Cô Nhu của “Sao tháng Tám”: Mong manh một chút tình

Chủ Nhật, 12/06/2016, 18:15
Thời gian dường như bất lực trước Nhu trong một tác phẩm điện ảnh kinh điển của cách mạng Việt Nam "Sao Tháng Tám". Mặc dù đã bước vào tuổi 70, trên khuôn mặt ấy vẫn không chịu sự chi phối của tật bệnh và tuổi tác. Dường như, dáng vẻ đấy, khuôn mặt đấy vẫn toát lên sự trẻ trung, căng tràn. Lửa tình yêu, lửa tuổi trẻ, đầy đam mê, say đắm.


Những câu thơ của bà từ thuở nào vẫn rất nồng nàn vẫy gọi: "Bạn tình ơi dâu bể đổi thay/ Có ai về kịp đêm nay/ Để cùng chia vợi đắng cay ngọt bùi..." Bên đời bên đạo, bên này là một Thanh Tú với những câu chuyện tình đắm say, vương vất chưa thoát cảnh nợ hồng trần và bên kia là khói nhang nghi ngút và trong ngày sẽ có hai thời khóa với tiếng gõ mõ tụng kinh mỗi khi bà cần thiền.

Nhà cô Nhu trong "Sao tháng Tám" nằm trong một con ngõ trên phố Triệu Việt Vương, Hà Nội. Vừa mới ở ngoài cửa đã nghe thấy tiếng trò chuyện tíu tít của hai người: nữ nghệ sĩ Thanh Tú và đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. Họ là đôi bạn tri kỉ từ nhiều chục năm nay. Thanh Tú cười giòn: Cuộc sống bây giờ là vui cùng Phật pháp và thi thoảng gặp gỡ những người bạn thân thiết. Cả hai người cùng xưng hô "mày - tao", thỉnh thoảng lại rộ lên tiếng cười khi kể về những câu chuyện hài kịch trong cuộc sống của danh vọng, tình yêu như hồi còn đi học.

Bước vào tuổi 70, nhưng ở bà vẫn toát lên nét quyến rũ, sự tự tin, chất nghệ sĩ, đam mê, giàu năng lượng và cũng rất thực đàn bà. Trên khuôn mặt hằn dấu vết thời gian nhưng đôi mắt chết người ấy vẫn sắc, vẫn ướt, long lanh sáng.

NSƯT Thanh Tú thời trẻ và con.

Tôi nghĩ thầm: "Bà chắc hẳn là người đa tình", đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhìn Thanh Tú cười bảo: "Tú được cái nổi bật nhất là yêu ai cũng như yêu lần đầu. Khi chọn diễn viên cho "Sao tháng Tám" đạo diễn Trần Đắc nhìn ảnh Thanh Tú đã thoáng băn khăn vì mắt của Tú ướt át quá, đa tình, đa cảm quả, liệu vào vai cách mạng được không? À, nhưng hóa ra... rất ổn". Bà lại cười giòn kể: "Này, đến bây giờ vẫn có người tỏ tình đấy nhé, lại còn làm thơ tặng".

Bà là người Hà Nội gốc, trong gia đình danh gia vọng tộc, cha bà nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng. Thanh Tú là con thứ hai trong gia đình có 8 anh chị em. 9 tuổi, Thanh Tú được cử đi học ở Trung Quốc theo chương trình dành cho con em cán bộ. Mẹ bà cũng muốn sau này con gái xinh đẹp của mình theo ngành kiến trúc, nhưng, có lẽ định mệnh đã rẽ bà sang một hướng khác, gắn bó với nghệ thuật.

Ngay từ khi còn thơ bé, nằm trong vòng tay của mẹ, một ông thầy tử vi nhìn Thanh Tú rồi nói với mẹ của bà rằng: "Cô bé sau này sẽ rất xinh đẹp, danh tiếng nổi như cồn, làm nghề xướng ca vô loài, lại không thoát khỏi cả đời làm lẽ và chịu cảnh chăn đơn gối chiếc". Câu nói của ông thầy tử vi khiến cho cả gia đình lo lắng, và không ngờ cuộc đời bà sau này diễn đúng ra như những gì thầy tử vi phán từ dạo đó.

