NSND Lê Khanh: Hiện nay cả thế giới khó và luôn luôn khó về vấn đề này. Nếu các bạn thấy liên tục phục dựng vở cũ là một dấu hiệu thiếu kịch bản.

Phóng viên: Xin cảm ơn chị

Ngọc Nguyễn (thực hiện)
.
.
.