Còn bất cập trong phát huy di sản của các cá nhân tiêu biểu

Thứ Năm, 06/05/2021, 08:40
Được hình thành trong quá trình sống, lao động sáng tạo, các tài liệu của các cá nhân là các nhà nghiên cứu, sáng tác tiêu biểu, có nhiều cống hiến nổi bật cho cộng đồng, xã hội là những khối di sản quý. Tuy nhiên, đến nay, việc bảo quản, gìn giữ và phát huy các khối di sản này vẫn còn nhiều “nút thắt” cần được tháo gỡ.


TS. Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn cho biết, đến nay, ông đã viết 114 kịch bản cho sân khấu, trong đó có 104 kịch bản Chèo. Những vở diễn được dàn dựng từ kịch bản của ông chiếm số lượng lớn trong tổng số các tác phẩm được trao huy chương vàng, huy chương bạc tại các Liên hoan, hội diễn toàn quốc từ năm 1955 đến nay. 

Mặc dù các tác phẩm, những thành quả lao động sáng tạo của ông đã được xã hội, Nhà nước ghi nhận dưới nhiều hình thức nhưng cũng có những điều ông ký thác trong tác phẩm, người đương thời chưa cảm thông hết. Trừ con gái của ông - người đã đánh máy kịch bản cho ông, chưa ai tiếp cận hết số kịch bản này. 

Là người lao động sáng tạo nghệ thuật, ông luôn mong muốn, mai sau sẽ còn có người hiểu mình đầy đủ, sâu sắc hơn và những thành quả của hoạt động ấy tiếp tục được phát huy, đóng góp cho đất nước, cho nghệ thuật. 

Hiện nay, ngoài các bản thảo gốc, các tài liệu gốc về từng kịch bản được lưu giữ cẩn thận và đầy đủ, ông còn nhiều tài liệu minh chứng về sự trưởng thành của một nhà viết kịch, về tính ưu việt, những cơ chế, chính sách đã góp phần tạo nên một đội ngũ sáng tác có nhiều cống hiến, phục vụ đất nước. 

Chỉ có điều, ông ngày càng lớn tuổi, gia đình không có nơi bảo quản khối tư liệu này và ông cũng không biết gửi vào đâu. May mắn là vừa qua, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đã đến làm việc, thu nhận các tài liệu này về bảo quản, giúp ông yên tâm hơn về những thành quả lao động sáng tạo của mình.

Thực tế, những băn khoăn, vướng mắc của TS. Nhà viết kịch Trần Đình Ngôn không phải là trường hợp duy nhất. Nhiều năm trước, việc bảo quản, phát huy di sản của GS Trần Văn Khê; nhà văn hóa, học giả Vương Hồng Sển hay khối tài liệu biển, đảo của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu… cũng là bài toán nan giải, gây nhiều tranh cãi. 

Nhiều năm gần đây, hoạt động sưu tầm, bảo quản, phát huy di sản của các cá nhân có nhiều đóng góp cho xã hội, đất nước được quan tâm đầu tư nhiều hơn, bài bản hơn. Sau Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam, công chúng có thêm Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam, một số bảo tàng tư nhân như Bảo tàng Tố Hữu, Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên… Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng là một trong những địa chỉ lưu giữ khá phong phú khối tư liệu này.

Một số cá nhân trao tặng tài liệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III – nơi bảo quản nhiều tài liệu của các văn nghệ sĩ nổi tiếng.

Bà Trần Việt Hoa, Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III cho biết, sau khi thành lập năm 1995, Trung tâm tiếp quản 50 phông lưu trữ tài liệu cá nhân từ Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I. Hiện tại, Trung tâm bảo quản hơn 100 phông lưu trữ tài liệu cá nhân, tương đương với 200m giá tài liệu. Công tác sưu tầm tài liệu cá nhân vẫn luôn được Trung tâm chú trọng nhưng gặp nhiều khó khăn. 

Trong 10 năm trở lại đây, Trung tâm đã khảo sát, gặp gỡ gần 300 cá nhân nhưng mới thu được tài liệu của 45 cá nhân. Một số gia đình và cá nhân còn chưa tin tưởng vào lưu trữ quốc gia, tài liệu thu về nhiều khi chưa trọn vẹn. Việc tiếp cận chủ nhân của tài liệu chưa kịp thời do việc liên hệ tìm địa chỉ, thông tin của cá nhân còn hạn chế. Tài liệu cá nhân có ở hầu hết mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà khả năng hiểu biết, nắm bắt thông tin của viên chức còn ít nên chưa thể tác động sâu sắc đến cá nhân trong quá trình vận động.

Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước, ông Trần Trung Kiên khẳng định, tài liệu lưu trữ cá nhân có giá trị lớn trong các khối tài liệu lưu trữ quốc gia. Vì vậy, lãnh đạo Cục chỉ đạo phải tăng cường thu thập các tài liệu quý giá này. Tuy nhiên, công việc sẽ không thể hoàn thành nếu không có sự hợp tác tích cực từ các cá nhân, chủ sở hữu các tài liệu. Mặt khác, Luật Lưu trữ năm 2011 đã có những quy định về thu thập, bảo quản, phát huy giá trị tài liệu cá nhân, nhưng sau 10 năm, đến nay, nhiều quy định đã không còn phù hợp với thực tế. Khắc phục tình trạng này, Cục đang kỳ vọng vào Luật Lưu trữ sửa đổi sẽ được trình Chính phủ trong thời gian tới.

Ông Trần Trung Kiên cũng cho hay, hiện nay, việc lưu trữ các tài liệu cá nhân chủ yếu trên tinh thần tự nguyện và chuyển giao tài liệu cho lưu trữ quốc gia cũng trên tinh thần này. Tài liệu quý của cá nhân trong xã hội còn nhiều, trong đó có thể kể đến cả tài liệu của các dòng họ… Các tài liệu quý giá mà các cá nhân muốn lưu giữ tại nhà nhưng nếu không được bảo quản tốt, khoa học sẽ rất dễ hư hỏng. Vì vậy, Nhà nước cũng cần có cơ chế chính sách khuyến khích, thúc đẩy việc tiếp cận các cá nhân và các khối tài liệu nói trên như các chính sách cho lưu trữ tư nhân, cho các cá nhân lưu trữ tốt… Việc phát huy khối tài liệu cá nhân cũng cần được tăng cường hơn. Về phía Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước cũng đã có định hướng sẽ phát huy khối tài liệu trong học đường, phối hợp với ngành du lịch để quảng bá các tài liệu này với bạn bè quốc tế…

Ngọc Nguyễn
.
.
.