NSƯT Thanh Tú.

Năm 1963, Thanh Tú - cô sinh viên Trường Đại học Kiến trúc đã bỏ ngang để thi vào Đoàn văn công Hà Nội (nay là Nhà hát Kịch Hà Nội). Với nhan sắc rực rỡ và khả năng diễn xuất thiên bẩm, Thanh Tú đã đóng tên mình lên những vai diễn trên sân khấu chính kịch bằng một loạt vai diễn gây ấn tượng sâu sắc cho công chúng khán giả Thủ đô thuở ấy. Nhân vật Tanhia trong vở kịch cùng tên, quận chúa Minfo trong kịch "Âm mưu và tình yêu"...

Vở diễn này gây nên tiếng vang lớn, khán giả như bị lôi kéo vào câu chuyện, để quên đi không còn thấy bóng dáng của Thanh Tú mà là bà quận chúa Minfo. Một bà hoàng đầy uy quyền, và cũng là một con điếm thấp hèn, đau đớn vật vã trong tình yêu khi phải quỳ gối van xin tình yêu của thiếu tá cận vệ.

Ngày đóng Tanhia, là thời kì hoàng kim thịnh vượng nhất của sân khấu. Vở diễn với kỉ lục 1.200 đêm diễn xuất, và phải đặt mua vé vào xem trong Nhà hát Lớn từ nhiều tháng trước. Vở diễn kinh điển đã ám ảnh bà đến độ, ngay kể cả bây giờ, thời gian đã qua đi 40 năm nhưng bà vẫn thuộc lòng từng trang thoại, vẫn ngây ngất với nhân vật như chưa từng có cuộc chia li.

Ngày đóng Tanhia trên sân khấu kịch cũng là ngày bà được khán giả cả nước biết đến khi bộ phim "Sao tháng Tám" phát sóng. Nhân vật Nhu đã quá thành công, người ta gọi Thanh Tú là "cô Nhu" của "Sao tháng Tám". Với vai diễn này, ngay sau ngày thống nhất đất nước được hai năm, năm 1977, bà lên bục vinh quang khi nhận giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ tư.

NSUT Thanh Tú và NSND Nguyễn Hữu Phần.

Với điện ảnh, bà không tham gia quá nhiều phim nhưng vai diễn nào cũng để lại ấn tượng sâu sắc. Năm 1966 đánh dấu mốc quan trong trong sự nghiệp điện ảnh của bà với vai diễn đầu tiên - Thảo trong phim "Biển lửa", bốn năm sau vai Hương Giang trong "Tiền tuyến gọi", vai bác sĩ trong "Em bé Hà Nội", chị Hảo trong "Vùng trời"...

Được ông trời ưu ái cho một nhan sắc quá xinh đẹp quyến rũ, nên cũng vì thế mà "gái má hồng nhiều nỗi truân chuyên". Mới 22 tuổi, Thanh Tú bị ngợp trước vẻ tài hoa của đạo diễn Phạm Kì Nam, bà mê ông bởi tài và nhầm lẫn không phân biệt được đâu là tình yêu đích thực và đâu là sự ngưỡng mộ. Ông cũng là người có công khi đưa bà bén duyên với điện ảnh khi đóng vai diễn đầu tiên Thảo trong "Biển lửa".

Ông Nam hơn bà 14 tuổi, trước khi quen bà, ông đã li dị vợ được ba năm. Bà về làm vợ ông đạo diễn nổi tiếng của phim "Chị Tư Hậu" và "Chung một dòng sông"... Cuộc hôn nhân này kéo dài được 12 năm thì chia tay đường ai nấy đi. Cuộc hôn nhân này bà "lãi" được một cậu bé trai.

Bà không quá đau khổ và bà chỉ thấm đòn khi bước vào cuộc tình vụng trộm và đẹp như mơ lần thứ hai với đạo diễn Lê Cường Việt kém tuổi bà. Đó là những ngày ở trên giường bệnh, người bạn học này nhiều tháng ngày luôn ở bên chăm sóc, động viên tận tình. Một tình yêu vô điều kiện, chỉ có sự si mê, lụy tình khốn khổ của kẻ đang yêu. Vừa tan vỡ cuộc hôn nhân thứ nhất, trái tim đang trống rỗng và tổn thương thì được xoa dịu bởi một sự tận tâm và chân thành hiếm thấy, Thanh Tú cảm động rồi yêu lúc nào không hay.

