Công nghệ “thách thức” nhiếp ảnh chuyên nghiệp?

Thứ Ba, 29/10/2019, 08:27
Nhờ thành tựu của cách mạng khoa học công nghệ, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có chức năng như máy ảnh, bất kỳ chủ sở hữu nào có nhu cầu sáng tạo nhiếp ảnh cũng đều có thể tham gia hoạt động nhiếp ảnh.

Chưa bao giờ người yêu thích và tham gia hoạt động sáng tạo nhiếp ảnh lại đông đảo như hiện nay và việc phổ biến tác phẩm lại rộng rãi trong cộng đồng như hiện nay.

Với số đông người yêu thích nhiếp ảnh đại chúng thì đây là tín hiệu đáng mừng. Nhưng, với người trong giới nhiếp ảnh chuyên nghiệp thì không hẳn như thế. Vì sao lại có nghịch lý này?

Tại Festival Nhiếp ảnh trẻ toàn quốc năm 2019 diễn ra vào cuối tháng 10, chỉ sau 3 tháng thông báo, Ban tổ chức Festival đã nhận được đến 2.068 tác phẩm của 1.916 tác giả đăng ký tham gia và đều là các tác giả trẻ, từ 18 tuổi đến 35 tuổi. Nhiều tác phẩm đạt giải cao là những tác giả không chuyên nhưng đam mê mãnh liệt với nghệ thuật nhiếp ảnh.

Các tác phẩm thuộc dòng ảnh ý niệm, ý tưởng được chọn trưng bày tại Festival Nhiếp ảnh trẻ toàn quốc 2019.

Như chia sẻ của chị Phan Thị Khánh, tác giả bộ ảnh “Landmark 81 – Khát vọng vươn cao” – tác phẩm đạt giải Vàng thể loại ảnh hiện thực thì chị vốn là nhân viên ngân hàng, đặc biệt yêu thích nhiếp ảnh và không ngại đầu tư tâm sức cho bộ môn nghệ thuật đặc biệt này. Để có bộ ảnh dự thi, chị đã mất hơn 2 tháng.

Từ nhà đến điểm chụp cách xa hơn 20km nhưng có những ngày chị ở Landmark xuyên đêm, từ 8h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau. Có những ngày nắng nóng như như thiêu như đốt, chị vẫn có mặt tại điểm chụp từ 2h chiều, đến 3h chiều mới có được khoảnh khắc như ưng ý để bấm máy.

“Để có tác phẩm, các tác giả trẻ, dù chuyên nghiệp hay không chuyên cũng đều phải nỗ lực một cách nghiêm túc”, chị Khánh chia sẻ.

Về thực tế này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng nhận định: Sự tham gia tích cực của đông đảo tác giả chứng tỏ nhiếp ảnh đang ngày càng trở lên đại chúng. Việc nhiều người cùng tham gia vào hoạt động sáng tác sẽ tạo ra môi trường hoạt động nhiếp ảnh sôi động hơn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho nghệ thuật nhiếp ảnh.

Tuy nhiên, khi nghệ thuật nhiếp ảnh trở nên đại chúng và đại trà sẽ tạo ra nhiều thách thức cho phát triển nghệ thuật nhiếp ảnh, cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp.  Nếu tính chuyên nghiệp không cao, không cho xã hội thấy được sự năng động, chất lượng nghệ thuật vượt trội, đặc biệt của tác phẩm, nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam, các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp khó khẳng định được vị thế của mình.

Để góp phần nâng tầm nghệ thuật nhiếp ảnh chuyên nghiệp, tại Festival Nhiếp ảnh trẻ toàn quốc năm 2019, lần đầu tiên, Ban tổ chức quyết định tổ chức giải thưởng riêng cho 2 dòng sáng tác: Giải thưởng cho dòng ảnh là ảnh hiện thực – phương pháp sáng tác hiện thực, tôn trọng hiện thực, tôn trọng khoảnh khắc trong hiện thực của nhiếp ảnh; Giải thưởng cho tác phẩm thuộc dòng ảnh ý tưởng, ý niệm.

