Còn nhiều bất cập trong phát huy nghệ thuật thủ công truyền thống

Thứ Tư, 16/10/2019, 06:28
Hiện nay, cả nước có trên 4.000 làng nghề và có hàng chục triệu lao động sống bằng nghề thủ công truyền thống. Riêng Hiệp hội Làng nghề Việt Nam có đến 13.000 hội viên. Chưa bao giờ làng nghề phát triển như hiện nay nhưng để phát triển bền vững thì chỉ có sự cố gắng của người làm nghệ thuật thủ công truyền thống thôi thì không đủ.


Đó là chia sẻ và khẳng định của nhiều nhà quản lý, chuyên gia, nghệ nhân trong dịp Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 năm 2019 – một trong số ít triển lãm mỹ thuật có “sân chơi” cho các nghệ nhân, người làm nghệ thuật thủ công truyền thống, do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, tổ chức tại Bảo tang Hà Nội.

Họa sỹ Hồ Nam, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật sản phẩm ứng dụng, vô cùng ngạc nhiên khi thấy ở làng sơn mài Hạ Thái, Hà Nội có những đơn hàng lên đến hàng nghìn sản phẩm của hãng thời trang danh tiếng thế giới - Hermes. Để hoàn thiện các sản phẩm này, người thợ thủ công phải đeo kính lúp soi và bắt từng hạt bụi trên sản phẩm.
Mây tre đan là một trong các sản phẩm thủ công truyền thống của Việt Nam đang được ưa chuộng hiện nay.

Chủ cơ sở sản xuất cho biết, dù đã đầu tư kỹ về mặt chất lượng nhưng nếu sản xuất khoảng 500 sản phẩm thì chỉ có khoảng 250 sản phẩm được chấp nhận. Đổi lại, giá thành sản phẩm rất cao, từ 2.000 USD đến 3.000 USD. Đây mới chỉ là số sản phẩm mà Hermes đặt để làm quà tặng kèm những chiếc túi do họ sản xuất.

Cũng theo họa sỹ Hồ Nam, trình độ kỹ thuật sơn mài của Việt Nam từng gây ngạc nhiên cho thế giới nhưng chúng ta chưa chủ động nhân rộng ra, phát triển mà đợi chờ các đơn vị ở nước ngoài tìm đến. Trong khi đó, các nước trên thế giới rất coi trọng nghệ thuật thủ công truyền thống.

Các giải thưởng mỹ thuật ở Nhật Bản đều có giải thưởng dành riêng cho dòng sản phẩm – tác phẩm này. Nhiều trường đào tạo mỹ thuật danh tiếng của thế giới luôn hướng các sáng tạo của nhà thiết kế có kết hợp nhuần nhuyễn với nghệ thuật thủ công như một cách để tạo bản sắc riêng.

Nhà thiết kế Lê Hà, Giám đốc thiết kế của thương hiệu thời trang Canifa cũng cho  hay, làng nghề có thế mạnh của hàng hand made. Trên thế giới, đây là chất liệu của các sản phẩm cao cấp. Nhiều nước châu Á hiện nay đang kêu gọi đưa tính dân tộc vào thiết kế thời trang.

Cũng là sản phẩm từ mây tre đan nhưng thời trang thế giới bán những chiếc mũ giá 70 EUR, trong khi mũ của làng nghề Việt Nam chỉ bán vài chục nghìn.

Vấn đề ở đây là các làng nghề chưa có sự kết nối với các nhà thiết kế giỏi, tân tiến, để có những sản phẩm phù hợp với đời sống hiện đại, mang dấu ấn riêng của văn hóa Việt Nam. Chưa kể, nước ta có nhiều làng nghề nhưng các làng nghề chưa có sự kết nối với nhau, chưa tận dụng được công nghệ, nhất là internet để kết nối, quảng bá.

Trong khi các nước bạn như Hàn Quốc, Nhật Bản đang làm rất tốt. Thậm chí, ngay tại Hà Nội, Hàn Quốc đã đặt văn phòng, nhận giới thiệu các sản phẩm nghệ thuật thủ công truyền thống của Việt Nam trên website của họ và có doanh thu từ hoạt động này. Tại sao Việt Nam chưa làm được, ngay trên đất nước mình?, bà Lê Hà đặt vấn đề.

Nghệ nhân Vũ Hy Thiều, thành viên Hội đồng tuyển chọn và chấm giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc 2019 thì cho rằng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ đòi hỏi sự tinh xảo, cầu kỳ, có tính chất của nghệ thuật trang trí, có sự sáng tạo của các nghệ nhân.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 10 triệu người sống bằng nghề thủ công, sản phẩm thủ công xuất khẩu nhiều nhưng đội ngũ này không được hưởng chính sách đầu tư thỏa đáng. Nhà nước đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng cho các trường đào tạo của Tổng cục dạy nghề, nhưng không đầu tư cho làng nghề, người làm nghề thủ công nên sản phẩm, sáng tác của họ còn khiếm khuyết là dễ hiểu…

Chưa kể, chính sách khen thưởng động viên nghệ nhân còn nhiều vấn đề. Nếu là thợ giỏi thì có phần thưởng huy chương cho bàn tay vàng còn người sáng tạo giỏi thì phong tặng nghệ nhân. Nghệ nhân là nghệ sĩ dân gian. Danh hiệu nghệ nhân do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng thì đúng nhưng để Bộ Công thương xét tặng thì không phù hợp.

Ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam  cũng chia sẻ, với 13.000 hội viên, chưa bao giờ Hiệp hội nói riêng, làng nghề Việt Nam nói chung phát triển mạnh như hiện nay. Triển lãm mỹ thuật ứng dụng toàn quốc cũng đã dành “sân chơi” cho nghệ thuật thủ công truyền thống.

Điều này chứng tỏ nhà nước và các nhà khoa học đã dần “nhìn đúng” về các nghệ nhân hơn. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để nghệ thuật thủ công truyền thống phát triển, cần có các triển lãm mang tính chất chuyên ngành sâu hơn như triển lãm chuyên đề mây tre đan, sơn mài...

Để phát triển nghệ thuật thủ công truyền thống một cách mạnh mẽ và bền vững, cần có sự liên kết tốt hơn giữa làng nghề, người làm nghệ thuật thủ công truyền thống với nhiều lĩnh vực khác.

Về vấn đề này, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cũng chia sẻ: Quản lý Nhà nước đang rất bùng nhùng trong quản lý mỹ thuật ứng dụng, bao gồm cả cả nghệ thuật thủ công truyền thống. Đây là lĩnh vực có nhiều khó khăn về cơ chế và quản lý.

Ngoài Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, VCCI cũng tham gia vào. Không có quốc gia nào trên thế giới, Bộ Công thương lại phong tặng nghệ nhân.

Nhưng nếu quy về một bộ, ngành nào cũng rất khó. Muốn thay đổi phải có Nghị quyết, chủ trương, văn bản của Nhà nước, nhưng như thế thì phải chờ. Vì vậy, trước mắt, những người trong nghề chỉ còn cách cố gắng “gỡ gạc” được một chút. Ông Thành khẳng định.


N.Nguyễn
.
.
.