Người đạo diễn này cũng đã có vợ con, nhưng tình yêu của họ vượt qua tất cả, họ yêu nhau như hai kẻ mù lòa đi trên sa mạc đầy nắng gió. Cơn say tình này đã khiến cả hai đến với nhau. Vượt qua tất cả họ lấy nhau, nhưng cuộc đời không đẹp như mơ, ngay cả khi bà đang tưởng chừng ngất ngây vì hạnh phúc, được nương tựa vào bờ vai vững chắc của người chồng thì người đàn ông này lại bất ngờ có người phụ nữ khác.

Cuộc hôn nhân lần thứ hai kéo dài 14 năm rồi cũng lại tan tác. Năm đó Thanh Tú 40 tuổi, vẫn đẹp mặn mà, gợi cảm nhưng sự đau đớn đấy đã khiến bà thành ra suy sụp. Bà không tin vào tình yêu, nhưng rồi với bản tính đầy nữ tính, trái tim nóng bỏng lại đập rộn rã và bầu trời yêu thương lại đến. Những cuộc tình cứ đến lại đi không hẹn trước.

Hồng Nhật, cậu con trai với người chồng đầu được một gia đình người bạn của bà ở bên Pháp nhận nuôi năm 13 tuổi. Cậu được gia đình họ yêu quý như con đẻ trong gia đình. Sau này, bà biết người đàn ông nhận làm cha đỡ đầu của con trai bà thầm yêu trộm nhớ mình từ lâu. Anh tha thiết muốn đến với bà, nhưng bản thân đã từng kinh qua hai cuộc hôn nhân đổ vỡ không mong muốn khi có kẻ thứ ba xen vào, bà không muốn mình là nguyên nhân gây ra sự chia li cho một gia đình nào khác nữa.

Chỉ đến khi người phụ nữ trong gia đình đấy mất, người đàn ông kia thổ lộ tình yêu, Thanh Tú lại một lần nữa nhẹ dạ tin vào tình yêu, bà nghĩ rằng đây sẽ là bến bờ của hạnh phúc. Những ngày ở Việt Nam, bà ngóng trông tin của người đàn ông sống tại Pháp, nhưng rồi cuộc đời lại cứ thử thách bà. Càng ngóng càng mất hút. Sốt ruột, bà nhấc điện thoại gọi sang Pháp, bên kia nhấc máy lên là giọng một người phụ nữ. Con bà gọi điện thoại về cho hay: "Mẹ ơi, không hi vọng gì nữa rồi, bố đã có người phụ nữ khác".

A, tình yêu ấy mà, như một trò cút bắt, khi bà tưởng cầm chắc nó trong tay thì nó lại cứ như hạt cát nhẹ nhàng rơi qua kẽ tay. Cuộc đời bà với nhan sắc này, danh vọng này, sự nổi tiếng này, cả những đức tính đầy chất nghệ sĩ mãnh liệt và dại khờ này đã làm nên sức quyến rũ chết người và nhiều người đàn ông theo đuổi đeo bám. Thế nhưng, đã bao giờ bà thực sự hạnh phúc?! Tình yêu là sợi chỉ tơ lụa mong manh nhất và có thể đứt bất cứ lúc nào, cũng không nên lệ thuộc vào nó quá. Lý trí đã nói vậy, nhưng con tim lại xao động. Và rồi, bà phải học cách chấp nhận như thế là ông trời cho mình cái này sẽ lấy của mình cái kia. Mình không thể được nhiều thứ quá.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần nhìn người bạn thân thiết của mình bảo: "Thanh Tú cả đời chỉ biết yêu".  Bà cười, nụ cười không có sự khổ đau mà viên mãn, sự an bình và bằng lòng số phận. Bà bảo: Sau hai cuộc hôn nhân, bà đều trắng tay không có bất kì của nả gì, bà chỉ lãi có hai đứa con với hai đời chồng.