Việc mở ra giải thưởng cho dòng ảnh ý tưởng, ý niệm được Ban tổ chức kỳ vọng sẽ góp phần mở ra nhiều xu hướng sáng tác hơn nữa cho đời sống sáng tạo nhiếp ảnh, là “sân chơi” đặc biệt cho các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, góp phần  cân bằng nhu cầu, đòi hỏi về sáng tác. Dòng ảnh này sẽ giúp cho người sáng tác chuyển tải được những ý tưởng mà ảnh hiện thực không nói được, không làm được, đặc biệt là  kết hợp được các thành quả của cách mạng công nghệ 4.0 vào sáng tác.

Tuy nhiên, “sân chơi” này chưa nhận được sự quan tâm của nhiều tác giả. Cụ thể, trong hơn 2.000 tác phẩm gửi về tham dự, chỉ có 152 tác phẩm thuộc dòng ảnh ý niệm, ý tưởng. Nhưng, như nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Văn nhận định thì mặc dù có nhiều tác phẩm gây ấn tượng nhất định nhưng chưa hẳn vượt trội.

Chưa kể, dòng ảnh ý niệm, ý tưởng này chỉ còn mới với đa số người yêu thích nhiếp ảnh Việt Nam, còn với thế giới, dòng ảnh này đã tồn tại từ rất lâu. Nhiều tác phẩm là thể nghiệm mới nhưng chưa hẳn thành công.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam cũng cho rằng, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc nhiếp ảnh gia sử dụng đồ họa ngày càng phổ biến.

Khi sáng tạo theo phương pháp này, ở một góc độ nào đó, nhiếp ảnh gia như là họa sĩ. Tác phẩm là kết quả nhiếp ảnh gia xử lý đồ họa tác phẩm của mình hay tác phẩm của người khác khi được phép theo ý niệm, ý tưởng của bản thân. chúng tôi ví các nhiếp ảnh gia đang đứng ở vị trí của một họa sĩ để tạo ra tác phẩm.

Với ảnh ý niệm, những nghệ sĩ trẻ có tư duy tốt có cơ hội tạo ra những tác phẩm mang bản sắc riêng, chất riêng để giới thiệu với người xem và có thể trong ảnh có ảnh. Tuy nhiên, trong nghệ thuật nhiếp ảnh, chúng ta vẫn phải khẳng định, ảnh hiện thực vẫn là dòng chủ lưu chính, nó tồn tại từ khi có nhiếp ảnh đến bây giờ. Nhiếp ảnh không phải là kỹ thuật, cũng không phải là điện ảnh mà trước hết phải là nhiếp ảnh đã.

Chưa kể, một thực tế khác là rất nhiều người tham gia hoạt động nhiếp ảnh hiện nay đang có những sự lẫn lộn nhất định trong xác định thể loại tác phẩm. Trong các bộ nhiếp ảnh nói chung có cả các bộ ảnh là phóng sự ảnh, có ảnh mang tính nghệ thuật. Đây là sân chơi rất rộng, cho phép các tác giả thể hiện một địa danh, công việc, một lĩnh vực theo ý tưởng của mình. Nhưng, các nhà nhiếp ảnh trẻ cũng có thể tham gia vào các sự kiện, sáng tác các chân dung theo dạng phóng sự.

Nhiều người đánh đồng giữa ảnh nghệ thuật đơn thuần với với ảnh giới thiệu một con người, sự kiện, địa danh theo dạng phóng sự ảnh.

“Trong tương lai, chúng ta phải phân biệt đâu là bộ ảnh, đâu là các phóng sự ảnh, phân biệt ra các  thể loại, nâng chất lượng, tính chuyên nghiệp lên. Việc phân biệt, xác định rõ ràng thể loại ảnh, đâu là nhiếp ảnh nghệ thuật, đâu là ảnh phóng sự thì trình độ của nghệ sĩ nhiếp ảnh sẽ tốt hơn và các “sân chơi” cũng cần chuẩn hơn trong trong định nghĩa về sáng tác nhiếp ảnh”, nghệ sĩ Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.

N.Nguyễn
.
.
.