Để phố hàng rong hấp dẫn du khách

Thứ Hai, 06/11/2017, 10:32
Sau hơn hai tháng hoạt động, hai phố hàng rong giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh là đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp (cùng tại quận 1) không chỉ bước đầu đạt được kết quả tích cực mà còn thu hút hàng trăm khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến mỗi ngày.

Nhiều thực khách nói họ bắt đầu… “nghiện” chỗ ngồi và đặc biệt là những món ăn dân dã luôn phong phú trong con phố này...

Kỳ vọng níu chân du khách

Nằm ngay cạnh chân tòa nhà Trung tâm Thương mại Diamond Plaza bề thế, phố hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm có chiều dài hơn 100 mét hiện được bố trí làm nơi kinh doanh cho 40 hộ kinh doanh, hoạt động theo 2 khung giờ mỗi ngày (sáng từ 6 - 9 giờ và trưa từ 11 - 14 giờ). Còn phố hàng rong tại Công viên Bách Tùng Diệp có chiều dài chỉ 30 mét, với 15 quầy được bố trí 2 hộ một gian hàng hoạt động với khung giờ tương tự phố hàng rong trên đường Nguyễn Văn Chiêm.

Theo quy định của chính quyền thành phố, người buôn bán được ưu tiên chọn vào phố hàng rong trước tiên thuộc diện gia đình chính sách, hoàn cảnh gia đình thật sự khó khăn và đặc biệt là có “thâm niên” buôn bán hàng rong được UBND phường Bến Nghé và Phòng Kinh tế quận 1 lựa chọn.

Thực tế, đó mới là những điều kiện cơ bản của “hồ sơ” ban đầu. Điều quan trọng hơn vẫn là ý thức của những “người trong cuộc” khi họ nhận thức được rằng, cùng là dân nghèo từng kinh doanh vất vưởng trên vỉa hè, họ là những người may mắn hơn, nhất là điều kiện cơ bản tại địa điểm kinh doanh được chính quyền và ngành chức năng quan tâm.

Một người dân sống gần phố hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm cho biết, từ ngày con phố này hoạt động đến nay, tình hình an ninh trật tự luôn được bảo đảm. Bên cạnh hệ thống camara tránh được tình trạng trộm cắp vặt, lực lượng bảo vệ luôn có mặt, giúp các hộ dân kinh doanh giám sát con phố. Tiểu thương buôn bán ở đây cũng luôn ứng xử có văn hóa với thực khách, nhất là thực khách nước ngoài. Sau hai tháng khai trương chưa hề có cuộc cãi vã nào.

Mấy ngày liên tiếp có mặt tại phố hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm, chúng trôi ghi nhận được tín hiệu tích cực. Đó là vào giờ nghỉ trưa, thực khách lội bộ đến đây rất đông. Các hộ kinh doanh luôn tất bật phục vụ. Vất vả nhưng ai cũng rạng rỡ nụ cười bởi áp lực mưu sinh từng đè nặng trên vai họ giờ đã không còn như thời trước “chiến dịch” giành lại vỉa hè – vừa bán vừa canh lực lượng chức năng. Tranh thủ lúc quán đã bớt khách, tôi trò chuyện chủ quầy số 11 - chị Võ Thị Hoàng Nga.

Chị Nga bộc bạch, trước đây, chị bán hàng rong bên phố đi bộ Nguyễn Huệ. “Từ sau đợt lập lại trật tự vỉa hè, do  gia đình tôi thuộc diện khó khăn nên được quận 1 bố trí về phố này. Người dân vào đây buôn bán không phải nộp một loại phí nào. Mấy ngày rồi, khách ghé khá đông, bữa nào bán cũng hết hàng, thu nhập của ổn định hơn, mừng lắm…”.

Đi qua từng quầy, tôi mới biết thêm nguyên nhân phố hàng rong ngày càng được thực khách tìm tới, nhất là khách du lịch trong ngoài nước và đặc biệt là giới trẻ. Đó là 20 gian hàng cùng hoạt động nhưng vẫn thể hiện văn hóa ẩm thực riêng của từng vùng miền, dễ dàng tạo sự chọn lựa cho thực khách. Người bán cũng thoải mái chào mời, chẳng ngại “đụng chạm” với quầy cạnh bên.

Khi biết chúng tôi quan tâm đến sự an toàn của những món thức ăn đang được thực khách thích thú, ông Đỗ Quốc Vĩnh, chủ quầy số 5 chia sẻ: “Tôi và các chủ quầy đều ý thức được việc này bởi không khéo, chọn rau, thịt, cá không an toàn, người ta ăn vô bị đau bụng hay bị gì đó cho sức khỏe là mình mất khách ngay. Đó là chưa kể chỉ một người làm, tất cả các hộ ở đây đều bị vạ lây. Mà tôi nghĩ, chỗ buôn bán nào cũng vậy thôi, mình phải sạch sẽ, đảm bảo an toàn thì khách mới ghé và quay lại lần sau”.