Với người chồng đầu tiên, sau khi hai vợ chồng chia tay được ít lâu thì đạo diễn Phạm Kì Nam đột ngột mất. Người chồng thứ hai giờ yên bề gia thất với người phụ nữ khác. Còn bà, bà sống một mình trong ngôi nhà nhiều tầng trên con phố chính do một tay bà đảm đang thu vén gây dựng.

Nghe đạo diễn Nguyễn Hữu Phần giới thiệu bà còn mới mua thêm một căn hộ nữa ở Tây Hồ lộng gió, từ ngôi nhà của bà có thể nhìn thấy đầm sen nở hoa thơm ngát. Bà bảo, mình còn phải có trách nhiệm với cuộc đời mình, con cái mình, và đức Phật là ánh sáng đã đưa đường chỉ lối cho bà.

Từ cái thời con gái ngày mà đang là diễn viên nổi tiếng trên phim trường, cuộc sống nghệ sĩ ở đỉnh cao của danh vọng thì nhạc sĩ Hồng Đăng trầm ngâm nhìn bà nói: "Tú ơi!, lạ nhỉ! Anh xem tử vi cho em thì lẽ ra em phải vào nghề dạy học và đi tu thì mới đúng số của em chứ. Mà anh xem đi xem lại thì thấy kiểu gì em cũng có dạy học và đi tu".

Lời nhạc sĩ Hồng Đăng nói lúc đấy, bà chỉ nghĩ đó là một câu chuyện đùa, dạy học và đi tu là những thứ quá xa vời, đang là một nghệ sĩ đầy mộng mơ, lãng mạn, không liên quan gì đến dạy học và đi tu. Các vai diễn cứ tưng bừng nối tiếp nhau. Vậy mà, thời gian thấm thoắt trôi đi. Đúng là sau này bà trở thành một nhà giáo thực thụ. Bà dạy diễn xuất cho các trường nghệ thuật hay các trung tâm đào tạo diễn viên, hay dạy thẩm mỹ tại những lớp làm đẹp. Còn đi tu ư? 

Trong nhà bà có ban thờ Phật, hằng ngày bà đều đặn hai thời sáng tối gõ mõ tụng kinh. Bà tham gia công việc công quả của nhà chùa, và đôi lúc thích vi vu trên những miền sơn thủy hữu tình, đến những ngôi chùa ở làng quê yên ắng, thanh bình. Về chốn ấy, được tắm mình trong bầu không khí linh thiêng nơi cửa Phật, bà thấy lòng nhẹ nhõm thanh thản để quên đi những tháng ngày buồn đã xa. Bà đến với đạo Phật để tìm cho mình một triết lí sống, một sự vui sướng, an nhiên, tự tại.

Bà bảo: "Bà biết kiếp trước mình cũng đã là một nghệ sĩ, kiếp này mình là một nghệ sĩ, nếu có kiếp sau thì mình cũng xin là một nghệ sĩ". Nếu có kiếp sau, những người bạn ở kiếp này cũng sẽ là những người thân thiết mình ở kiếp sau. Kiếp này nợ chưa trả được, xin trả sang kiếp sau.

Cuộc sống của bà đã được cân bằng vừa đời vừa đạo. Hiểu giáo lí đạo Phật để sống an lành. Trong bà giờ đây niềm đam mê với phim trường vẫn cháy. Thi thoảng bà đi đóng phim, không khí trường quay khiến bà được trẻ lại, nghệ thuật là lẽ sống của bà, bà đã chọn lựa và chưa một lần hối tiếc.

Tính cách trẻ trung, phong thái năng động, nhan sắc vẫn đẹp mặn mà, ở con người bà toát ra sự quyến rũ chỉ có ở nữ diễn viên mang tầm đẳng cấp. Mặc dù, trong đợt xét tuyển danh hiệu NSND gần đây nhất, không hiểu lí do gì mà thế hệ đàn em sau này đều lần lượt được mà bà vẫn chưa, nhưng với tôi và trăm ngàn khán giả khác, bà đã là nghệ sĩ của nhân dân khi đóng Nhu trong "Sao tháng Tám", hay một Tanhia, một Minfo sống mãi trong lòng khán giả Thủ đô từ thuở xa lắc ấy.

Trần Mỹ Hiền
.
.
.