Chế lời Quốc ca và câu chuyện về văn hóa doanh nghiệp

Thứ Sáu, 23/10/2015, 16:32
Những ngày này, cộng đồng “dậy sóng” trước các thông tin, hình ảnh, clip lan truyền về việc hệ thống siêu thị bất động sản STDA chế lời bài Quốc ca với nhiều từ ngữ bị cho là dung tục.

Việc làm của lãnh đạo, nhân viên đơn vị này gần như ngay lập tức chịu sự chỉ trích gay gắt từ phía dư luận. Tuy nhiên, vụ việc chỉ giống như một phần nhỏ của tảng băng chìm trong câu chuyện về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân Việt nói chung.
Trước đó, ngày 15/10, trong lễ kỷ niệm thành lập của STDA, lãnh đạo đơn vị đã bắt nhịp cho hàng trăm nhân viên hát “Cen ca” - bài nhạc chế của Quốc ca. Hành động của tập thể STDA giữa chốn công cộng khiến người chứng kiến bất bình và đã ghi lại, tung lên mạng. Bị dư luận chỉ trích, đại diện của STDA cho rằng đó chỉ là hoạt động mang tính nội bộ.
Hình ảnh STDA hát chế Quốc ca được lan truyền trong cộng đồng mạng khiến dư luận bất bình.

Còn nhớ, nhiều năm về trước, dư luận cũng từng bất bình trước việc FPT chế nhiều ca khúc cách mạng, nhạc phẩm nổi tiếng của các nghệ sĩ lão thành thành những bài nhạc chế mang tính dung tục. Đơn vị này cũng từng thanh minh rằng đó chỉ là những sản phẩm nhạc chế được thực hiện cho vui và mang tính nội bộ. Một số ý kiến trái chiều còn tự cho rằng đó là chuyện riêng của đơn vị. Cũng phải nói thêm, thời điểm FPT “sáng tác” nhạc chế, vấn đề bản quyền chưa hẳn được quan tâm nhiều như hiện nay. Song, sau đó, đích thân đại diện lãnh đạo của đơn vị đã phải đến nhận lỗi với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu – một trong số các nhạc sĩ có ca khúc bị FPT chế lời phản cảm.

Thực tế, việc hát nhại, hát chế nhạc phẩm nào đó cho vui của một vài người trong bàn tiệc rất phổ biến. Ngay trong giới hoạt động văn hóa nghệ thuật, chuyện người này, người khác được đồng nghiệp gọi vui vui là “vua nhạc chế” trong những trường hợp như thế không hiếm. Nhưng đó là chế vui và nhạc phẩm được chế là những ca khúc thông thường, được phổ biến rộng rãi, chế lời trong sự cho phép của chủ sở hữu và sự chấp nhận của người nghe. Còn với Quốc ca, đó là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Dù chỉ mang tính nội bộ như lời thanh minh của đại diện STDA, việc chế lời Quốc ca thành bất kỳ sản phẩm nào cũng không thể chấp nhận được.

Việc xử lý sai phạm của STDA, theo phân tích của nhiều người trong giới Luật sư là có thể ở mức vi phạm hành chính. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ nằm ở việc đơn vị này bị phạt bao nhiêu tiền, việc xử phạt có thỏa đáng so với hành vi hay không mà là câu chuyện của văn hóa doanh nghiệp và văn hóa của doanh nhân.

Lâu nay, nhà làm kinh tế thường chỉ quan tâm vấn đề lợi nhuận. Xây dựng triết lý kinh doanh, văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh bị coi nhẹ, nếu như không muốn nói là bị bỏ ngỏ với rất nhiều doanh nghiệp. Văn hóa kinh tế càng ít được đề cập. Câu chuyện văn hóa doanh nhân – văn hóa của người làm kinh doanh cũng ít được quan tâm. Sự quan tâm của người làm kinh tế gần như chỉ là làm sao kiếm được lợi nhuận thật nhiều. Nhưng doanh nhân, như cách gọi trân trọng của cộng đồng dành cho người làm kinh tế thì không hẳn chỉ có vai trò như thế. Nếu không, khoảng cách giữa doanh nhân với con buôn sẽ không khác nhau bao xa và hệ lụy của sự thiếu đạo đức, thiếu văn hóa trong kinh doanh cũng không chỉ dừng ở một vài sai phạm như vụ việc chế lời cả Quốc ca gây “sóng gió” trong dư luận của STDA...

Về việc STDA chế lời Quốc ca, ngày 23/10, Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, đơn vị có văn bản yêu cầu STDA đến làm việc và đang tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi vi phạm nói trên.

N.Nguyễn
.
.
.