Chị Nguyễn Ngọc Phương Nhi cho biết, nhà chị cũng ở quận trung tâm nhưng chị thường xuyên đến phố hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm để ăn uống, không phải chỉ vì thức ăn ngon, phong phú, giá cả rất bình dân mà quan trọng nhất là vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Và chị Nhi kể tôi nghe nguyên nhân khác khiến chị trở thành “khách truyền thống” của phố hàng rong này: “Tôi có một người bạn nước ngoài và từng được tôi dẫn đến đây để thưởng thức món ăn dân dã. Mấy hôm nay người bạn tôi rất thích ghé đây bởi bạn ấy có nghĩ đến ý tưởng thành phố nên mở thêm nhiều phố hàng rong như vầy để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Người bán hàng có thể mặc trang phục truyền thống như áo bà ba, áo dài hay đội nón lá. Kèm đó là các hoạt động vui chơi, giải trí đơn giản, phù hợp với không gian của khu phố như các trò chơi dân gian, văn nghệ mang tính hoài cổ. Bạn tôi nói thực khách nước ngoài họ rất thích tiếp cận ẩm thực dân dã đặc trưng vùng miền, quan trọng hơn là vừa ăn vừa thưởng thức văn hóa của Việt Nam”.

Thực khách đang thưởng thức món ăn dân dã tại phố hàng rong Nguyễn Văn Chiêm.

Để trở thành điểm dừng chân

Do mới được hình thành nên bên cạnh những mặt được, dễ thấy, các phố hàng rong tại TP Hồ Chí Minh vẫn cần được chăm chút nếu muốn níu chân du khách. Hôm đến phố hàng rong tại Công viên Bách Tùng Diệp, chúng tôi được nghe kể do thiếu kiềm chế, hai người bán hàng rong đã xảy ra xung đột, vi phạm quy định của chính quyền quận 1 nên đã bị rút giấy phép kinh doanh tại đây.

Một hộ kinh doanh nói giọng tiếc rẻ nhưng rất tán đồng với sự nghiêm minh của chính quyền: “Như vậy mới được. Bà con khác không có chỗ mà bán, đằng này có chỗ rồi thì lại lo gây gổ nhau. Hôm đó, khách nhìn thấy phản cảm vô cùng”.

Về thời gian hoạt động, cả hai phố hàng rong đều “đóng cửa” sau 15h mỗi ngày trong khi từ xế đến chiều tối là thời điểm thực khách thích ngồi thưởng thức thức ăn dân dã đang có tại phố hàng rong. Trong khi đó, nhiều thực khách nói họ rất ít nghe nói về hai phố hàng rong này cũng như khung giờ hoạt động của nó. Nhiều thực khách đến ngoài khung giờ hoạt động, thấy các quầy “đóng cửa”, tưởng phố đã bị dẹp nên cũng không quay lại. Nhiều chủ quầy cho biết mỗi ngày họ chỉ được bán có 2 khung giờ ngắn ngủi, hai ngày cuối tuần lại không được bán, thời gian rảnh rỗi nhiều quá nên họ phải tìm thêm công việc khác để mưu sinh.

Khi đến phố hàng rong ở Công viên Bách Tùng Diệp khi mới được khai trương (cách nay vừa hơn 1 tháng), nhìn cảnh bài trí của các gian hàng tại đây (hầu hết bằng gỗ, đậm chất truyền thống và có chỗ ngồi rộng rãi), nhiều thực khách so sánh: “Phố hàng rong bên đường Nguyễn Văn Chiêm trang trí chưa đủ sức hấp dẫn du khách. Người ta dễ nghĩ đến một con phố ẩm thực nhiều hơn”. Còn đối với phố hàng rong tại Công viên Bách Tùng Diệp, một du khách “chê” rằng có quá nhiều gian hàng bán nước uống. Chính điều này đã hạn chế sự lựa chọn của khách hàng. 

“Việc thí điểm các con phố hàng rong thể hiện sự quan tâm của chính quyền quận trung tâm đối với người dân nghèo từng mua gánh, bán bưng vất vả. Kết quả đạt được bước đầu vẫn còn mong manh nhưng đó là tín hiệu tích cực. Chính quyền thành phố cần chăm chút nhiều hơn cho sự tồn tại và hiệu quả của các con phố này; đồng thời tìm điểm hợp lý để tiếp tục cho ra đời nhiều con phố như thế, vừa giải quyền phần nào nhu cầu của người dân nghèo bao năm nay bám theo vỉa hè mưu sinh, vừa giải quyết nhu cầu thực tế của thực khách và nghĩ đến biến những con phố hàng rong thành điểm dừng chân lý tưởng”, một thực khách mong mỏi. 

Phương Thảo
.
.
.