Để du khách đến miền Tây mà không muốn về

Thứ Năm, 26/10/2017, 09:21
Ngày 25-10, tại Cần Thơ diễn ra hội nghị thường niên đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với chủ đề “Thu hút đầu tư hạ tầng - nền tảng phát triển du lịch ĐBSCL”.


Đa số các ý kiến đều cho rằng, đây là vùng đất nhiều tiềm năng phát triển du lịch nhưng hạ tầng phục vụ còn hạn chế, chưa thu hút được đầu tư để giữ chân du khách. Năm 2016, ĐBSCL đón 28 triệu lượt khách, trong đó có 2,5 triệu lượt khách quốc tế và có 8,5 triệu khách lưu trú, doanh thu đạt 15.000 tỷ đồng.

Hội chợ bánh dân gian Nam Bộ thu hút du khách.

ĐBSCL chỉ có khoảng 60 khách sạn từ 3-5 sao, với khoảng 30.000 phòng tập trung chủ yếu ở Phú Quốc (Kiên Giang) và Cần Thơ. Với những tài nguyên và địa lý thuận lợi, ĐBSCL có nhiều địa điểm thu hút khách du lịch như: Bà Chúa Xứ núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư (An Giang), đảo ngọc Phú Quốc, Nam Du, Hà Tiên (Kiên Giang), vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười, chợ nổi Cái Răng tại Cần Thơ.

Nhiều vườn cây ăn trái và nhà cổ tại Tiền Giang, Vĩnh Long cùng các di tích lịch sử cách mạng và lễ hội đặc sắc… đã tạo nên bức tranh sinh động cho việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, trải nghiệm đời sống sông nước, tâm linh, du lịch cộng đồng…

TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chi nhánh Cần Thơ cho biết: “Hiện nay, khách nước ngoài đến Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL nhiều hơn trước. Họ đến đây vừa đi du lịch và tìm cơ hội kinh doanh”.

Ông Phạm Thế Triều, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL nhìn nhận: Các cơ sở lưu trú cho du khách thiếu trầm trọng. Khu vui chơi giải trí lớn chỉ có 2 nơi là Vinpearl Phú Quốc và Nhà Mát Bạc Liêu. ĐBSCL chưa có nhiều điểm dừng chân lớn, trung tâm mua sắm tầm cỡ để thu hút khách.

Theo ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ: Do sự kết nối chưa tốt nên ảnh hưởng đến các tỉnh bạn. Ví dụ như nếu người ở Hải Phòng muốn đi An Giang du lịch thì họ phải đi xe lên Hà Nội rồi bay vào Cần Thơ. Từ đây lại đi xe lên An Giang. Cần phải chú trọng phát triển du lịch đường thuỷ nhưng loại hình này còn bị bỏ ngỏ.

Theo Quy hoạch phát triển du lịch ĐBSCL đã được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, ĐBSCL đón 34 triệu lượt khách. Trong đó có 3,5 triệu lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 25.000 tỷ đồng. Hiện, vùng ĐBSCL đang mời gọi 33 dự án thuộc nhóm bất động sản và du lịch, với tổng vốn gần 78.000 tỷ đồng và 45 dự án khác về nông nghiệp, công nghiệp, hạ tầng, với tổng nguồn vốn 150.000 tỷ đồng.

Nhiều tiềm năng điểm đến của vùng ĐBSCL là du lịch nông nghiệp nông thôn của Quốc gia với các sản phẩm du lịch: nghỉ dưỡng ven sông, trên du thuyền; ở homestay; lễ hội du lịch gắn với sông… cần kết nối chuỗi sản phẩm trong vùng. Khi các sản phẩm du lịch này phát triển sẽ giúp nông dân thoát nghèo và giảm bớt ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ phân tích: TP Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế nhưng cần không gian liên kết phát triển du lịch. Hiện nay, khách nước ngoài có xu hướng du lịch trải nghiệm, hành trình. Vì vậy, các địa phương tiểu vùng Đồng Tháp Mười cần có hành động cụ thể, bổ trợ sản phẩm du lịch đặc trưng vùng miền.
Trong liên kết, các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười cần làm sâu sắc hơn sản phẩm du lịch, giữ chân du khách trải nghiệm nét văn hoá thiên nhiên và con người nơi đến, phục du khách tốt hơn, tăng thời gian lưu trú lâu hơn…
Văn Vĩnh
.
.
.